Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng:

Xin đừng nhìn giáo dục - đào tạo một cách phiến diện

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tại Việt Nam, giáo dục - đào tạo là một trong những ngành mà Đảng, Nhà nước và cả xã hội đặc biệt quan tâm vì liên quan đến sự nghiệp “trồng người”.

Xin đừng nhìn giáo dục - đào tạo một cách phiến diện

Hơn 22 triệu học sinh mầm non, phổ thông trên cả nước đã chính thức bước vào năm học mới 2023-2024. Từ nay đến hết tháng 10, các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trong cả nước cũng sẽ tổ chức khai giảng năm học mới. Không khí vui tươi, phấn khởi trong mùa khai trường đã lan tỏa đến khắp mọi miền Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Niềm vui của thầy và trò trong mùa khai trường năm nay được nhân lên khi đón nhận Thư chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Trong Thư, Chủ tịch nước khẳng định: "Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Giáo dục, rèn luyện các em là nhiệm vụ chung của nhà trường - gia đình và xã hội. Một quốc gia muốn phát triển phải có nền giáo dục chất lượng cao và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển bền vững".

Chủ tịch nước mong các cô giáo, thầy giáo hãy luôn giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý. Các bậc phụ huynh, vì tương lai con em mình, hãy đồng hành với nhà trường và xã hội trong giáo dục, chăm lo cho các em.

Tiếc rằng, bên cạnh niềm vui của học sinh, sinh viên, học viên và các bậc phụ huynh, vẫn còn không ít nỗi băn khoăn lo lắng về nhiều vấn đề liên quan đến giáo dục- đào tạo, đặc biệt là có những cái nhìn phiến diện, những tiếng nói không mang tính xây dựng đối với lĩnh vực quan trọng này.

Cô và trò tại Trường Olympia (Hà Nội). Ảnh minh họa
Cô và trò tại Trường Olympia (Hà Nội). Ảnh minh họa

Không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước trên thế giới, lĩnh vực giáo dục- đào tạo luôn được cả xã hội quan tâm, được các cơ quan báo chí, truyền thông cổ vũ, “soi mói”, “mổ xẻ”. Từ khi có mạng xã hội thì giáo dục- đào tạo cũng là một trong những “đề tài” ăn khách nhất của các trang cá nhân, các nhóm, các trang thông tin điện tử trên internet.

Tại Việt Nam, giáo dục- đào tạo là một trong những ngành mà Đảng, Nhà nước và cả xã hội chúng ta đều đặc biệt quan tâm vì liên quan đến sự nghiệp “trồng người”, quyết định đến sự phát triển và tồn vong của dân tộc. Quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “Giáo dục- đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sự nghiệp giáo dục. Người chỉ rõ: "Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang..., xây dựng kinh tế, không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa".. Người còn nói: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt vấn đề chống nạn dốt là vấn đề cấp bách số hai sau vấn đề chống nạn đói của Nhà nước lúc bấy giờ. Bởi vì "nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta và một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”.

Muốn đưa đất nước thoát khỏi nạn dốt vững mạnh đi lên đòi hỏi phải nhận thức đúng tầm quan trọng của giáo dục, coi giáo dục là sự nghiệp của quần chúng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Sở dĩ phải đặt giáo dục là sự nghiệp toàn dân bởi giáo dục là một hoạt động phức tạp, thường xuyên của đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các vùng miền khác nhau, thuộc các độ tuổi khác nhau.

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp của trường Đại học Văn Hiến, TP HCM. Ảnh: website Đại học Văn Hiến

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp của trường Đại học Văn Hiến, TP HCM. Ảnh: website Đại học Văn Hiến

Do vậy, để phát triển sự nghiệp giáo dục trong cả nước, nhất thiết phải huy động sức mạnh to lớn của toàn thể nhân dân, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Tiếc rằng, do một số người không hiểu hoặc cố tình không hiểu quan điểm “giáo dục là sự nghiệp của quần chúng” nên đã đổ hết tất cả của những hạn chế, tiêu cực, yếu kém liên quan đến đến nguồn nhân lực, chất lượng đào tạo…nên “đầu ngành giáo dục - đào tạo”.

Từ đó suy diễn, quy chụp “nhân lên” lỗi “hệ thống”, rồi “phân tích”, đổ lỗi cho đảng cầm quyền, gián tiếp hoặc trực tiếp chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tế cho thấy, những hiện tượng tiêu cực, những yếu kém của ngành giáo dục - một hệ thống lớn đang chuyển động đổi mới trong điều kiện nền kinh tế thị trường và đất nước mở cửa – là không thể tránh khỏi.

Chức năng của báo chí, mạng xã hội, dư luận xã hội là phê phán để góp phần loại trừ những hiện tượng tiêu cực, giúp ngành giáo dục khắc phục những khó khăn, yếu kém để ổn định và phát triển, chứ không nên nhắc đi nhắc lại một số tiêu cực, yếu kém làm bàn kê cho những nhận định khái quát, chủ quan, thiếu chuẩn xác, rồi phủ định nền giáo dục bằng cái nhìn phiến diện, sai lệch.

Không nên dội nước lạnh vào ngọn lửa nhiệt tình đang cháy lên từ con tim của hàng triệu thầy giáo, cô giáo và các cán bộ quản lý giáo dục đang ngày đêm mang hết tâm huyết và tâm lực chăm lo cho sự nghiệp trồng người, cũng là chăm lo cho tương lai và tiền đồ của dân tộc.

Năm học 2023-2024 là năm học có ý nghĩa, vai trò quan trọng của lộ trình đổi mới giáo dục nước nhà. Trọng tâm là triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, năm học này tập trung triển khai mới với các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5, 9, 12 (bao gồm cả phần việc biên soạn sách giáo khoa, thẩm định, chuẩn bị các điều kiện phát hành).

Nhiệm vụ của năm học mới này khá nặng nề. Gánh nặng của năm học mới đối với nhiều gia đình là quá lớn bởi lẽ vừa phải lo các khoản chi tiêu đầu năm học cho học sinh, sinh viên (mua sách, vở, đồng phục…), vừa phải lo học phí, học thêm…

Tuy nhiên, gánh nặng này có thể được san sẻ nếu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền địa phương chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục bằng những quyết sách kịp thời và đúng đắn, xây dựng cho được môi trường giáo dục thực sự trong sạch, lành mạnh, an toàn.

Gánh nặng này cũng có thể được san sẻ bởi những tấm lòng nhân ái, từ sự ủng hộ, giúp đỡ của những người có điều kiện về kinh tế để các cô giáo, thầy giáo và các học sinh, sinh viên được giảng dạy và học tập trong niềm vui, hạnh phúc, được phát huy tối đa năng lực sáng tạo.

Điều quan trọng góp phần thực hiện thành công việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà là mỗi người dân Việt Nam hãy chung tay, góp sức cùng ngành giáo dục, có cái nhìn toàn diện hơn đối với lĩnh vực quan trọng này. Xin đừng nhìn giáo dục một cách phiến diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ