Nhóm lãnh đạo, cán bộ đã chấp thuận yêu cầu tăng giá hợp đồng của công ty Trung Quốc đồng thời chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực. Việc này khiến dự án 8.000 tỷ đồng bị chậm tiến độ từ năm 2011 tới nay, gây thiệt hại 830 tỷ đồng tiền lãi.
Bác đề nghị triệu tập ông Vũ Huy Hoàng
Ngày 12/4, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử vụ án thất thoát hơn 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Trong vụ, có 14 người bị truy tố về tội “Vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 5 người bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị cáo đều là cựu lãnh đạo, cán bộ của TISCO hoặc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS). Theo chủ tọa – thẩm phán Phan Huy Cương, phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày kể cả thứ 7, Chủ nhật.
Tại tòa, chủ tọa cho biết đã nhận đơn xin xét xử vắng mặt của bị cáo Đậu Văn Hùng – nguyên Tổng Giám đốc VNS. Theo nội dung đơn, bị cáo này trình bày đã có lời khai, giao nộp đầy đủ tài liệu ở cơ quan điều tra và hiện không thay đổi. Bị cáo Hùng cũng khẳng định bản thân mắc nhiều bệnh nan y hiểm nghèo, không thể tự chăm sóc, phải nhờ người thân giúp sinh hoạt nên không thể ra tòa. Bị cáo Hùng hứa đã nhận thức đầy đủ hành vi của mình, cam kết sẽ tuân thủ bản án, quyết định của tòa.
Cũng trong phần thủ tục, luật sư Đinh Anh Tuấn cho rằng kết luận giám định trong vụ chưa làm rõ nhiều nội dung nên đề nghị triệu tập giám định viên của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng tới tòa. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đình Khỏe xin triệu tập thêm nhân chứng là nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vì đây là người ký những văn bản rất quan trọng trong vụ án. Tương tự, luật sư Trần Văn Tạo cũng đề nghị triệu tập ông Hoàng Trung Hải và ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Nêu quan điểm, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng trong phiên xử, ngoài bị cáo Đậu Văn Hùng, ngân hàng BIDV và một số người liên quan cũng vắng mặt nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét triệu tập. Sau hội ý, Hội đồng xét xử thống nhất thấy cần thiết phải triệu tập giám định viên đến tòa. Với đề nghị triệu tập nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ và nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, Hội đồng xét xử thấy họ đã có tài liệu ở giai đoạn điều tra; nếu luật sư thấy cần thiết, tòa sẽ công bố nên sẽ không triệu tập.
Bước vào xét hỏi, đại diện viện kiểm sát công bố cáo trạng thể hiện dự án mở rộng giai đoạn 2 của TISCO được triển khai năm 2007 và do Tổng Công ty Thép Việt Nam chỉ đạo, kiểm soát. Đơn vị trúng thầu là Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). TISCO đã ký với MCC hợp đồng EPC trọn gói trị giá hơn 160 triệu USD trong đó phần E (thiết kế) trị giá hơn 3,1 triệu, P (cung cấp thiết bị) giá gần 115 triệu và phần C (xây lắp) trị giá hơn 42 triệu USD. Nội dung EPC thể hiện, giá trị 160 triệu USD là không đổi và MCC phải thi công, chạy thử, chuyển giao dây chuyền luyện kim trong vòng 30 tháng.
Thiệt hại 830 tỷ đồng
Thời điểm tháng 8/2007, hợp đồng EPC chưa có hiệu lực nhưng TISCO đã cho phía MCC ứng hơn 35 triệu USD. Đến cuối năm 2008, tức 11 tháng sau khi hợp đồng có hiệu lực, tập đoàn luyện kim Trung Quốc vẫn chưa lựa chọn nhà thầu phụ cũng như hoàn thiện thiết kế; không đặt hàng máy móc… và ngược lại, MCC rút hết người về nước đồng thời yêu cầu tăng giá trị hợp đồng EPC thêm 138 triệu USD. Lý do MCC đưa ra là thay đổi tỷ giá, thị trường thế giới biến động… Theo truy tố, các bị cáo biết doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm hợp đồng và có thể chấm dứt hợp tác, thu tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt. Tuy nhiên, nhóm này lại xin ý kiến để có thể chấp thuận yêu cầu tăng giá của MCC.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản nêu, TISCO cần chấm dứt hợp đồng, xem xét hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại nhằm bảo đảm tiến độ dự án. Để có căn cứ xử lý, TISCO còn thuê một hãng luật của Singapore và được tư vấn, MCC không thể đơn phương tăng giá hợp đồng do giá hợp đồng là trọn gói cố định, nếu MCC bỏ dở công trình sẽ vi phạm hợp đồng và TISCO có thể yêu cầu bồi thường. Các bị cáo trong vụ đã bỏ qua tư vấn này để đàm phán với tập đoàn Trung Quốc về việc tăng giá hợp đồng EPC vào tháng 4/2009. Tại đàm phán, phía MCC đề xuất phần C phải tăng giá thêm gần 43 triệu USD, chi phí này do TISCO chịu.
Để có cơ sở giải quyết, TISCO tiếp tục nhờ hãng luật của Singapore tư vấn và được trả lời: “MCC không thể đơn phương điều chỉnh và tăng giá hợp đồng. Họ cũng không thể chấm dứt hợp đồng với lý do giá nguyên vật liệu tăng cao hay tỷ giá biến động bất lợi. Nếu họ làm vậy sẽ vi phạm hợp đồng và phải có nghĩa vụ bồi thường cho TISCO”. Tuy nhiên, phía TISCO và VNS đã chấp thuận tăng giá phần C và chuyển hình thức từ hợp đồng trọn gói sang hợp đồng theo đơn giá dù ở đó, TISCO phải chịu các chi phí vượt quá mức ban đầu.
Ngoài ra, các bị cáo còn giới thiệu Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) làm nhà thầu phụ thực hiện phần C. Doanh nghiệp này không đủ năng lực nên năm 2011 đã dừng thi công, trao trả các hạng mục công việc không kịp tiến độ cho TISCO khiến dự án bị tạm dừng đến nay. Cơ quan truy tố xác định, việc các bị cáo chấp thuận yêu cầu tăng giá hợp đồng EPC đồng thời chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực là vi phạm các quy định về đấu thầu, xây dựng... Đây là nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ, phát sinh lãi vay tăng; gây thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước đặc biệt nghiêm trọng. Cơ quan truy tố xác định, TISCO hiện phải chịu thiệt hại hơn 830 tỷ đồng, là số tiền lãi phải trả cho các ngân hàng.