Xét xử nhóm thanh tra bảo kê “xe vua” tại Hà Nội

GD&TĐ - Cơ quan truy tố xác định các bị cáo thu 6,2 tỷ đồng để “quan hệ” cán bộ thanh tra, cảnh sát giao thông.

Tuy nhiên, chỉ có 4 thanh tra giao thông bị xác định nhận hối lộ hơn 300 triệu đồng; 90 cán bộ khác không thừa nhận bảo kê xe tải.

Bảo kê thời gian dài

Ngày 11/5, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 7 bị cáo liên quan đường dây bảo kê xe tải vi phạm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2018. Trong đó, có 3 người bị truy tố về tội “Đưa hối lộ” gồm Nguyễn Ánh Hào (SN 1981, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội), Lê Văn Cường (SN 1980) – nguyên cán bộ Chi cục Quản lý đường bộ 1.6 thuộc Cục Quản lý đường bộ I và Phạm Văn Vinh (SN 1993) – nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP đầu tư thương mại vận tải Tuấn Vinh.

Bốn bị cáo khác hầu tòa về tội “Nhận hối lộ” gồm Trần Sỹ Cương (SN 1984) – cán bộ Đội Thanh tra cơ động Sở GTVT Hà Nội, Lê Bá Dũng (SN 1974) – nguyên Thanh tra giao thông (TTGT) quận Hoàng Mai, Nguyễn Quốc Cương (SN 1973) – nguyên TTGT quận Hai Bà Trưng, Hoàng Văn Lân (SN 1963) – nguyên TTGT huyện Phú Xuyên.

Cáo trạng của Viện kiểm sát thể hiện, năm 2018, Công an TP Hà Nội nhận đơn tố cáo việc Công ty Tuấn Vinh hoạt động bảo kê xe tải; thu lợi bất chính 12,2 tỷ đồng; ép các xe tải của mọi doanh nghiệp phải mang logo “An toàn là bạn tai nạn là thù” để không bị kiểm tra.

Xe nào không dán logo thì thường xuyên bị kiểm tra, lập biên bản đến nỗi không thể đi lại được. Hoạt động này kéo dài nhiều năm ở Hà Nội, chèn ép các doanh nghiệp trong khi TTGT và CSGT lại bảo kê các xe có logo này.

Hội đồng xét xử vụ án.
Hội đồng xét xử vụ án.

Kết quả điều tra xác định, tháng 3/2016, nhóm Hào, Cường, Vinh thiết kế logo mang tên “Cty Tuấn Vinh” và mời các chủ xe thường chở quá tải nộp tiền để đi quan hệ với cán bộ Nhà nước trong lĩnh vực giao thông.

Các xe mang logo này sẽ không bị kiểm tra hoặc được bỏ qua lỗi vi phạm hoặc được xử phạt nhẹ hơn lỗi mắc phải. Tháng 3/2018, do có người tố cáo “xe vua” mang logo Tuấn Vinh nên các bị cáo đổi sang logo “An toàn là bạn tai nạn là thù”.

Trong đường dây này, Hào và Vinh có nhiệm vụ đi mời các chủ xe nộp tiền trong đó, Hào thu từ 80 - 90 xe số tiền khoảng 300 triệu đồng/tháng; bị cáo Vinh thu từ 40 - 50 khoảng 200 triệu đồng/tháng và ngoài ra, các xe trong công ty của Vinh cũng được bảo kê dù không phải nộp tiền.

Bị cáo Cường trong vai trò cán bộ, mỗi khi đi làm nhiệm vụ TTGT sẽ thông báo vị trí chốt để báo cho các xe tải đi đường khác. Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2018, các bị cáo thu được 6,2 tỷ đồng từ các chủ xe tải. 

Không thừa nhận bảo kê

Tuy nhiên, phía điều tra chỉ làm rõ 4 người nhận hối lộ trong đó, Lê Bá Dũng nhận 96 triệu đồng; Nguyễn Quốc Cương nhận 63 triệu đồng; Trần Sỹ Cương 136 triệu đồng và Hoàng Văn Lân nhận 11 triệu đồng cùng 1 chai rượu.

Các bị cáo này sau khi nhận hối lộ đã bỏ qua hoặc xử phạt lỗi nhẹ hơn với các xe mang logo của Công ty Tuấn Vinh. Thông qua việc bảo kê xe tải, bị cáo Nguyễn Ánh Hào được hưởng lợi bất chính 250 triệu đồng; Lê Văn Cường hưởng 180 triệu đồng và Phạm Văn Vinh hưởng lợi 140 triệu đồng.

Ngoài ra, các bị cáo Hào, Vinh còn khai sau khi thu tiền từ các chủ xe sẽ chia nhau đi gặp gỡ, đưa tiền cho các cán bộ của những đơn vị có chức năng quản lý giao thông gồm TGTT; các đội CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát 113… trên địa bàn Hà Nội.

Số tiền hối lộ từ 1 - 60 triệu đồng/người. Việc này diễn ra từ tháng 6/2016 đến tháng 10/2918 và bị cáo Hào có lập danh sách ghi rõ số tiền chi cho từng người, từng đơn vị với số lượng người và tiền lớn nhưng không có biên nhận.

Bị cáo Hoàng Văn Lân
Bị cáo Hoàng Văn Lân

Cơ quan điều tra đã triệu tập, cho 90 cán bộ TTGT, cảnh sát đối chất với Hào và Vinh nhưng cả 90 người đều không thừa nhận cầm tiền từ 2 bị cáo nên không có căn cứ xử lý hình sự. Do đó, Viện KSND TP Hà Nội đã ban hành văn bản kiến nghị Giám đốc Công an TP Hà Nội và Giám đốc Sở GTVT Hà Nội kiểm tra, xem xét việc này theo quy định.

Tại tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như trên và cho rằng bản thân hiểu biết pháp luật kém, đã vi phạm nhưng mong Hội đồng xét xử cân nhắc, cho hưởng khoan hồng.

Trong số này, Lê Bá Dũng khai nhận hối lộ từ Vinh khoảng 12 lần với tổng số tiền 90 triệu đồng, nhận ở các quán nước hoặc ven đường. Dũng khai thời điểm đó, vợ mình mới mất nên bản thân phải nuôi hai con nhỏ, chịu áp lực lớn về kinh tế nên đã có hành vi vụ lợi.

Một bị cáo khác, Hoàng Văn Lân khai bản thân phụ trách một tổ công tác, thường ra đường xử lý vi phạm. “Cuối 2016, cháu Hào nói ở Công ty Tuấn Vinh, nhờ bị cáo nói để anh em tạo điều kiện cho.

Lúc đó dịp Tết, Hào có đưa tiền nhờ bị cáo mua cây đào về tặng đội. Bị cáo nghĩ đơn giản, chú ấy biếu đội cây đào thì mua giúp. Tổng cộng bị cáo nhận 11 triệu là tiền cháu Hào nhờ mua hộ đội cây quất hoặc mua bia, nước ngọt cho đội đi nghỉ mát. Bị cáo không tư lợi cá nhân, số tiền sử dụng cho tập thể”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.