Xét xử 71 bị cáo trong vụ án kê khống hơn 1.200 ngôi mộ giả

GD&TĐ - Từ ngày 25/7 đến 5/8, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra xét xử phiên sơ thẩm vụ án kê khống hơn 1.200 ngôi mộ giả.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kê khống hơn 1.200 ngôi mộ giả với 71 bị cáo (Ảnh: N.M).
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kê khống hơn 1.200 ngôi mộ giả với 71 bị cáo (Ảnh: N.M).

Sáng 25/7, Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án kê khống mộ giả để trục lợi xảy ra tại khu dân cư Bắc Hương Sơ, TP Huế.

Vụ án kê khống đến 1.213 mộ giả được đưa ra xét xử với số lượng bị cáo "kỷ lục" lên đến 71 người. Bên cạnh đó, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng rất đông. Đây là vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, 71 bị cáo bị xét xử ở 3 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ".

Đáng chú ý, nhiều bị cáo là cựu cán bộ công tác tại các cơ quan nhà nước, chủ doanh nghiệp, như: Nhiêu Khánh Phước Hưng (SN 1979), Đoàn Văn Hoài (SN 1964, đều là cựu chuyên viên Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế); Nguyễn Văn Quý (SN 1978, cựu Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), Nguyễn Quyền (SN 1964, chủ doanh nghiệp Hiền Đức Ngọ)...

Nhiều bị cáo là cựu cán bộ công tác tại các cơ quan nhà nước, chủ doanh nghiệp.

Nhiều bị cáo là cựu cán bộ công tác tại các cơ quan nhà nước, chủ doanh nghiệp.

Từ năm 2019 đến 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Huế là Chủ đầu tư dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Hương Sơ đã ký hợp đồng kinh tế theo từng khu vực với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế về việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất tái định cư để bàn giao lại cho chủ đầu tư.

Sau khi ký hợp đồng, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế hợp đồng lại với Doanh nghiệp Hiền Đức Ngọ (phường An Tây, TP Huế) do ông Nguyễn Quyền – chủ doanh nghiệp này thực hiện việc phát quang, giăng dây, khoanh vùng và cắm thẻ lên các ngôi mộ phải di dời ở khu vực giải phóng mặt bằng.

Được biết khu vực giải phóng mặt bằng tại Bắc Hương Sơ có nhiều mồ mả của người dân thuộc diện phải di dời được Nhà nước bồi thường. Do nắm được thông tin dự án sắp triển khai, mồ mả di dời được Nhà nước bồi thường, nhiều cá nhân, hộ gia đình dựng thêm mộ giả với mục đích được kê khai nhằm nhận thêm nhiều tiền bồi thường.

Lợi dụng kẻ hở, nhiều bị cáo trong vụ án đã thông đồng, thỏa thuận với người dân làm hợp đồng cất bốc rồi liên hệ tổ công tác liên ngành xác nhận có mộ di dời; liên hệ với chính quyền địa phương xác nhận có mộ đưa đến chôn để người dân có thủ tục quyết toán, nhận tiền bồi thường các mộ giả.

Nhiều người dân quan tâm phiên tòa theo dõi qua màn hình bên ngoài sân Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh: N.M).

Nhiều người dân quan tâm phiên tòa theo dõi qua màn hình bên ngoài sân Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế (Ảnh: N.M).

Hồ sơ vụ án cho thấy, đã có tổng cộng 1.213 ngôi mộ giả được vun đắp, kê khai gian dối để chiếm đoạt tiền đền bù, hỗ trợ của nhà nước với tổng số tiền 2.213.405.000 đồng.

Vụ án dự kiến sẽ xét xử đến ngày 5/8. Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.