Nhiều trường dùng điểm học bạ THPT
Năm nay, Trường Đại học Công Thương TPHCM dự kiến áp dụng 5 phương thức xét tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Cụ thể, trường sẽ tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT cũng như đề án riêng; xét tuyển học bạ dựa trên kết quả học tập THPT; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT với các tổ hợp môn phù hợp từng ngành đào tạo; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức; xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức.
Tương tự, Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ sử dụng 4 phương thức xét tuyển gồm: Kết quả quá trình học tập THPT; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025; kết quả bài thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia TPHCM; ưu tiên xét tuyển theo quy định của nhà trường và xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT.
Tại Trường Đại học Nha Trang, PGS.TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học cho biết, từ năm 2025, trường áp dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa kết quả học tập THPT và đánh giá năng lực học tập đại học. Về kết quả học tập THPT, thí sinh phải đạt yêu cầu tối thiểu về các môn học nhất định ở từng ngành, chuyên ngành đào tạo, theo quy định của trường. Mỗi năm, trường sẽ công bố yêu cầu cụ thể cho các môn học này.
Đối với kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, thí sinh phải tham gia kỳ thi tập trung vào 3 nhóm khả năng chính: Toán (bao gồm Toán, suy luận logic và xử lý số liệu); Ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). Đặc biệt, phần Khoa học cho phép thí sinh lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.
PGS.TS Tô Văn Phương nhấn mạnh rằng, phương hướng này sẽ giúp học sinh Chương trình GDPT 2018 nhận thức rõ hơn các ngành học mình yêu thích và cần chú trọng vào nhóm kiến thức nào, từ đó có cách học tập và lựa chọn phù hợp từ bây giờ.
Với Trường Đại học Luật TPHCM, ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo thông tin, nhà trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển trong năm 2025: Tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học của Bộ GD&ĐT; xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường; xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.
Trong đó, phương thức thứ 2 (xét tuyển theo đề án tuyển sinh của trường) áp dụng với 4 nhóm thí sinh, trong đó có nhóm học sinh học tại các trường có tên trong “Danh sách các trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển năm 2024 của Đại học Quốc gia TPHCM”.
Yêu cầu với nhóm thí sinh này cũng dựa vào kết quả học tập THPT, như: Học đủ 3 năm tại một trong các trường có tên trong danh sách trường THPT trên; có kết quả học tập năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 đạt mức tốt; có tổng điểm trung bình cộng của 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp ngành xét tuyển đạt từ 24,5 trở lên.
Kết hợp nhiều tiêu chí, siết chất lượng đầu vào
Từ năm 2023, công tác tuyển sinh chứng kiến xu hướng “bỏ xét tuyển học bạ THPT”. Đại diện các trường cho rằng, điều này nhằm giúp đảm bảo công bằng trong tuyển sinh, đồng thời hạn chế tình trạng thí sinh “tô vẽ” điểm số. Tuy nhiên, một số trường đại học và phụ huynh lại nhận định xét tuyển học bạ THPT góp phần giảm áp lực thi cử, giúp thí sinh không phải chờ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT và mở rộng cơ hội vào ngành học mong muốn.
ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, các trường vẫn có thể sử dụng kết quả học tập THPT, đồng thời đảm bảo chất lượng đầu vào, cần chuyển sang phương thức đánh giá toàn diện để tuyển chọn thí sinh.
Cụ thể, các trường đại học cần nâng cao điều kiện xét tuyển, không chỉ xét điểm tổng kết học bạ trong năm học mà cần chú trọng đến điểm trung bình các môn quan trọng liên quan đến ngành học. Đồng thời, thay vì sử dụng điểm tổng kết một số học kỳ như trước đây, cần sử dụng điểm trung bình tổng kết 3 năm lớp 10, 11 và lớp 12 theo tổ hợp môn học.
“Ngoài ra, cần kết hợp nhiều tiêu chí khác như kết hợp điểm học bạ với điểm thi tốt nghiệp THPT, hoặc kết hợp với các chứng chỉ uy tín, bài thi đánh giá năng lực... để có được thước đo đánh giá chuẩn xác hơn”, ThS Sơn cho biết.
Cũng theo chuyên gia tuyển sinh này, các trường đại học cần rà soát lại sinh viên sau một học kỳ ở các phương thức để đánh giá toàn diện phương thức tuyển sinh, đặc biệt phương thức dùng điểm học bạ THPT. “Thực tế cho thấy, nếu không kiểm soát chặt chẽ, điểm học bạ ở nhiều trường THPT sẽ có tình trạng ảo”, ThS Sơn lưu ý.
Nhiều trường đại học vẫn xét tuyển học bạ THPT nhưng kết hợp với các tiêu chí khắt khe để đảm bảo chất lượng đầu vào. Ví dụ, Trường Đại học Ngoại thương xét tuyển thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố hoặc học sinh THPT chuyên.
Trường còn áp dụng xét kết hợp với chứng chỉ IELTS từ 6.5 trở lên để thay thế môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển. Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng sử dụng phương thức xét học bạ kết hợp với các tiêu chí bổ sung như chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, hoặc điểm thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học lớn.
Năm 2025, Trường Đại học Tài chính - Marketing dự kiến tuyển bằng 6 phương thức: Tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định Bộ GD&ĐT; xét học sinh có kết quả học tập tốt; xét học bạ; xét điểm thi V-SAT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM; xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025.
Trong đó, học sinh có kết quả học tập THPT tốt được chia thành 4 nhóm, gồm: Có học lực 3 năm THPT loại giỏi trở lên; học sinh trường chuyên, năng khiếu có điểm trung bình học bạ mỗi môn trong tổ hợp từ 7 trở lên; học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi, cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh trở lên hoặc là thành viên đội tuyển thi cấp quốc gia và có điểm trung bình học bạ mỗi môn trong tổ hợp từ 6 trở lên; thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên hoặc tương đương và học lực khá trở lên.