Đến thời điểm hiện tại, mặc dù tình hình dịch Covid-19 đã đỡ nóng hơn, Chính phủ đã ban hành các quy định mới có liên quan đến phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đã có hay chưa các giải pháp đồng bộ để triển khai các kịch bản khác nhau theo yêu cầu của Chính phủ?
Ví dụ như về vấn đề xét nghiệm, sau hàng loạt các ý kiến về giá sản phẩm, về sự lúng túng thiếu sinh phẩm xét nghiệm khi có các tình huống cần triển khai xét nghiệm, chất lượng xét nghiệm, nguồn nhân lực phục vụ và các giải pháp tránh lây nhiễm... Bộ Y tế đã ban hành thêm các hướng dẫn gì để rút kinh nghiệm các vấn đề cũ đã làm?
Về giá sinh phẩm xét nghiệm, Bộ đã có thông báo rộng rãi cho các nhà sản xuất trong nước và quốc tế, kể cả các doanh nghiệp đã được cấp phép hoặc chưa cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam?
Khi nào Bộ sẽ thông báo rộng rãi thông tin này để toàn bộ người dân và các địa phương được biết, tránh mua với giá đắt?
Về số lượng test kháng nguyên và PCR cần chuẩn bị dự phòng tối thiểu cho toàn quốc để triển khai các xét nghiệm khi có các tình huống phát sinh xảy ra hoặc các xét nghiệm hiện tại vẫn phải làm khi phải đi công tác, phải test khi nghi ngờ hoặc kiểm tra dự phòng phát sinh, Bộ đã có tổng hợp thông tin để thống nhất kế hoạch hay chưa? Số dự phòng này sẽ theo nguyên tắc nào?
Ví dụ đến hết Quý 1/2022 thì căn cứ trên dân số của mỗi địa phương, mỗi người cần có dự phòng 1 test kháng nguyên, 1 test PCR... hay phương án nào để không bị động về nguồn?
Hiện tại, theo các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người đã biết giá của các loại PCR có chất lượng tốt, chỉ hơn 1 tiếng có kết quả, sản xuất tại các nước G7 chỉ dưới 100 nghìn đồng, trong khi đó giá dịch vụ hiện nay tại Việt Nam vẫn là hơn 700 nghìn đồng và thời gian nhanh nhất cũng 5 - 6 tiếng.
Bên cạnh việc giá xét nghiệm và số lượng cần chuẩn bị dự phòng, làm thế nào để các địa phương có thể yên tâm trong việc mua sắm, đấu thầu các sinh phẩm xét nghiệm, tránh việc lo sợ quanh năm không mua sắm dự phòng và chỉ trông chờ vào nguồn tài trợ của các doanh nghiệp cũng là điều tối cần thiết.
Dịch bệnh có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào, đã có biết bao nhiêu bài học kinh nghiệm đã trải qua, không hiểu với tinh thần chống dịch như chống giặc thì đến khi nào Bộ Y tế mới có thể ban hành kịp thời các giải pháp đồng bộ cho các kịch bản khác nhau.
Mỗi ngày qua đi toàn quốc có thêm bao nhiêu xét nghiệm, chỉ cần chênh lệch giá 1 xét nghiệm PCR vài trăm nghìn đồng, test nhanh vài chục nghìn đồng thì số tiền này sẽ đi đâu, trách nhiệm thuộc về ai?