Xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2011 vẫn căn cứ theo QĐ 174

Xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2011 vẫn căn cứ theo QĐ 174

(GD&TĐ) - Vừa qua, dư luận và trên một số phương tiện truyền thông có đề cập đến một số bất cập trong việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS).

>>>Toàn văn Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg

>>>Tập huấn xétcôngnhậnđạttiêuchuẩnchứcdanh GS, PGS năm 2011

Về vấn đề này, HĐCDGSNN có ý kiến như sau:

Hàng năm, HĐCDGSNN đều tổ chức hội nghị tập huấn ở ba khu vực: Bắc, Trung, Nam để hướng dẫn, giải thích, trao đổi quy định về tiêu chuẩn xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Các hội nghị này được tổ chức công khai, thành phần rộng rãi và có cả các cơ quan báo chí tham dự.

Trong thời gian qua, HĐCDGSNN cũng đã có một số bài báo đề cập những vấn đề liên quan đến việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến các bài báo này (bài “Về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009”, Báo Giáo dục và Thời đại 28/01/2010; bài Trả lời phỏng vấn của Báo Tiền phong ngày 17/11/2010, …)

Để trả lời và góp phần định hướng dư luận, Văn phòng HĐCDGSNN xin tập trung vào một số vấn đề được nêu trong các bài báo gần đây.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2010
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2010

I. Về chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS

Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quan trọng như Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh GS, PGS. Thực hiện Luật Giáo dục 2005, để nâng cao chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS theo hướng hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế, từ năm 2005, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng một cách công phu và thận trọng các văn bản pháp quy mới và thành lập Ban soạn thảo văn bản do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và HĐCDGSNN chủ trì, có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, nhiều nhà khoa học, nhà giáo có uy tín. Trên cơ sở đó, ngày 31/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg (Quyết định 174) ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Có thể khẳng định rằng Quyết định 174 đã góp phần nâng cao một bước chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, với các quy định, tiêu chuẩn chặt chẽ, rõ ràng hơn trước, phù hợp dần với thông lệ quốc tế. Cụ thể:

1. Yêu cầu người được công nhận GS, PGS phải có đủ các tiêu chuẩn cứng:

- Đủ tiêu chuẩn nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục.

- Đủ thâm niên đào tạo đại học, có bằng tiến sĩ từ 3 năm trở lên.

- Phải chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học.

- Phải có trình độ ngoại ngữ cần thiết. Từ năm 2011, yêu cầu phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh (đây là giao tiếp thông thường, xã giao và đối với những người đã thành thạo tiếng Anh trong chuyên môn và giao tiếp được bằng tiếng Anh thì không yêu cầu ngoại ngữ khác nữa).

- Phải đạt số điểm công trình khoa học quy đổi (được tính từ bài báo khoa học, báo cáo khoa học, sách phục vụ đào tạo đại học, đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu, hướng dẫn nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ).

So với trước, mức điểm công trình khoa học tuy không tăng, nhưng thang điểm cho một đơn vị công trình hạ thấp hơn, thí dụ một cuốn sách chuyên khảo trước tối đa 4 điểm, nay còn 3 điểm, sách giáo trình từ 3 điểm còn 2 điểm, …

2. Quy định phiếu tín nhiệm

Trước đây quy định đạt số phiếu tín nhiệm thấp, lại tính tỷ lệ phiếu tín nhiệm trên số thành viên Hội đồng tham dự kỳ họp và quy định tỷ lệ thành viên Hội đồng bắt buộc tham gia kỳ họp thấp nên đã dẫn đến tình trạng bất hợp lý như tỷ lệ phiếu tín nhiệm ở HĐCDGSNN nếu so với tổng số thành viên Hội đồng có thể chưa đạt 50% vẫn được công nhận. Quyết định 174 quy định tính tỷ lệ phiếu tín nhiệm trên tổng số thành viên của Hội đồng và vì vậy ở tất cả Hội đồng các cấp, tùy theo số lượng thành viên của mỗi Hội đồng, tỷ lệ phiếu tín nhiệm tối thiểu cũng phải đạt 66,6 % tổng số thành viên Hội đồng mới được công nhận.

3. Kiện toàn Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp

Căn cứ Quyết định 174, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã ký Quyết định số 3932/QĐ-BGDĐT ngày 2/6/2009 (Quyết định 3932) ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của HĐCDGSNN, các HĐCDGS ngành, liên ngành và HĐCDGS cơ sở. Quyết định 3932 quy định rõ tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và quy trình lựa chọn bổ nhiệm thành viên HĐCDGSNN, các HĐCDGS ngành, liên ngành và HĐCDGS cơ sở. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm thành viên HĐCDGSNN và ủy quyền cho Chủ tịch HĐCDGSNN bổ nhiệm thành viên HĐCDGS ngành, liên ngành và HĐCDGS cơ sở.

HĐCDGSNN nhiệm kỳ 2009-2014 gồm 29 giáo sư là các nhà giáo, nhà khoa học nổi tiếng, uy tín cao. 27 HĐCDGS ngành, liên ngành nhiệm kỳ 2009-2014 có 248 GS đầu ngành và 51 PGS, trong đó có 7 HĐCDGS ngành, liên ngành gồm toàn GS. Các HĐCDGS cơ sở được thành lập hàng năm dựa trên đề nghị của các cơ sở giáo dục đại học. Năm 2009 có 85, năm 2010 có 82 và năm 2011 có 78 HĐCDGS cơ sở. Gần 50 % số thành viên HĐCDGS cơ sở là GS.

Với cơ cấu, thành phần các cấp hội đồng chặt chẽ như trên, khả năng một người mới được bổ nhiệm GS, PGS được vào hội đồng ngay là rất ít, và chỉ có thể ở một hai HĐCDGS cơ sở, nơi cơ sở giáo dục đại học còn non trẻ với quá ít GS, PGS. Vì vậy tình huống nêu trong bài báo “Phong học hàm: tôn vinh hay ban phát” rằng “năm ngoái anh bị xét, năm nay anh được xét ! cả một xã hội, môi trường đại học cứ rối như canh hẹ”, là rất hiếm hoi.

II. Về đối tượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS

Trong bài báo “Công nhận GS, PGS cho cán bộ đã nghỉ hưu” trên báo điện tử Dân trí mục “luật một đằng thực hiện một nẻo” nêu việc các quan chức, các nhà quản lý, cán bộ hưu trí được xét công nhận GS, PGS và cho đó là việc làm trái luật. Khi trích Điều 71 , Luật Giáo dục, bài báo gạch chân câu “GS, PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học” để nhấn mạnh rằng chỉ những người là biên chế cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học mới được xét GS, PGS. Điều này không đúng vì khái niệm những người đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học được xét công nhận GS, PGS đã được quy định tại Quyết định 174, Điều 11, gồm:

“ 1. Giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học đang làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên.

2. Những người đang tham gia làm nhiệm vụ giáo dục, giảng dạy từ trình độ đại học trở lên theo hình thức hợp đồng thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục đại học. ”

Quy định này căn cứ chính Luật Giáo dục năm 2005:

“Điều 74. Thỉnh giảng:

1. Cơ sở giáo dục được mời người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Khoản 2, Điều 70 của Luật này đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng.”

Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đã giải thích:

“Điều 31. Thỉnh giảng: Thỉnh giảng là việc một cơ sở giáo dục mời nhà giáo hoặc người có đủ tiêu chuẩn nhà giáo ở nơi khác đến giảng dạy.”

Như vậy những người có đủ tiêu chuẩn quy định đối với nhà giáo ở các cơ sở giáo dục đại học, dù đang làm việc ở các cơ quan, viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoặc đã nghỉ hưu, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đều có thể được cơ sở giáo dục đại học mời đến giảng dạy theo chế độ thỉnh giảng và do đó đều có thể được xét công nhận GS, PGS. Tuy nhiên, không phải như tác giả viết “số người không tham gia giảng dạy, các quan chức, các nhà quản lý, cán bộ hưu trí lại được xét công nhận chức danh GS, PGS với tỷ lệ không nhỏ so với số giảng viên đang giảng dạy trực tiếp”, mà trên thực tế, số này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.

Cụ thể: Tỷ lệ số nhà giáo thỉnh giảng so với tổng số nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS: Năm 2009: 10,9%, năm 2010: 27,33%. Tỷ lệ số ứng viên là nhà giáo thỉnh giảng so với tổng số ứng viên đăng ký xét chức danh GS, PGS năm 2011: 17,7%.

III. Về việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS

Từ năm 2008 trở về trước, ở nước ta, sau khi được HĐCDGSNN công nhận chức danh GS, PGS, nhà giáo sẽ được giữ mãi chức danh này. Khi soạn thảo Quyết định 174, các bộ, ban, ngành, chuyên gia cũng đã phân vân và thảo luận rất kỹ về sự “khác nhau” giữa “vô hạn” và “hữu hạn”, giữa “suốt đời” và “nhiệm kỳ” mà các GS, PGS được công nhận trước và theo Quyết định 174. Tuy nhiên do đây là vấn đề lịch sử nên đã thống nhất chỉ thực hiện công đoạn bổ nhiệm từ Quyết định 174. Cụ thể, từ năm 2009 việc công nhận và bổ nhiệm chức danh GS, PGS được thực hiện theo hai bước:

Bước thứ nhất là xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, do HĐCDGSNN thực hiện. Bước thứ hai là bổ nhiệm chức danh GS, PGS do Bộ GD-ĐT tiến hành và gắn liền với việc này là giao nhiệm vụ; quy định việc kiểm tra đánh giá định kỳ về mức độ hoàn thành nhiệm vụ để xử lý: bổ nhiệm tiếp hoặc miễn nhiệm chức danh đã bổ nhiệm, .v.v… Bước bổ nhiệm chức danh GS, PGS, trước hết do các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào nhu cầu của cơ sở mình, công bố công khai những vị trí công tác cần tuyển chọn. Sau khi cơ sở giáo dục đại học đã lựa chọn được những nhà giáo xứng đáng với yêu cầu, lập danh sách đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm chức danh GS hoặc PGS của cơ sở mình. Việc định kỳ 2-3 năm xem xét đánh giá  GS, PGS là cần thiết để bảo đảm GS, PGS là những người có năng lực trình độ, làm việc có hiệu quả trong nghiên cứu khoa học và đào tạo. Đây cũng là việc phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Như vậy, việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS góp phần nâng cao vai trò tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, gắn chặt chức danh GS, PGS với nhiệm vụ đào tạo. Hơn nữa đây chính là yêu cầu khắt khe hơn với giảng viên thỉnh giảng. Vì hầu hết giảng viên cơ hữu tại các cơ sở giáo dục đại học đương nhiên sẽ được bổ nhiệm ngay tại đơn vị mình, trong khi giảng viên thỉnh giảng còn phải được cơ sở giáo dục đại học đánh giá xem xét, với những yêu cầu chuyên môn cụ thể.

Việc phân cấp để các cơ sở giáo dục đại học xem xét, đề nghị bổ nhiệm GS, PGS cũng để hội nhập dần dần với thông lệ quốc tế, theo hướng trong tương lai khi đã đủ lực, các trường đại học sẽ tự xét duyệt, công nhận, bổ nhiệm các chức danh này như ở các nước phát triển.

Cũng phải nói rõ thêm, việc bổ nhiệm không có nghĩa là công nhận biên chế tại cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy những ý kiến suy luận cho rằng thêm bước bổ nhiệm sẽ làm thêm công đoạn “xin cho”, chạy chọt trong bài báo “Phong học hàm ngày càng tù mù, rối rắm” là chưa có căn cứ.

Chúng tôi được biết, qua 2 năm thực hiện, việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS đã được tiến hành chặt chẽ, minh bạch. Số GS, PGS được bổ nhiệm trên tổng số GS, PGS được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS 2 năm 2009 - 2010 là 94,86%. Còn lại 18 GS và 48 PGS chưa được bổ nhiệm, chủ yếu là nhà giáo thỉnh giảng, do chưa được các cơ sở giáo dục đại học đề nghị.

IV. Về việc cải cách thủ tục hành chính

Trong bài báo “Chuyện phong học hàm: Nhục lắm, em ạ!”, tác giả có nêu việc phải chạy chọt để được chức danh GS, PGS. Và ở mục bình luận bài báo này, có ý kiến nêu: “Có vị GS.TSKH. chạy chọt đủ cửa để giữ ghế Chủ tịch HĐCDGS ngành để chạy tiền. Chính phủ đã ra Nghị quyết bỏ HĐCDGS ngành, vậy mà có Hội đồng ngành họp kiến nghị giữ nguyên, năm nay vẫn giữ Hội đồng ngành”.

Trước hết các ý kiến trên đều không có dẫn chứng cụ thể nên có thể nói là không có căn cứ và không tôn trọng đội ngũ GS, PGS (trong số 27 GS là Chủ tịch HĐCDGS ngành liên ngành có tới 12 vị là GS.TSKH nên không thể xác định được là ai).

Như đã nói ở trên, Quyết định 174 đã làm cho việc xét công nhận GS, PGS được nâng cao chất lượng, chặt chẽ rõ ràng, phù hợp dần với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, cũng thấy rõ một số quy định và tiêu chuẩn, thủ tục hồ sơ cần được bổ sung, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tế. Từ năm 2009, HĐCDGSNN đã cùng Bộ GD-ĐT tập hợp các vấn đề này để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi bổ sung Quyết định 174 theo hướng nâng cao chất lượng hơn nữa và đơn giản hóa hồ sơ thủ tục xét. Ngày 23/12/2010, Chính phủ đã có Nghị quyết 66/NQ-CP về đơn giản hóa một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có việc xét công nhận, bổ nhiệm chức danh GS, PGS. Để thực hiện Nghị quyết 66/NQ-CP, Thủ tướng đã giao cho Bộ GD-ĐT và HĐCDGSNN nghiên cứu, bàn bạc việc tổ chức triển khai và báo cáo cụ thể các vấn đề còn khó khăn vướng mắc. HĐCDGSNN đã tổ chức họp, bàn, lấy ý kiến về các nội dung tại Nghị quyết 66/NQ-CP. Tại cuộc họp này, tất cả các thành viên HĐCDGSNN, Chủ tịch các HĐCDGS ngành, liên ngành, đều nhất trí đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chưa bỏ HĐCDGS ngành, liên ngành, vì đây là khâu quan trọng nhất để bảo đảm chất lượng chuyên môn.

Do việc chỉnh sửa bổ sung các văn bản phải có thời gian, để đợt xét GS, PGS năm 2011 được tiến hành bình thường, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép tiếp tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2011 vẫn căn cứ theo Quyết định 174.

Hiện nay, HĐCDGSNN và Bộ GD-ĐT đang phối hợp chặt chẽ, cùng các cơ quan hữu quan, các nhà khoa học, nhà giáo uy tín nghiên cứu tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi Quyết định 174 và các văn bản hiện hành theo hướng nói trên và coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm hiện nay cũng như năm tới.

Trên đây là ý kiến của HĐCDGSNN về một số vấn đề đăng trên một số bài báo về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS.

PV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ