Sáng ngày 27/6, tại hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận chương trình phát triển đồng bộ hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị. Trong đó từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân.
Tin tức trên báo Tiền Phong, theo đánh giá của Thành ủy Hà Nội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị; vận tải hành khách công cộng mới đáp ứng được một phần yêu cầu; tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.
Cụ thể, nếu không có giải pháp kịp thời, tình hình giao thông của Hà Nội khoảng 4 đến 5 năm tới sẽ rất phức tạp; dự báo đến năm 2020, Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ôtô, 7 triệu xe máy.
Hà Nội sẽ tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân. Ảnh: Tiền Phong.
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội trong thời gian tới về phát triển giao thông vận tải là tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông; các công trình cấp bách đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông.
Trong các giải pháp, đáng chú ý, Thành ủy Hà Nội đưa ra việc tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng phương tiện cá nhân xe máy hoạt động.
Góp ý vào lộ trình cấm phương tiện cá nhân, báo Tri thức trực tuyến đưa ý kiến của ông Vũ Cao Minh, Bí thư quận ủy Thanh Xuân. Ông Minh cho rằng, đây là một chỉ tiêu rất khó thực hiện. Bởi người dân không chỉ dùng xe máy mà còn dùng cả xe đạp điện. Vì thế, không chỉ giảm xe máy mà cần phải có thêm chỉ tiêu giảm 50% phương tiện thô sơ cá nhân như xe đạp điện, xe máy điện.
Ngoài ra, ông Minh còn gợi ý về việc cải tạo những con sông lịch sử như sông Tô Lịch để vừa bảo vệ môi trường vừa tạo khả năng giao thông thủy trong nội đô.
Còn ông Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty vận tải Hà Nội đề xuất TP phải nhanh chóng xây dựng đề án phát triển xe buýt, trong đó tăng số đầu xe, đầu tuyến lên 1,5 lần so với hiện nay.
Trong những năm qua, số lượng đầu xe buýt của Hà Nội vẫn là 1.000 chiếc trong khi nhu cầu sử dụng xe buýt của nhân dân và mong muốn của thành phố là rất cao.
Trước đó, tại kỳ họp đầu tháng 12/2015, HĐND Hà Nội đã thông qua đề án giảm ùn tắc 2.200 tỷ. Trong đề án này, ngoài việc xây dựng mới các công trình, cải thiện năng lực giao thông... UBND thành phố dành 700 triệu đồng lập Đề án hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân trên địa bàn TP vào năm 2016.
Giữa tháng 6/2016, UBND TP thành phố Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra, rà soát các giải pháp, bổ sung việc quản lý xe taxi, xích lô, xe ba bánh, ô tô điện, lộ trình để giảm phương tiện cá nhân... đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, báo cáo thành phố để thông qua trong tháng 6/2016.
Trước đó, ngày 28/12/2015, trước toàn bộ thành viên Chính phủ và các địa phương, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất cho phép Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân.
Theo con số mà TP đưa ra, bình quân hằng tháng Hà Nội có 18.000 - 22.000 xe máy, 6.000 - 8.000 ô tô đăng ký mới. Với tốc độ này, đến 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang, các tỉnh vào thủ đô và 7 triệu xe máy (chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ôtô được miễn giảm, người mua sẽ tăng lên).