Xem tranh, nghe nhạc và tọa đàm về tự kiểm soát trầm cảm

GD&TĐ - Tại buổi tọa đàm ở Hà Nội, TS Trần Kiều Như, nhà sáng lập CFD và PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh sẽ trò chuyện, giao lưu.

Bức tường 'Giá trị của nỗi buồn' để người tham gia viết note reflection và dán lên. Ảnh: BTC.
Bức tường 'Giá trị của nỗi buồn' để người tham gia viết note reflection và dán lên. Ảnh: BTC.

Bắt đầu từ Đà Nẵng vào tối ngày 6/7, sau đó là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong các ngày 14 và 21/7, Caring From Distance (CFD) tổ chức Tọa đàm “Đi qua bóng tối” - Hành trình tự kiểm soát trầm cảm.

Với phương châm “Nơi bóng đêm đen tối là nơi ánh sáng bắt đầu”, tọa đàm được thực hiện dựa trên cuốn sách “Trầm cảm và kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm” của TS Trần Kiều Như và kết quả nghiên cứu “Tele-SSM: Sáng kiến ứng dụng công nghệ điện thoại trong can thiệp các kỹ năng tự quản lý trầm cảm có sự hỗ trợ tại Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm ở Hà Nội, TS Trần Kiều Như - nhà sáng lập CFD và PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh sẽ trò chuyện, giao lưu. Cùng với những chia sẻ chuyên sâu về tự kiểm soát trầm cảm, trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động chiêm nghiệm người tham gia viết note reflection khi nhìn nhận một giai đoạn nào đó họ đã từng đi qua nỗi buồn hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống, giai đoạn đó giá trị nào với họ và dán lên bức tường “Giá trị của nỗi buồn”.

Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện còn có hoạt động ký tặng sách, trình diễn âm nhạc – ca khúc nổi tiếng của Nhật Bản: “Lý do của sự sống”, với mong muốn tạo sự kết nối cảm xúc, lan tỏa thông điệp về ý nghĩa cuộc sống.

xem tranh nghe nhac toa dam ve tu kiem soat tram cam (1).jpg
Bức tranh của người trầm cảm khi tham gia nghiên cứu Tele-SSM. Ảnh: BTC.
xem tranh nghe nhac toa dam ve tu kiem soat tram cam (2).jpg
Postcard được ChatGPT vẽ lại từ ý tưởng của tranh nguyên gốc của người trầm cảm. Ảnh: BTC.

Nhất là hoạt động triển lãm trưng bày 17 bức tranh của những người đã/đang trải qua trầm cảm khi tham gia nghiên cứu Tele-SSM. Kèm theo bức tranh là cảm nhận của người vẽ sau một thời gian nhìn lại bức tranh và bức postcard được ChatGPT vẽ lại từ ý tưởng của tranh nguyên gốc và cảm nhận của họ khi nhìn lại hành trình của mình.

“Chúng tôi muốn nâng cao hiểu biết và nhận thức về trầm cảm cho mỗi người qua việc “nhìn”, “nghe”, “cảm nhận” hành trình đi qua trầm cảm cũng như được cung cấp các kiến thức khoa học về trầm cảm.

Qua đó, giúp mọi người nhận ra trầm cảm không đáng sợ như vẫn từng nghĩ, thậm chí, những giai đoạn khó khăn này cũng có ý nghĩa nhất định và có các công cụ, kĩ năng để vượt qua”, TS Trần Kiều Như nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ