Xem “Niệm” để thấy phận người

GD&TĐ - Triển lãm mỹ thuật “Niệm” với hai màu đen – trắng đã đem đến nhiều liên tưởng thú vị về những bức họa trừu tượng cỡ lớn.

Tranh khổ lớn luôn được họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương lựa chọn để sáng tác.
Tranh khổ lớn luôn được họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương lựa chọn để sáng tác.

“Niệm” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương vừa kết thúc, cũng là khoảng thời gian để công chúng yêu hội họa ngẫm nghĩ, suy tư về những phận người giữa thiên tai dịch bệnh.

Suy tư phận người

“Niệm” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chỉ tròn một tuần lễ, và kết thúc vào ngày 30/11 với 12 bức tranh chỉ đánh số, không đặt tên.

Nguyễn Ngọc Phương là giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, cái “tạng” của anh ưa về lối vẽ trừu tượng. Nhưng không phải lối vẽ trừu tượng đến nỗi chẳng ai hiểu gì, mà anh vẽ như lời bộc bạch: “Tôi vẽ thiên nhiên, con người trên quê hương đất nước tôi, bằng tất cả tâm thức và lương tri của mình”.

Họa sĩ Yến Năng nhận xét rằng, chất liệu sơn ta trộn với “vật chứng thời đại” với lối vẽ phóng khoáng, nhiều yếu tố ngẫu nhiên nhưng được kiểm soát chặt chẽ. Nguyễn Ngọc Phương đã tạo ra trên bề mặt tranh một thế giới đặc sắc và phong phú, cho dù anh chỉ dùng hai màu đen trắng.

Nó gợi ra cho người xem cảm giác về ký ức tiền sử, về địa hình sông núi, về những lở bồi mất mát, lớp lớp biến động và ẩn hiện những dáng hình mập mờ thân phận...

Năm 2020 và từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, họa sĩ Yến Năng và Nguyễn Ngọc Phương đã có chuyến đi tới miền Trung sau đợt thiên tai lẫn nhân tai ác liệt, để thu thập tư liệu sáng tác. “Niệm” chính là kết quả của sự khởi đầu, nhưng cũng là quá trình suy tư về nghệ thuật và thân phận con người.

Cơn đại dịch với biết bao sóng gió càn quét đời sống người dân, khiến họ khốn cùng trong lo lắng, kiệt quệ trong miếng cơm manh áo. Hình ảnh những gia đình hồi hương như một cuộc tháo chạy, những em bé mồ côi không còn cơ hội tìm thấy cha mẹ, những đôi vợ chồng nghỉ tuần trăng mật để rồi chia ly âm – dương đôi ngả.

Không suy ngẫm về phận người sao được, khi những hình hài mập mờ ẩn hiện trong từng suy niệm trằn trọc của họa sĩ về cuộc sống. Là hai màu đen – trắng cũng là để tưởng niệm về những biến cố đã ập đến.

Nó còn gợi cho người xem một bước “lùi” đầy ý tưởng khi trở về thời đồ đá nguyên thủy thể hiện mình trên vách đá, trong hang động, lùi về tận lúc ý thức về nghệ thuật xuất hiện mà khuôn mẫu và định nghĩa về lĩnh vực này chưa có. Đó là cách tránh làm nghệ thuật thứ sinh, chịu sự ảnh hưởng và chi phối cận thời và hiện thời.

Họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng, để thực hiện được hội họa của mình, Nguyễn Ngọc Phương chỉ sử dụng đen và trắng như hai yếu tố Âm - Dương mà khả năng tạo ra phổ định hình và biến hóa hết sức rộng. Xem tranh, ta thấy tập hợp tối đa năng lực nghệ thuật, hợp nhất ý thức với nguồn mạch dồi dào được khai thác bằng trực giác trong cõi vô thức.

Hai màu đen - trắng chủ đạo trong triển lãm “Niệm” của Nguyễn Ngọc Phương.

Hai màu đen - trắng chủ đạo trong triển lãm “Niệm” của Nguyễn Ngọc Phương.

Hành trình di tản

“Một thế giới đầy phong phú, bí hiểm trên nền màu cơ bản đen - trắng. Triển lãm “Niệm” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương gợi cho chúng ta nhiều điều về sự khởi tạo, bắt đầu, linh hồn, mật mã, cấu trúc...” - Ông Vũ Tuấn Anh, CEO Nhà đấu giá Chọn.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương sinh năm 1975 tại Hà Nội. Từ năm 2008 đến 2018, anh đã từng tham dự nhiều triển lãm quốc tế tại Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Thái Lan, Indonesia, Malaysia. “Niệm” là triển lãm cá nhân thứ ba của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, sau 2 sự kiện 49 ngày 1&2 đều diễn ra vào năm 2018.

“Ngày thứ 49” khiến nhiều người liên tưởng đến yếu tố tâm linh truyền thống Việt. Nhưng với anh quan niệm “ngày thứ 49” chỉ đơn giản là thời khắc chuyển đổi từ tốt sang xấu – là kết quả trải nghiệm của bản thân trong việc đi tìm hình hài của tư duy và cảm xúc.

Các bức tranh khổ lớn của họa sĩ, kết hợp với những hình khối đồ sộ và sự chuyện động đang diễn ra trong nó, như đang muốn ôm trọn lấy người xem. Nó đưa con mắt người xem hướng đến những chuyển động về tư duy qua những nét vẽ.

Nếu như ở “Ngày thứ 49”, Nguyễn Ngọc Phương đã đưa cho người xem cái trừu tượng của các bậc cảm xúc như hoang mang, bất định, cảm giác bất an trong quá khứ và thiên nhiên… thì lần này, anh tập trung đi sâu vào tư duy nội tâm, diễn tả qua hình khối con người “sự thay đổi bên trong mà nhiều lúc ta không tự nắm bắt được”.

Thưởng thức tranh trừu tượng không phải là dễ, và để vẽ nên một bức tranh biểu hiện trừu tượng, người nghệ sĩ lại càng không thể làm qua loa. Tranh trừu tượng đòi hỏi một người nghệ sĩ có những cảm xúc sâu sắc, những suy nghĩ thấu đáo cùng khả năng tự chủ để đưa cảm xúc mình muốn biểu đạt lên bề mặt tác phẩm.

Từ tác phẩm truyền cảm xúc tới người xem, đó là cái khó của tranh trừu tượng. Nguyễn Ngọc Phương đã cho người thưởng tranh một cái nhìn mới về chiều sâu của sự suy tư, cảm nhận được những cảm giác “khó nắm bắt” qua những bức tranh khổ lớn đầy công phu.

Trái với nền đen được tạo nên từ kỹ thuật sơn mài truyền thống với sơn then trên vóc, phần trắng trong tranh của Nguyễn Ngọc Phương là tổng hòa của đất bùn, rễ cây, đá sỏi được lấy từ miền Trung trong chuyến đi thực tế sau khi bão lũ quét qua.

Ngắm “Niệm” không chỉ suy niệm, mà thấy trong đó những xù xì, thô ráp của núi, của hang động. Thấy những xoay chuyển vặn mình, có thể rất đau đớn nhưng phải đối mặt và vượt qua.

Họa sĩ Mai Đại Lưu nói rằng, “Niệm” – hành trình di tản, khi chất liệu không còn là rào cản sáng tạo, sự tự do trong nghệ thuật đạt đến tuyệt đối. Ngôn ngữ hội họa và tính xã hội đặt được đẩy lên tới cao trào tột đỉnh. “Niệm” thể hiện những điều mà Nguyễn Ngọc Phương luôn đau đáu nghĩ về.

“Tuy đâu đó dịch bệnh vẫn hoành hành nhưng chúng ta vẫn cần phải sống, cần tình yêu và nghệ thuật”, họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ