"Khi tôi trả lời nhắn tin bạn bè, họ thường hỏi: "Này, Edwin. Sao cậu có thể gõ nhanh đến như vậy?". Tất cả là nhờ hệ thống chữ Braille (chữ nổi cho người mù) trong điện thoại. Thỉnh thoảng, tôi có thể hồi đáp tin nhắn thậm chí còn nhanh hơn cả những người sáng mắt", Edwin Khoo chia sẻ.
Edwin Khoo khiến nhiều người sửng sốt vì sử dụng điện thoại nhoay nhoáy như người sáng mắt. Ảnh: Asiaone. |
Do khuyết tật bẩm sinh, Edwin không nhìn thấy bất kỳ ánh sáng hay màu sắc gì và thế giới của anh luôn bị bao phủ trong một màu đen sẫm. Vì vậy, kể từ khi còn nhỏ, Edwin đã cố luyện cho thính giác của mình thật tinh nhạy và học sử dụng hệ thống chữ nổi Braille.
Lúc lớn lên, chàng trai khiếm thị cũng dần làm quen với công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói.
Đối với Edwin, điều tạo nên sự thay đổi kỳ diệu là việc đưa hệ thống Braille vào một chiếc điện thoại di động có màn hình cảm ứng.
Anh giải thích: "Cách đây 10 năm, ai dám nghĩ một người mù có thể dùng điện thoại mà không cần các phím bấm vật lý kia chứ? Tuy nhiên, chiếc màn hình cảm ứng này giả lập bàn phím chữ nổi Braille và chuyển dịch những dữ liệu tôi nhập vào thành các từ bạn có thể đọc được".
Theo Edwin, điện thoại của anh cũng có thể đọc to các biểu tượng cảm xúc và văn bản bằng ngôn ngữ khác. Nhờ vậy, Edwin có thể kết nối với các nền tảng mạng xã hội khác nhau, chẳng hạn như Facebook, kiểm tra bảng tin và bình luận như bất kỳ người sáng mắt nào.
Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và những ứng dụng giao thông trên di động khác đã giúp Edwin biết chính xác mình đang ở đâu, giúp anh di chuyển đây đó một cách tự tin, không chỉ ở Singapore mà còn ở nước ngoài.
"Đây là môi trường lạ, nhưng tôi có thể tự tin xuống đúng bến xe buýt. Nó tạo cho tôi cảm giác tự lập", Edwin bộc bạch trong chuyến tham quan Hong Kong, Trung Quốc.
Việc thanh toán điện tử, không đòi hỏi tiền mặt cũng góp phần cải thiện cuộc sống thường nhật của Edwin và những người khiếm thị như anh. Edwin kể, anh sẽ nhận được một tin nhắn từ ngân hàng sau mỗi giao dịch nhằm xác thực số tiền sẽ chi trả.
Thính lực tốt cùng sự trợ giúp của công nghệ đã khiến Edwin có thể theo đuổi đam mê âm nhạc và phát thanh. Dù bị mù hoàn toàn nhưng anh hiện có thể biên tập các đoạn ghi âm trên máy tính và sử dụng thiết bị trộn âm.
Thực tế, anh đã sản xuất và cho phát một câu chuyện truyền thanh do mình dàn dựng trên Internet thông qua tài trợ của một hiệp hội người mù ở Mỹ.
Edwin tâm sự, anh hiện vẫn có ước mơ cháy bỏng về một thứ nữa. Anh muốn một ngày nào đó có thể tự mình lái một chiếc xe hơi. Anh tin, với các thành tựu của công nghệ như hiện nay, điều đó sớm muộn sẽ trở thành hiện thực.