Ưu thế giá rẻ chính là điểm mấu chốt để các hãng ôtô Trung Quốc xuất được xe đi khắp 190 nước và vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế thì từ mấy năm trở lại đây, ôtô du lịch Trung Quốc đã không còn “đất sống” tại thị trường Việt.
Xe Trung Quốc không còn lợi thế cạnh tranh tại Việt Nam
Bản thân xe Trung Quốc vốn đã có chất lượng kém, độ an toàn không cao, trang thiết bị nghèo nàn, kiểu dáng, mẫu mã nhái trắng trợn từ các hãng xe lớn. Bên cạnh đó những chiếc xe “Tàu” còn gặp rào cản quan trọng nhất là định kiến. Người Việt Nam thường không tin cậy vào hàng Trung Quốc.
Trong khi đó, dù đến năm 2018, thuế nhập khẩu xe ASEAN mới chính thức về 0% nhưng xe Thái Lan đã ồ ạt tràn vào Việt Nam.
Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt mới, các dòng xe có dung tích dưới 1,5 lít từ 1/7 sẽ gảm từ 45% xuống 40% và xuống 35% trong năm 2015. Dòng xe có dung tích từ 1.5 đến 2.0 lít giảm về 40%. Cùng với thuế nhập khẩu được xóa bỏ, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm đã tạo ra lợi thế lớn cho các nhà xuất khẩu xe của Thái Lan.
Dự báo, năm 2018, Việt Nam được nhận định sẽ trở thành thị trường lớn của các dòng ôtô giá rẻ từ Thái Lan với giá trung bình giảm tối đa 40%.
Sau 5 năm “đặt chân” đến Việt Nam, xe của Haima không mấy được người Việt quan tâm
Bên cạnh xe nhập khẩu từ Thái Lan, xe nhỏ giá rẻ từ Ấn Độ cũng đang “làm mưa, làm gió” tại thị trường Việt. Các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ vào Việt Nam đều là các dòng xe gia đình cỡ nhỏ có mức giá hợp lý phù hợp với thu nhập của nhiều người dân.
Trong đó, các dòng xe cỡ nhỏ mang thương hiệu Hyundai (do Hyundai Thành Công nhập khẩu và phân phối trực tiếp) như: Grand i10, Gran i20 hay i20 Acitve,... đều là những dòng xe được thị trường Việt Nam ưa chuộng vì kiểu dáng ổn, chất lượng cũng không tệ.
Với việc xe Thái, xe Ấn tràn vào Việt Nam với giá bình dân thì coi như xe Trung Quốc hết đường làm ăn. Không thể cạnh tranh được về chất lượng, giờ lại không cạnh tranh được về giá, xe Trung Quốc gần như không còn cơ hội quay trở lại dải đất hình chữ S.