Xây dựng xã hội học tập: Linh động phương thức hoạt động

Xây dựng xã hội học tập: Linh động phương thức hoạt động

(GD&TĐ) - Trong nhiều năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) tại Bắc Ninh với nhiều mô hình hoạt động, cách làm sáng tạo đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội... Những kinh nghiệm sống từ các trung tâm này thực sự hữu ích cho các địa phương trong quá trình vận hành, phát huy hiệu quả từ các TTHTCĐ trong quá trình xây dựng xã hội học tập.

Đẩy mạnh học tập theo chuyên đề

TT HTCĐ thị trấn Thứa là trung tâm được thành lập đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh năm 2002. Sau 10 năm hoạt động, trung tâm đã mở được 210 chuyên đề, 16 lớp học nghề ngắn hạn với 25.000 lượt học viên tham dự ở tất cả các lớp. Các chuyên đề học tập đã góp phần tích cực vào việc truyền thụ và nâng cao kiến thức trên mọi mặt đời sống cho người dân. 

Ban giám đốc TTHTCĐ thị trấn Thứa cho biết: Để có được những thành quả đáng tự hào, trong những năm qua, trung tâm đã tăng cường phương tiện, đổi mới phương thức tổ chức – phương pháp giảng dạy chuyên đề của đội ngũ giáo viên qua từng lớp, từng chuyên đề học tập.

Kinh nghiệm cho thấy, để tạo điều kiện học tập cho mọi người dân nhất là người lao động còn thiếu thông tin, trung tâm phải đa dạng hóa chương trình học tập để ai cũng tìm được cho bản thân một chương trình phù hợp và tham gia học tập.

Mặt khác, để mở các lớp học theo các chuyên đề thành công thì điều kiện học tập của người dân cũng được mở rộng khi không yêu cầu về bằng cấp, không cấu tạo chương trình học với tính hệ thống để học viên theo học theo thời gian mà học có được.

Sự đa dạng về chương trình học theo mỗi chuyên đề cũng được đặc biệt chú trọng nhằm phục vụ mục đích dân cần gì thì mở lớp dạy cái đó. Song chủ yếu vẫn tập trung vào các chuyên đề lớn như: giáo dục bổ túc tiểu học và THCS; đào tạo thu nhập; nâng cao chất lượng cuộc sống; chuẩn bị cho tương lai…

Đặc biệt, để mở lớp học chuyên đề hiệu quả, người tổ chức phải nghiêm túc thực hiện các nội dung và những điều kiện tối thiểu như: Giáo viên dạy tùy theo từng nội dung phải chuẩn bị được giáo án, phương tiện giảng dạy, lựa chọn phương pháp phù hợp với từng đối tượng và nếu có điều kiện thì các lớp theo chuyên đề có thể có những mô hình thực hiện tại chỗ.

Sau mỗi lớp, cán bộ của các trung tâm phải tổ chức theo dõi việc triển khai thực hiện của các học viên, đặc biệt là các chuyên đề về khoa học công nghệ với tính hiệu quả thiết thực được minh chứng bằng kết quả cụ thể... 

Khuyến học đem lại hiệu quả thiết thực cho phong trào học tập của học sinh
Khuyến học đem lại hiệu quả thiết thực cho phong trào học tập của học sinh

Ứng dụng công nghệ thông tin 

Với nhận thức đúng đắn, ngay từ sớm, TTHTCĐ xã Liên Bão (Tiên Du, Bắc Ninh) đã chú trọng ứng dụng CNTT trong nhiều hoạt động chuyên môn để đáp ứng nhu cầu xây dựng xã hội học tập. Mặt khác, cán bộ của trung tâm cũng được tập huấn sử dụng thành thạo máy vi tính, các tiện ích của Internet...

Đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin của TTHTCĐ Liên Bão được triển khai trên nhiều hoạt động. 

Công nghệ thông tin cũng được ứng dụng triệt để trong việc giảng dạy. Các chuyên đề giảng dạy từ kinh tế, nghề nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật, văn hóa, sức khỏe, thời sự, pháp luật... cũng được sử dụng máy chiếu. Với sự hỗ trợ của máy tính, máy chiếu các nội dung học tập đã được minh họa bằng hình ảnh, video clip... nên bài học trở nên sinh động, hấp dẫn, người học dễ tiếp thu và hào hứng học tập. 

Công nghệ thông tin còn được khai thác triệt để trong quản trị web, viết tin, bài, chỉnh sửa ảnh, chuyển tin tức, hình ảnh, tư liệu, học liệu của TTHTCĐ lên trang web. Cũng từ đó, các hoạt động của trung tâm dễ dàng được quảng bá đến đông đảo nhân dân trên địa bàn xã; đồng thời, tăng cường việc khai thác sử dụng hệ thống thư điện tử để tăng tiện ích, hiệu quả trong cập nhật thông tin và trao đổi thông tin với các TTHTCĐ khác. 

Nhận thấy hiệu quả lớn từ ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, dạy học... nên trung tâm cũng tích cực mở các lớp dạy sử dụng tin học, máy tính, Internet cho nhân dân. Đến nay, trung tâm đã mở được 20 lớp vi tính cho 600 người. Qua các lớp học, người dân đã biết sử dụng, khai thác Internet làm giàu thêm tri thức, hiểu biết và ứng dụng vào phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa gia đình, thôn xóm. 

Bắt tay cùng thư viện nâng cao dân trí

Có thể nói, mỗi TTHTCĐ tại Bắc Ninh đã và đang tìm ra những thức cách hoạt động riêng để hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Và một trong những cách làm hiệu quả đó là sự phối hợp giữa TTHTCĐ phường Trang Hạ với thư viện Trang Liệt  nhằm nâng cao dân trí cho người dân. 

Hiện nay, thư viện đã trở thành trung tâm văn hóa, học tập thường xuyên của cộng đồng làng xã. Thư viện có quy định ngày, giờ mở cửa thích hợp với từng đối tượng bạn đọc vào những ngày nhất định trong tuần. Ngoài ra, thư viện còn có các túi sách chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực, mang đến tận nơi cho các cơ sở, cho người già có nhu cầu đọc nhưng đi lại khó khăn… 

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách báo thường xuyên diễn ra vào các sáng chủ nhật hàng tuần trên đài phát thanh.

Đối với học sinh phổ thông, mỗi năm được tham gia một cuộc thi đọc sách nhân những năm tròn, năm lẻ, năm kỉ niệm ngày sinh của Bác, ngày Quốc khánh, ngày sinh các vị cách mạng tiền bối, danh nhân trong tỉnh. Từ những việc làm thiết thực đó, thư viện đã góp phần cùng với nhà trường phổ thông giáo dục nhân cách, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng cho học sinh và đạo đức, ý thức của người công dân.

Cũng qua việc đọc sách, học sinh được cung cấp  nhiều hơn các kiến thức về văn học, lịch sử… từ đó cũng góp phần tăng thêm số học sinh khá giỏi về các môn trong nhà trường. 

Với mọi tầng lớp nhân dân trong cộng đồng dân cư, thư viện đã tạo ra phong trào đọc và làm theo sách, đưa khoa học kĩ thuật, giống mới, cây trồng, chăn nuôi, ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp, đưa năng suất ngày càng tăng.  

Sự phối hợp giữa TTHTCĐ và thư viện đã và đang tạo nên ngôi trường thứ hai cho thanh thiếu niên học sinh và mọi tầng lớp nhân dân trong cộng đồng cùng học tập, cập nhật kiến thức, mở mang nhận thức. Từ đó, người dân ứng dụng những kiến thức đã học được vào phục vụ cuộc sống.

Giai đoạn 2015 – 2020:

100% cán bộ, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

50% cán bộ, viên chức, công chức có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 25% có trình độ bậc 3; 10% có trình độ CNTT bậc cao.

Hàng năm thường xuyên mở các lớp cơ bản về tin học và ngoại ngữ cho công nhân lao động đáp ứng yêu cầu công việc và giao lưu văn hóa…

(Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020 tỉnh Bắc Ninh)

Anh Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ