Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Văn hoá học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và bản thân.
Xây dựng văn hoá học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục, ở đó diễn ra quá trình tương tác giữa thầy cô với học sinh, sinh viên, giữa thầy cô với nhau và giữa học sinh, sinh viên với nhau. Một thành tố quan trọng để làm nên văn hóa học đường đó là hành vi văn hóa ứng xử trong các nhà trường.
Văn hóa ứng xử trong trường học sẽ tạo môi trường và động lực để phát triển, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, trí tuệ và lối sống tốt đẹp của nhà giáo, học sinh, sinh viên; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Việc xây dựng mô hình văn hoá ứng xử trong trường học là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng văn hóa học đường và trở thành yêu cầu cấp thiết trong việc góp phần thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong những năm tới.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Dù đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên, văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục hiện nay cũng còn những bất cập. Môi trường văn hoá học đường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực... Dư luận xã hội có nhiều quan ngại về sự xuống cấp của môi trường văn hóa xã hội nói chung và đã ảnh hưởng không nhỏ trong môi trường học đường.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng kể trên nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là, ở cả cấp độ chính sách lẫn cấp độ tổ chức thực hiện, chưa có sự quan tâm thỏa đáng đến việc xây dựng văn hoá ứng xử học đường.
Do đó, trong những năm qua, ngành GD&ĐT đã cụ thể hóa bằng hệ thống các căn bản chỉ đạo một cách đồng bộ nhằm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, nề nếp, kỷ cương đó chính là tạo nên môi trường văn hóa học đường.
Cụ thể, năm 2018 Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”. Sau 3 năm chỉ đạo triển khai Quyết định số 1299, Bộ đang xây dựng báo cáo sơ kết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Để việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học đi vào thực chất, ngành Giáo dục mong muốn toàn xã hội cùng triển khai một cách khoa học, đồng bộ, chặt chẽ, phù hợp các giải pháp tạo ra môi trường văn hóa học đường an toàn, lành mạnh qua đó góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước.
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi và thảo luận đánh giá, phân tích đúng thực trạng văn hoá ứng xử trong trường học hiện nay, mặt được, mặt chưa được, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra. Trong đó, quan tâm tới việc phân tích những biểu hiện, nguyên nhân của vấn đề.
Cùng với đó, các đại biểu đã đề xuất khuyến nghị những vấn đề nhằm xây dựng văn hoá học đường trong thời gian tới; đề xuất những tiêu chí nhằm xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học, từ đó để có được sự đồng thuận trong nhận thức, sự thống nhất trong hành động và tạo sự chuyển động mạnh mẽ về văn hoá học ứng xử trong mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.
Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3/10/2018 về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Sau 3 năm chỉ đạo triển khai Quyết định số 1299, Bộ đang xây dựng báo cáo sơ kết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong chuỗi hoạt động triển khai Quyết định số 1299, Bộ GD&ĐT tổ chức buổi Tọa đàm "Mô hình văn hóa ứng xử trong trường học" với mong muốn nhận được đánh giá và chi ra được tiêu chí để xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học của các chuyen gia và các cơ sở giáo dục, đào tạo.