Buổi tập huấn do Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và WHO tại Việt Nam vừa tổ chức. Nước sạch là nhu cầu cơ bản cho đời sống của người dân, tuy nhiên để đảm bảo cấp nước sạch đầy đủ và an toàn đòi hỏi các đơn vị cấp nước cần áp dụng công nghệ xử lý phù hợp, hiệu quả và cần đảm bảo nước sau xử lý được lưu trữ, cung cấp an toàn qua hệ thống phân phối. Vì vậy, họ cần tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống cấp nước để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
Việc xây dựng Kế hoạch cấp nước an toàn (KHCNAT) là một giải pháp hiệu quả và đã chứng minh được lợi ích của mình đối với các đơn vị cấp nước trong việc đảm bảo cung cấp nước đầy đủ và an toàn. Tuy nhiên, việc xác định, đánh giá rủi ro và xác định các biện pháp kiểm soát là một trong những điểm yếu nhất, cần được cải thiện trong quá trình thực hiện cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước.
Để hỗ trợ và giúp đỡ các đơn vị cấp nước tăng cường thực hiện KHCNAT, đặc biệt là nội dung nhận diện và đánh giá rủi ro đối với hệ thống cấp nước, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và WHO tại Việt Nam đã tổ chức lớp tập huấn “Quản lý rủi ro nhằm cải thiện việc xây dựng và triển khai Kế hoạch cấp nước an toàn” tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Lớp tập huấn có sự tham gia của TS. Lê Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục quản lý môi trường – Bộ Y tế; ông Tôn Tuấn Nghĩa, Cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.
Cùng dự có ThS. Đỗ Phương Hiền, Giám đốc Trung tâm Giám sát chất lượng nước Quốc gia (TT GSCLNQG) cùng các cán bộ của Trung tâm, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường; ông Lê Khắc Lương chuyên viên chính Phòng Quản lý nước sạch nông thôn, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cùng các đại biểu đến từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Xây dựng, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và các đơn vị cấp nước (Đak Lak, Nghệ An, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Trà Vinh).
Tại buổi tập huấn, ông Tôn Tuấn Nghĩa cán bộ kỹ thuật của WHO tại Việt Nam đã trình bày về khái niệm KHCNAT (tầm quan trọng quản lý rủi ro và hiệu quả của KHCNAT).
Về việc thực hiện KHCNAT khu vực nông thôn, đại diện Cục Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ tình hình thực hiện KHCNAT nông thôn, bao gồm những thành tựu và thách thức trong quản lý rủi ro.
Và để cung cấp thêm kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý rủi ro trong việc xây dựng và triển khai KHCNAT, Ths. Đỗ Phương Hiền, GĐ TTGSCLNQG đã có bài trình bày về Nhận diện và đánh giá rủi ro trong thực hiện KHCNAT.
Một số hình ảnh làm bài tập nhóm của các Đại biểu tại lớp tập huấn. |
Các đại biểu tham dự đã thảo luận rất sôi nổi về những thông tin, kiến thức được chia sẻ, và cũng có những hoạt động nhóm để các đại biểu có thể thực hành nhận diện và đánh giá rủi ro trên những hệ thống cấp nước cụ thể.
Kết thúc lớp tập huấn, các đại biểu đã được cung cấp thêm các kiến thức về nhận diện và đánh giá rủi ro cũng như có một số ý kiến góp ý tích cực góp phần xây dựng và hoàn thiện quy trình nhận diện và đánh giá rủi ro trong thực hiện KHCNAT Việt Nam.