Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn: Dồn toàn lực cũng khó xong

Xây dựng trường mầm non đạt chuẩn: Dồn toàn lực cũng khó xong

(GD&TĐ) - Mục tiêu có 50 - 55% trường mầm non (MN) đạt chuẩn vào năm 2015 là một thách thức lớn với ngành Giáo dục Hà Nội. Quỹ đất và kinh phí  là hai nguyên nhân chính cản trở mục tiêu này.

Việc có 18% trường MN đạt chuẩn là  sự nỗ lực của các quận, huyện, trong việc thu gom điểm lẻ, bố trí quỹ đất, kinh phí để xóa phòng học tạm và  xây trường mới  trong hơn 3 năm vừa qua.

Dồn lực xây trường chuẩn

Dẫu là trường Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới nhưng nhiều năm qua cô và trò Trường MN Hòa Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn phải học ở 2 cơ sở với diện tích nhỏ hẹp (2.900 m2). Cô hiệu trưởng Chu Thị Hoan chia sẻ kinh nghiệm: Quyết tâm xây dựng ngôi trường đạt chuẩn đã được phụ huynh và cán bộ giáo viên trong trường đồng tình ủng hộ nhưng  sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy bởi không tìm được quỹ đất. Năm 2008, trường mạnh dạn đề xuất việc xây trường chuẩn với UBND xã và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ bằng quyết định  “đổi đất lấy công trình”. Nhờ đó,  trường được chuyển  ra trung tâm của xã với diện tích gần 7.000 m2, đảm bảo cho việc xây dựng trường chuẩn và thuận tiện cho phụ huynh đưa đón trẻ. 

2.900 m2 là quá chật hẹp so với Hòa Xá nhưng là giấc mơ xa xỉ với những trường MN nội thành. Trường MN Nắng Mai tọa lạc giữa khu phố cổ Hàng Giấy (Hoàn Kiếm, Hà Nội), mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn là giấc mơ vô cùng… xa vời bởi tiêu chí đầu tiên là diện tích trường học đã không thể thực hiện được. Nhưng với quyết tâm của ngành GD cũng như UBND quận, từ một ngôi trường có tới 7 điểm lẻ nay đã được thu gom, chuyển đổi và mở rộng khuôn viên xuống còn 2 điểm trường để đảm các tiêu chí của trường chuẩn về diện tích cũng như số điểm lẻ/trường. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Cao Bích Lan, điều đáng ghi nhận là  các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chung tay góp sức với ngành GD trong việc xây dựng trường chuẩn. Điển hình nhất là Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) đã trao tặng 70m2 đất liền kề để trường làm sân chơi cho trẻ.

Coâ troø Tröôøng maàm non Hoøa Xaù hoïc trong lôùp hoïc roäng raõi	AÛnh: H.Thu
Cô trò Trường mầm non Hòa Xá học trong lớp học rộng rãi Ảnh: H.Thu

Tập trung kinh phí, quỹ đất để xây dựng trường MN đạt chuẩn là “điểm nhấn” của các địa phương trong nhiều năm qua. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Lê Đình Hùng cho biết: Chủ trương của  huyện là “làm đâu được đấy và lấy MN là khâu đột phá”, từ năm 2008, huyện đề ra mục tiêu mỗi năm có 5 trường được cải tạo, xây mới, đáp ứng nhu cầu học của HS mỗi xã. Với những nỗ lực trên, từ chỗ không có trường nào đạt chuẩn vào năm 2004, đến nay Thanh Trì đã vươn lên đứng thứ nhất trong số 29 quận, huyện về số trường MN công lập đạt chuẩn (16/31 trường). Để có được kết quả trên, theo ông Hùng, huyện đã có hẳn một đề án riêng đầu tư cơ sở vật chất cho trường MN. Huyện đã đầu tư 100% tiền xây dựng cơ bản và 70% kinh phí mua sắm thiết bị - đồ dùng - đồ chơi…

Gian nan chặng cuối

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc thận trọng, 3 năm cuối của Đề án là chặng đường nước rút để các quận, huyện chưa hoàn thành mục tiêu tiếp tục nỗ lực. Tuy nhiên, với chưa đầy 18% tổng số trường MN đạt chuẩn trên toàn thành phố, trong đó có 4 quận, huyện mới chỉ có 1 trường MN đạt chuẩn, tình trạng lớp ghép, phòng học tạm vẫn còn nhiều… thì mục tiêu có 50 - 55% trường MN đạt chuẩn vào năm 2015 không phải dễ dàng. 

Với sự quyết tâm của chính quyền, Trường mầm non Huỳnh Cung (Thanh Trì) được thu gom điểm lẻ, mở rộng điểm chính Ảnh: V.Văn
Với sự quyết tâm của chính quyền, Trường mầm non Huỳnh Cung (Thanh Trì) được thu gom điểm lẻ, mở rộng điểm chính Ảnh: V.Văn

Nội thành thiếu quỹ đất, ngoại thành thiếu kinh phí là điệp khúc được các quận, huyện đưa ra. Ba Vì là  huyện đứng ở vị trí cuối cùng trong 29 quận, huyện với tỷ lệ 2,7% trường MN đạt chuẩn. Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Công Tiến giải thích: Toàn  huyện có 170 phòng học tạm thì bậc MN chiếm tới 135 phòng. Ước tính cần 300 tỷ đồng để xóa phòng học tạm và xây bổ sung nhưng ngân sách huyện huy động mới được 46 tỷ, số còn lại chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của thành phố nên mục tiêu có 5 trường MN đạt chuẩn trong năm 2013 cũng… khó hoàn thành. 

Đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm cũng là một trong những căn nguyên khiến tiến độ đạt chuẩn ở cấp học MN còn chậm. Năm học 2011 - 2012, huyện Thanh Oai đăng ký 6 trường MN phấn đấu đạt chuẩn nhưng đến nay mới có 1 trường được công nhận. Thường Tín đặt đích phải có 15 trường MN đạt chuẩn vào năm 2015, song hiện mới có 1 trường đạt; Ứng Hòa phấn đấu 15 trường, nay mới có 4; Mê Linh mới có 3/15 trường; Ba Vì 1/18 trường. Các quận nội thành như Đống Đa cũng mới chỉ có 6/48 trường MN đạt chuẩn, tương tự Ba Đình, Hai Bà Trưng cũng dừng lại ở con số khiêm tốn là 2/42 và 4/42 … Ngay như Thanh Trì, huyện có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia vào loại cao nhất TP với 51,6% số trường đã đạt chuẩn, cũng khó khăn trong quá trình đầu tư cho các đơn vị ở vùng bãi do vướng Luật Đê điều. Ông Hùng cho biết: Hiện có 6 trường ở các xã Duyên Hà, Vạn Phúc, Yên Mỹ đều đã đạt chuẩn về mọi điều kiện phục vụ dạy - học, song lại khó có thể được công nhận chuẩn.

 “Chướng ngại vật” đã được chỉ mặt đặt tên, để tạo được sức bật ở chặng cuối, các quận, huyện không chỉ cần hỗ trợ về kinh phí, quỹ đất mà cần thay đổi về nhận thức, quan điểm chỉ đạo trong việc dồn nguồn lực cho bậc học vốn non yếu này.

La Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ