Từ câu chuyện về tiêu chí chiều cao khi xét tuyển vào Trường Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội), các chuyên gia khuyến nghị, khi xây dựng đề án tuyển sinh, cơ sở đào tạo cần dựa trên các yếu tố: Đúng, phù hợp thực tiễn; trên hết là bảo đảm công bằng với thí sinh.
Lưu ý khi xây dựng đề án tuyển sinh
Trước ngày 7/6, trong Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) có đặt điều kiện chiều cao đối với các ngành xét tuyển, cụ thể: Nữ cao từ 1,58m; nam cao từ 1,65m.
Quy định về chiều cao của thí sinh trong đề án tuyển sinh đã vấp phải phản ứng của dư luận. Sau khi được góp ý và có ý kiến của Bộ GD&ĐT, ngày 7/6, Trường Quản trị và Kinh doanh đã điều chỉnh Đề án tuyển sinh năm 2024, bỏ tiêu chí chiều cao khi xét tuyển vào một số ngành.
Theo đó, điều kiện xét tuyển đối với thí sinh nữ từ 1,58m, nam từ 1,65m, thể lực tốt, thị giác tốt với các ngành tuyển sinh đã được nhà trường chỉnh sửa, không áp dụng với các ngành Quản trị doanh nghiệp và Công nghệ; Marketing và Truyền thông; Quản trị nhân lực và Nhân tài. Riêng ngành Quản trị và An ninh, nhà trường không tuyển thí sinh nữ dưới 1,58m, nam dưới 1,65m.
Từ câu chuyện trên, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) khuyến nghị, khi xây dựng đề án tuyển sinh, cơ sở đào tạo cần dựa trên các yếu tố: Đúng, phù hợp với thực tiễn; trên hết là bảo đảm công bằng với thí sinh. Tiêu chí về ngoại hình (chiều cao) chỉ nên áp dụng với một số lĩnh vực đặc thù, chẳng hạn như: Khối công an, quân đội. Với những ngành khác, nếu áp dụng tiêu chí này chưa phù hợp và không có cơ sở khoa học.
“Hiện, không có nghiên cứu khoa học nào chỉ ra, chiều cao là yếu tố quyết định thành công ở một số lĩnh vực, trong đó có quản trị và kinh doanh”, TS Hoàng Ngọc Vinh khẳng định và dẫn chứng, tỉ phú Jack Ma cao chưa đến 1,6m nhưng đã trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất thế giới nhờ vào sự kiên trì, tầm nhìn và khả năng lãnh đạo xuất sắc.
Trừ một số ngành thuộc lĩnh vực công an, quân đội, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, điều kiện về chiều cao, cân nặng trong xét tuyển dẫn đến không công bằng trong tuyển sinh; thậm chí vi phạm nguyên tắc bình đẳng cơ hội trong học tập. Chính sách này có thể vô tình “đánh trượt” nhiều thí sinh có năng lực và tài năng chỉ vì họ không đạt yêu cầu về chiều cao.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024. Ảnh: TG |
Khẳng định bằng chất lượng
Dù Trường Quản trị và Kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã điều chỉnh đề án tuyển sinh và bỏ tiêu chí về chiều cao khi xét tuyển ở 3/4 ngành nhưng TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là bài học để các cơ sở đào tạo rút kinh nghiệm khi xây dựng đề án tuyển sinh; tránh đưa ra những điều kiện, tiêu chí, chính sách xa rời thực tiễn.
Thay vì tiếp thị đến phụ huynh, thí sinh bằng “chiêu trò”, tạo tình huống “độc lạ”, thì các trường cần có chiến lược marketing bài bản, khoa học. Trên hết, các trường cần đi bằng năng lực và chất lượng đào tạo của trường, cùng với chính sách tốt, tạo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục, đào tạo cho người học. Trên cơ sở đó, uy tín, thương hiệu của trường sẽ được khẳng định và danh tiếng của trường sẽ đến với thí sinh, phụ huynh bằng “hữu xạ tự nhiên hương”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục đại học cần tạo cơ hội bình đẳng, công bằng đối với thí sinh. Điều này phải được thể hiện rõ nét trong đề án tuyển sinh, làm sao để không thí sinh nào mất cơ hội ứng tuyển do những quy định không liên quan tới trình độ, năng lực. Do đó, đề án tuyển sinh cần cung cấp thông tin chính xác, tường minh, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học và các bên liên quan.
PGS.TS Đậu Xuân Cảnh viện dẫn, quyền và nghĩa vụ học tập của công dân đã được pháp điển và quy định rõ tại Luật Giáo dục năm 2019. Theo đó, Luật này quy định, học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
Ngoài ra, Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình. “Việc Trường Quản trị và Kinh doanh điều chỉnh đề án tuyển sinh là kịp thời, tránh được những hệ quả không đáng có”, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh ghi nhận.
Theo hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non năm 2024 của Bộ GD&ĐT, trước và trong thời gian tuyển sinh, cơ sở đào tạo tiếp tục rà soát lại đề án tuyển sinh, thông báo tuyển sinh bao gồm: Chỉ tiêu, ngành, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển; bài thi/môn thi được nhân hệ số khi xét tuyển, mức chênh lệch điểm giữa các tổ hợp so với tổ hợp gốc, tiêu chí phụ, môn năng khiếu, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có); các phương thức, điều kiện xét tuyển bổ sung (nếu có).
Việc điều chỉnh đề án tuyển sinh phải bảo đảm đúng quy định và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào cơ sở đào tạo. Cơ sở đào tạo cập nhật đề án tuyển sinh đã điều chỉnh lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT để tổ chức tuyển sinh, báo cáo và phục vụ cho công tác hậu kiểm.
Bộ GD&ĐT lưu ý, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các cơ sở đào tạo điều chỉnh và công khai mức điểm nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau trên trang thông tin điện tử và cập nhật vào Hệ thống.