(GD&TĐ) - Năm học 2008 - 2009 là năm đầu tiên các trường thực hiện phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của Bộ GD&ĐT. Để đẩy mạnh phong trào, gần đây báo Giáo dục & Thời đại lại mở những cuộc thi viết “Xây dựng trường học thân thiện và những tình huống ứng xử” và “Cô giáo của tôi”. Đây là mô hình nhiều nước đã áp dụng. Học sinh đến trường học được sống trong môi trường sạch đẹp, an bình, vui vẻ, tràn ngập tình thương, được học tập tốt. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ý nghĩa của mô hình rộng lớn, bao quát cả mọi hoạt động của nhà trường, cả nội, ngoại khóa, thầy và trò, sự phối hợp của gia đình và cộng đồng.
Trong phong trào này, người thầy, nhân vật trung tâm của nhà trường, cần thực sự thấm nhuần ý nghĩa của mô hình để thể hiện trước hết trong công tác giảng dạy và giáo dục.
Qua thực tiễn công tác và qua hai phong trào trên, thường thấy học sinh quý nhất, có những ấn tượng đẹp đẽ nhất là những thầy, cô giáo có phương pháp giảng dạy đổi mới tốt, tận tụy, dân chủ, tôn trọng học sinh. Có em nói: Cô đến lớp với nụ cười rạng rỡ, như người mẹ hiền, với giọng nói nhẹ nhàng ấm áp, chứa đầy tình thân yêu, cô gây hứng thú cho việc học tập môn văn mà trước đây em không thích. Có em nói giờ trả bài em đang thắc mắc về lời phê và điểm số thì cô hỏi: Có em nào có ý kiến gì về bài làm, em được nói và được cô giảng giải để hiểu thêm những nhược điểm bài của mình. Có em nhớ mãi tình cảm thương yêu của cô giáo mỗi khi thấy học trò chưa ngoan hoặc chưa thuộc bài, cô quay mặt đi, khóc làm cả lớp im lặng và sau này em nào cũng phải cố gắng học tập để cô khỏi phiền lòng. Có em nhớ mãi những tiết sinh hoạt lớp của giáo viên chủ nhiệm: “Nhẹ nhàng, đầy ắp tiếng cười nhưng không quá dễ dãi”. Khi kiểm điểm tình hình lớp, gặp những trường hợp vi phạm nội quy thì hỏi kỹ rồi mới phân tích có lý, có tình để học sinh rút kinh nghiệm và không quên dành thời gian để kể những gương học tập vượt khó, những gương học sinh hiếu thảo, giờ ra chơi thường gần gũi hoặc gặp riêng các em, động viên học tập.
Giáo viên hướng dẫn học sinh trong các hoạt động vui chơi. Ảnh: Quang Thành |
Những gương sáng nói trên là những bức tranh đẹp, hài hòa, thân thiện giữa thầy và trò mang lại những ý nghĩa tích cực. Học sinh ấn tượng về thầy giáo là ấn tượng với nhà trường. Nhiều thầy giáo như trên là góp phần xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực. Song hiện nay có những giáo viên chưa thấm nhuần ý nghĩa trên thậm chí có những ứng xử kém, dẫn đến những việc đáng tiếc.
Giáo viên thiếu cố gắng, non kém về chuyên môn và phương pháp sư phạm, thiếu dân chủ, thiếu tôn trọng học sinh, học sinh không hứng thú với giờ học, với sự giảng dạy của thầy thì cũng không thể thiện cảm với nhà trường. Có em làm bài tập ở lớp có chỗ chưa rõ, rụt rè hỏi cô giáo thì được trả lời ngắn gọn, cộc lốc:
- Đã học bài chưa.
- Thưa cô, học rồi.
- Ngồi xuống, làm bài đi.
Có giáo viên ngoại ngữ thấy học sinh không ghi đầy đủ những lời giảng của mình (vì những điều đó em đã biết rồi) cho là coi nhẹ môn mình dạy, đã đuổi học sinh ra khỏi lớp hàng tuần lễ. Có những giáo viên không thích học sinh nêu những ý kiến trái ý mình. Đặc biệt báo chí vừa qua nêu những hiện tượng đau lòng: Một học sinh nữ lớp 9 (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) ngoan, hiền đã phải chọn cái chết vì làm mất 600.000đ quỹ lớp. Khi cô giáo chủ nhiệm bắt em phải giao lại tiền cho một em khác đúng ngày quy định. Nhưng em không có, nhà lại nghèo nên em phải uống thuốc độc tự tử (Tuổi trẻ & Đời sống, 22/10/2012). Một nữ học sinh lớp 11, huyện Bình Sơn - Quảng Ngãi ) tự cắt tay mình bằng dao lam ở trong lớp để phản đối cách ứng xử của cô giáo. Các bác sĩ cho biết tuy không đứt mạch chủ nhưng gân cổ tay trái bị đứt. Qua thư, em muốn tham gia vào cách giảng dạy của cô giáo nhưng ở trong lớp không được nói, xin gặp riêng, chỉ được trả lời: “Cô không làm việc với em”, lại bị dọa đuổi học môn của cô (báo TT&ĐS đã dẫn).
Những cách ứng xử và giảng dạy của giáo viên nói trên, không phải bàn nhiều, không thể phù hợp với việc xây dựng trường học thân thiên, học sinh tích cực.
Trần Hành