Xây dựng phương án tuyển sinh đa dạng mang lại nhiều lợi ích chung cho toàn hệ thống

Xây dựng phương án tuyển sinh đa dạng mang lại nhiều lợi ích chung cho toàn hệ thống

(GD&TĐ) - Thạc sĩ Lâm Thanh Hiển - Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) khẳng định như vậy khi trao đổi với GD&TĐ về đề xuất tuyển sinh riêng của 4 trường ĐH NCL vừa trình Bộ GD&ĐT.

Một lí do được ông nhấn mạnh: Thực tế và đòi hỏi của xã hội hiện nay cho thấy, việc chỉ đặt nặng việc kiểm tra kiến thức văn hóa (xem là điều kiện trúng tuyển) đã thật sự không còn phù hợp vì nếu xét trên bình diện một kỳ test kiến thức, nó vẫn chưa bao quát và chưa đủ.

Lâm
Thạc sỹ Lâm Thanh Hiển

Xét đề xuất tuyển sinh riêng của 4 trường ĐH NCL vừa trình Bộ GD&ĐT, tôi thấy đây là một đề xuất hợp lý, phù hợp với tình hình và điều kiện phát triển hiện nay của bậc GDĐH. Tôi tán đồng quan điểm về việc xây dựng cơ chế tuyển sinh mà mấy trường vừa rồi đã đề ra.

Bởi với phương án tuyển sinh riêng, xét trên nhu cầu đòi hỏi quyền được học của người dân, xét trên khía cạnh xây dựng và phát triển con người (nhân lực) tổng thể thiếu hướng toàn diện là một yêu cầu đúng đắn, cần được xem xét.

Với các nước tiên tiến trên thế giới, việc xét tuyển và kiểm tra không đặt nặng vào việc kiểm tra kiến thức đã được họ làm từ rất lâu.

Thực tế và đòi hỏi của xã hội  hiện nay cho thấy, việc chỉ đặt nặng việc kiểm tra kiến thức văn hóa (xem là điều kiện trúng tuyển) đã thật sự không còn phù hợp vì nếu xét trên bình diện một kỳ test kiến thức, nó vẫn chưa bao quát và chưa đủ.

Tỉ lệ thành công của các nước tiên tiến (tuyển sinh dựa trên tổng thể các yếu tố) cho thấy 80% thuộc về kỹ năng, 20% phụ thuộc vào kiến thức.

Các kỳ thi tuyển sinh ĐH của chúng ta thời gian qua, xét đúng nghĩa đơn thuần chỉ là kỳ thi kiểm tra kiến thức, mà nhiều kiến thức khi theo học ĐH và sau khi ra trường, chẳng mấy khi được sử dụng. Mặt khác, việc căn cứ điều kiện vào ĐH dựa trên các kỳ thi cũng đồng nghĩa với việc đánh đồng một học sinh nào đó học THPT không tốt thì anh cũng ĐH không tốt.

Phương thức đánh giá ấy thật sự là không phù hợp, vì nhiều học sinh khi học phổ thông các em có thể học không giỏi, nhưng khi lên ĐH, vào môi trường học tập năng động, tự chủ các em lại học giỏi.

Do đó, nếu cứ duy trì phương án tuyển sinh duy nhất (thông qua kỳ thi) ngoài việc bỏ sót một số lượng không nhỏ học sinh có khả năng học ĐH, chúng ta còn vô tình tước đi quyền được học của các em, gây sự lãng phí lớn cho xã hội, cho phụ huynh khi các em lại phải luyện thi,làm công việc khác để chờ đợi cơ hội được vào ĐH.

Phương án tuyển sinh căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp và học lực 3 năm của học sinh (làm tiêu chí chính) bên cạnh hàng loạt các tiêu chí phụ tôi thấy không có vấn đề gì là không ổn. Thật ra, hồi chế độ cũ, phương án tuyển sinh của các trường đã theo mô hình này, chỉ có những trường trọng điểm, đào tạo ít thí sinh thì họ có tổ chức thêm việc thi tuyển đầu vào, còn lại đều tạo sự chủ động tuyệt đối, cơ hội tuyệt đối cho học sinh tốt nghiệp THPT được học ĐH. Chất lượng vẫn ổn, nguồn nhân lực sau khi được đào tạo kỹ lưỡng tại các trường trong 4 năm ra vẫn đáp ứng được đòi hỏi của xã hội…

Một buổi tư vấn tuyển sinh
Một buổi tư vấn tuyển sinh

Nhiều người phản đối khi cho rằng, việc xét tuyển dựa trên thang điểm 6.0 (trung bình tốt nghiệp) là quá thấp, không hợp lý, học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng có thể học ĐH sẽ gây nên những xáo trộn…. Tôi không tán đồng suy nghĩ và quan điểm như vậy.

Tại sao đến giờ mình vẫn xem thang điểm là một yếu tố quan trọng để căn xét. Việc đánh giá một con người (trình độ, kỹ năng) không chỉ đơn thuần dựa vào mỗi cái điểm số học tập mà cần phải đặt xét trên nhiều tiêu chí thuộc nhóm kỹ năng, khả năng thích ứng, khả năng với ngành nghề của mỗi cá nhân.

Tôi ví dụ, nếu mình đang “đo” kiến thức, trí tuệ bằng thang điểm 10 (5 là trung bình). Nhưng tôi giả sử xã hội này, tất chỉ đạt được có 8 thôi, vậy chỉ số trung bình ở đây sẽ là 4. Tôi đưa ra ví dụ ấy để nói lên rằng, chuyện đặt ra điểm trung bình tốt nghiệp xét tuyển 6.0 hay 7.0 thực chất chỉ mang tính tương đối và là một trong nhiều điều kiện để xét tuyển, đánh giá học sinh của các trường khi xây dựng phương án tuyển sinh riêng mà thôi. Do đó, phương án tuyển sinh căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp và học lực 3 năm phổ thông của học sinh là phương án căn xét có tính thực chất nhất.

Việc xây dựng phương án tuyển sinh mà 4 trường trên mới đề xuất tôi nghĩ Bộ nên xem xét tính khả dụng và đưa thành một chủ trương chung cho toàn hệ thống. Có thể trước mắt là hệ thống GDĐH NCL, sau mới tiến dần đến chính sách mang tầm quốc gia…

Bởi nếu các trường có được nguồn tuyển, chẳng ai dại gì đi tuyển học sinh yếu (không đủ khả năng học ĐH) để gây khó cho mình. Tuy nhiên, nếu phương án tuyển sinh mới trên được đưa vào thực tế, chắc chắn sự chuyển dịch mang tính tích cực cho xã hội, hệ thống GDĐH là điều sẽ đến.

Một mặt nó không chỉ tránh được những tiêu cực tồn tại nhiều năm nay (học sinh giỏi, điểm cao vẫn rớt ĐH vì thi không đúng trường), mặt khác giúp cho gánh nặng xã hội, gánh nặng gia đình và cả sự lãng phí không cần thiết được tháo gỡ ít nhiều khi các em được theo học ĐH như nguyện vọng mình.

Anh Tú ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ