Theo đó, Sở LĐTB&XH các địa phương đôn đốc các DN phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án hỗ trợ người lao động (NLĐ) các khoản trợ cấp, phụ cấp, phương án tiền thưởng Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 và thông báo cho NLĐ trong DN biết. Các sở LĐTB&XH khảo sát, nắm tình hình tiền lương, nợ lương năm 2016 và kế hoạch thưởng cho NLĐ ở các DN trên địa bàn trong dịp Tết và báo cáo về Bộ LĐTB&XH trước ngày 30/12/2016.
Người lao động làm việc tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Thanh Hải
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Dũng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu an sinh xã hội và phát triển hòa nhập cho biết: Có khả năng thưởng Tết Nguyên đán năm 2017 cho NLĐ cao hơn năm 2016 vì nền kinh tế hồi phục, các DN hoạt động ổn định, tình hình sản xuất, kinh doanh khá hơn. Có thể GDP năm nay đạt ở mức 6,7% (năm ngoái 6,3%), cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
Theo ông Dũng, những DN vốn FDI có khả năng thưởng Tết cho NLĐ cao. Một số tập đoàn, tổng công ty, công ty cổ phần của Nhà nước làm ăn được vẫn giữ được mức thưởng cao như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)… Các ngân hàng lớn cũng có thể thưởng Tết khá như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)...
Còn các DN vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất gặp khó khăn nên mức thưởng sẽ thấp hơn. Những DN xuất khẩu sản phẩm do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, mức thưởng Tết 2017 cho NLĐ sẽ không nhiều. “Thưởng Tết 2017 bình quân trong cả nước cao hơn năm 2016 khoảng 5 - 7%” - ông Dũng nhận định.
Tuy nhiên, theo nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, việc thưởng Tết phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của DN. Từ khi Bộ luật Lao động ra đời năm 1995 cho đến Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, chưa có quy định về mức thưởng Tết cho NLĐ.