Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chương trình này là giải phóng mặt bằng vì không có cơ chế bồi thường đất.
Vướng cơ chế bồi thường đất
8 xã đầu tiên thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu trên địa bàn thành phố Hải Phòng là: Tân Liên - huyện Vĩnh Bảo; Kiến Thiết - huyện Tiên Lãng; Thụy Hương - huyện Kiến Thụy; Tân Dân - huyện An Lão; Đồng Thái - huyện An Dương; Gia Minh, Gia Đức - huyện Thủy Nguyên; Xuân Đám - huyện Cát Hải.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách thành phố hỗ trợ xây dựng đường giao thông, điện chiếu sáng, môi trường tại 8 xã là 1.083,79 tỷ đồng. Việc hoàn thành thí điểm NTM kiểu mẫu tại 8 xã là cơ sở để thành phố triển khai NTM kiểu mẫu tại 14 xã tiếp theo trong năm 2021.
Theo ghi nhận, một trong những khó khăn khiến các hạng mục công trình tại xã NTM kiểu mẫu bị chậm tiến độ là giải phóng mặt bằng, do không có cơ chế bồi thường về đất.
Năm 2020, có 38 công trình triển khai thí điểm tại 8 xã gồm 37 công trình giao thông và 1 công trình môi trường. Các địa phương đã vận động 939 hộ hiến trên 32.500m2 đất; giải tỏa vật kiến trúc của 726 hộ để khai thác công trình.
Được chọn thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Đồng Thái (huyện An Dương) đang “thay da, đổi thịt” từng ngày. Con đường trục dẫn vào UBND xã mới ngày nào “ổ voi, ổ trâu” dày chằng chịt, giờ đây mặt đường được trải nhựa phẳng lỳ, sơn kẻ vạch phân làn giao thông rõ nét.
Hai bên vỉa hè lát gạch sạch sẽ và hệ thống điện chiếu sáng được lắp đặt đồng bộ. Các cung đường dẫn vào thôn, xóm cũng được đầu tư xây dựng với hệ thống thoát nước kiên cố khiến vóc dáng đô thị vùng ven ngoại thành hiện lên rõ nét. Đường sá rộng mở, hạ tầng hiện đại khiến nhân dân trong xã vui mừng, phấn khởi.
Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái, cho biết, khi biết xã được chọn làm thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu người dân rất vui vẻ, đồng tình. Tuy nhiên, chủ trương không bồi thường về đất mà chỉ vận động dân hiến đất, đó là khó khăn với cấp cơ sở.
Đặc biệt, thời điểm tiến hành xây dựng là lúc giá bất động sản tại xã tăng cao. Tấc đất, tấc vàng, vì thế toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc vận động, tuyên truyền để người dân đồng thuận, hiến đất. Toàn bộ mặt bằng 5.000 m² đất mở rộng nâng cấp đường đều do người dân tự nguyên hiến đất, trong đó có 2.500 m² đất ở của 184 hộ dân.
Ông Thùy cho hay, hộ dân hiến ít cũng hơn chục m² đất, có hộ nhiều 70 - 80 m² đất ở. Giá đất cao, nhẩm tính có nhiều hộ hiến tới vài trăm triệu đồng. Vì việc vận động dân hiến đất khó khăn, nên tiến độ xây dựng nhiều công trình tại Đồng Thái cũng bị chậm vì vướng mặt bằng.
Việc thu hồi đất theo hình thức vận động người dân hiến đất gặp khó khăn nên tiến độ xây dựng ở nhiều xã bị chậm vì vướng mặt bằng. Một số xã phải đến tận cuối năm 2020 mới hoàn thành các tuyến đường thí điểm. Thậm chí, tại xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) công trình đường trục xã “bí” mặt bằng phải mãi tới tháng 3 vừa qua mới có mặt bằng xong để thi công.
Xã Tân Dân (huyện An Lão) là một trong 8 xã thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu và cũng là xã tiên phong hoàn thành nhiều hạng mục công trình. Nhưng theo ông Lê Hồng Phong - Giám đốc Ban quản lý dự án huyện An Lão, vướng mắc nhất với những công trình xây dựng NTM kiểu mẫu vẫn là giải phóng mặt bằng. Nhiều công trình chậm tiến độ, hoặc thi công “xôi đỗ” cũng do người dân không đồng thuận hiến đất.
Đơn cử như tuyến đường 36, đoạn từ ngã tư quán bà Hanh đến ngã tư Đình, xã Tân Dân do Công ty TNHH Hồng Phúc thi công gặp nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng. Theo thiết kế mặt đường rộng 7m, vỉa hè 2 bên mỗi bên 1,5m.
Nhưng thực tế, có nhiều đoạn vỉa hè chỉ được 1m, thậm chí chưa được đủ 1m do mặt bằng không đủ. Ngay như hệ thống cống thoát nước cũng được đơn vị thi công đặt trong lòng đường do thiếu đất.
Thêm 14 xã xây dựng NTM kiểu mẫu
Năm 2021, Hải Phòng tiếp tục đầu tư hơn 800 tỉ đồng xây dựng 163 công trình còn lại tại tám xã NTM kiểu mẫu thí điểm ban đầu. Đồng thời, dự kiến xây dựng thêm 14 xã NTM kiểu mẫu với kinh phí khoảng hơn 2.000 tỉ đồng, trong đó, đứng đầu là Thủy Nguyên thêm 5 xã, An Dương có 3 xã, các huyện còn lại mỗi huyện có 1 - 2 xã.
Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch xã Đồng Thái cho biết thêm, năm 2021, xã được đầu tư hơn 100 tỉ đồng để xây dựng 14 tuyến đường còn lại với diện tích thu hồi khoảng 10.000 m2 đất của 500 hộ dân. Giá đất ở tại Đồng Thái “sốt” khiến việc vận động người dân hiến đất vô cùng gian nan.
Từ khi có thông tin huyện Thủy Nguyên sẽ lên thành phố khiến giá đất tại địa phương này tăng vùn vụt. Năm 2021, ngoài 2 xã Gia Minh, Gia Đức được đầu tư các công trình còn lại, huyện này còn tiếp tục được đầu tư thêm 5 xã mới. Vì thế việc vận động dân hiến đất mở đường càng khó khăn.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hải Phòng, đến ngày 10/9 có 63/163 công trình xây dựng NTM kiểu mẫu hoàn thành, đạt tỉ lệ 38,5% so với tổng số công trình ở 8 xã thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu.
Để triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu hiệu quả, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các huyện tập trung cao công tác tuyên truyền vận động người dân hiến đất để giải phóng mặt bằng mở rộng đường, hoàn thành các công trình còn lại của 8 xã đã triển khai thí điểm năm 2020 trước 30/9.
Hiện, xã Gia Đức (huyện Thủy Nguyên) tiến độ thi công chậm nhất thành phố do vấn đề giải phóng mặt bằng. Nếu với tiến độ này, Gia Đức khó hoàn thành kế hoạch trong tháng 9. Bởi, khối lượng các công trình mới đạt khoảng 60% kế hoạch. Nhiều hộ dân chưa nhận tiền hỗ trợ vật kiến trúc, không chấp nhận phương án kiểm kê khiến một số công trình không thể thi công được.
Bên cạnh đó, ngoài vướng mắc mặt bằng thi công, một số xã chưa bố trí được tái định cư cho những hộ dân sau khi hiến không còn đủ đất sinh sống.