(GD&TĐ)-Theo báo cáo về quy hoạch hệ thống các trường ĐH và CĐ tại vùng thủ đô Hà Nội và vùng TP.HCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng cho biết sẽ dự kiến xây dựng các trường ĐH, CĐ theo 3 nhóm mô hình cơ bản, đó là nhóm trường xây dựng đơn lẻ, nhóm trường xây dựng theo mô hình khu ĐH tập trung và nhóm trường xây dựng theo mô hình đô thị ĐH.
Mô hình đô thị đại học Láng-Hòa Lạc |
Nhóm trường xây dựng đơn lẻ là các trường được chuyển toàn bộ hoặc phân hiệu CS2 ra bên ngoài trung tâm. Các trường có chức năng đào tạo đặc thù cần có không gian riêng biệt như khối trường an ninh, quân đội, TDTT hoặc trường nghệ thuật gây tiếng động ồn ào. Các trường xây dựng đơn lẻ có thể nằm cạnh khu dân cư.
Với mô hình xây dựng khu ĐH (cụm ĐH hoặc khu ĐH tập trung), tùy thuộc môi trường, điều kiện kinh tế xã hội có thể lựa chọn xây dựng cụm trường ĐH (tập hợp các trường độc lập được xếp cạnh nhau trong cùng một khu đất, đóng vai trò là 1 khu chức năng chuyên ngành của thành phố) hoặc khu ĐH có qui mô lớn gồm các trường, khoa thành viên, có quản lý nội tại chặt chẽ như một đơn vị đô thị độc lập với thành phố, thích ứng với các ĐH vùng, ĐH cộng đồng, ĐH đa ngành CLC; hoặc liên hợp các trường ĐH, CĐ độc lập về cơ sở đào tạo nhưng lại có những cơ sở, trung tâm dùng chung khác.
Mô hình đô thị ĐH là đô thị chuyên ngành, chức năng đào tạo ĐH, CĐ đóng vai trò chủ chốt trong đô thị; phù hợp với các vùng đô thị lớn trong đó có đô thị ĐH vệ tinh được kết nối thuận tiện với đô thị trung tâm bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến. Ví dụ, đô thị Xuân Mai, Hòa Lạc thuộc thành phố Hà Nội xây dựng theo mô hình đô thị ĐH. Sinh viên, giảng viên và các cán bộ NCKH sẽ là thành phần dân số chủ yếu trong đô thị.
Hiếu Nguyễn