Xây dựng mô hình sinh kế hiệu quả nơi vùng cao biên giới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những người lính Biên phòng Hà Giang đã trở thành điểm tựa cho bà con vùng cao biên giới với nhiều mô hình kinh tế xóa đói giảm nghèo hiệu quả.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Mần cùng người dân phát quang đường tuần tra biên giới.
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Mần cùng người dân phát quang đường tuần tra biên giới.

Củng cố hệ thống chính trị cơ sở

Khu vực biên giới Hà Giang có 32 xã, 2 thị trấn/346 thôn, bản, trong đó có 123 thôn, bản giáp biên, gồm 19 dân tộc với hơn 122.000 khẩu sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm trên 59,9%.

Địa hình phức tạp, núi cao, khe sâu hiểm trở, giao thông đi lại từ trung tâm các xã, thị trấn đến các thôn, bản chưa được thuận lợi. Trong khi đó, thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, trình độ dân trí còn hạn chế. Những yếu tố đó đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội, khiến cho đời sống của phần lớn người dân tộc thiểu số (DTTS) gặp nhiều khó khăn.

Xuất phát từ thực tế địa bàn, thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW “Về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới”, BĐBP Hà Giang đã trực tiếp tham gia và tham mưu các địa phương tập trung vào khắc phục các mặt hạn chế, phát huy tiềm năng và lợi thế của địa phương để xây dựng vùng DTTS vững mạnh hơn.

Xác định hệ thống chính trị có mạnh thì công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương mới hiệu quả, BĐBP Hà Giang tăng cường 34 cán bộ cho các xã, thị trấn biên giới. Đồng thời phân công 167 đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, bản và 346 đảng viên các đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình khu vực biên giới.

Cán bộ, đảng viên BĐBP Hà Giang đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội, hướng dẫn cách thức quản lý, điều hành của bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản và các tổ chức đoàn thể... Nhờ đó, các tổ chức chính trị xã hội duy trì hoạt động có nền nếp, chất lượng từng bước được nâng lên.

Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang trao tặng bò sinh sản cho người dân trên địa bàn.

Đồn Biên phòng Lũng Cú, BĐBP Hà Giang trao tặng bò sinh sản cho người dân trên địa bàn.

Trong 10 năm qua, các đơn vị BĐBP Hà Giang đã tham mưu cho địa phương củng cố, kiện toàn 324 tổ chức đoàn thể; 346 tổ tự quản an ninh trật tự/346 thôn, bản 107 tập thể và 856 cá nhân, hộ gia đình tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Đồng thời đã phối hợp và tham gia giải quyết 217 vụ việc ở cơ sở đúng theo quy định của pháp luật. Từ đó, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Cùng với việc tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, BĐBP Hà Giang còn tích cực tham mưu tạo nguồn, đào tạo cán bộ người DTTS. Theo đó, trong 10 năm qua, BĐBP tỉnh Hà Giang đã tuyển chọn cử đi đào tạo được 72 lượt cán bộ là người dân tộc. Tham mưu địa phương theo dõi, giúp đỡ các hạt nhân người DTTS để bồi dưỡng tạo nguồn phát triển đảng viên…

Anh Vàng Mí Phồng, người Mông, thôn biên giới Pao Mã Phìn, xã Tả Ván (huyện Quản Bạ, Hà Giang) chia sẻ: Trong những lúc khó khăn, hoạn nạn, dân bản chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ của Bộ đội biên phòng. Có được sự bình yên, giảm đói nghèo hơn cũng nhờ công sức không nhỏ của BĐBP…

Xây dựng mô hình sinh kế hiệu quả

Thông qua việc triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, các nguồn đầu tư của Bộ Quốc phòng hỗ trợ phát triển vùng biên giới, trong những năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Giang đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện biên giới thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, thực hiện Chương trình 135, hơn 1400 công trình đã được đầu tư xây dựng. Chương trình đã hỗ trợ sản xuất cho hơn 258.000 lượt hộ; thực hiện 103 mô hình giảm nghèo cho gần 2.200 hộ được hưởng lợi...

Cán bộ chiến sĩ Biên phòng thường xuyên tới nhà dân tư vấn cho người dân phát triển kinh tế gia đình.

Cán bộ chiến sĩ Biên phòng thường xuyên tới nhà dân tư vấn cho người dân phát triển kinh tế gia đình.

Thực hiện Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 2085/QĐ-TTg hơn gần 4.500 hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt. Thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao theo Quyết định 1672/QĐ-TTg, có 8 công trình (nhà sinh hoạt cộng đồng, cấp nước, điện, giao thông) được đầu tư xây dựng.

Với tấm lòng hướng về người dân biên giới, BĐBP Hà Giang tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án an sinh xã hội cũng như mô hình phát triển kinh tế. Cho đến nay, các chương trình, dự án do BĐBP tỉnh làm chủ đầu tư đều phát huy hiệu quả, điển hình là: Dự án mở đường giao thông từ xã Cao Mã Pờ đi mốc 291/1, dự án sắp xếp ổn định dân cư xã Tả Ván, huyện Quản Bạ; dự án cấp nước cho các Đồn Biên phòng và một số cụm dân cư thuộc các xã Thàng Tín, Bạch Đích, Xín Mần; 12 mô hình BĐBP giúp dân “Xây dựng thôn, bản phát triển toàn diện”...

Thực hiện dự án chăn nuôi bò sinh sản luân chuyển tại 4 xã biên giới từ 64 con bò giống cấp cho 64 hộ năm 2013, đến nay đã sinh sản được 129 con bàn giao cho các hộ dân khác. Với Chương trình “Chung tay vì cộng đồng - bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, 2.083 con bò giống đã được bàn giao cho các hộ nghèo, đến nay sinh sản được 3.510 con.

Ngoài ra, BĐBP Hà Giang còn giúp dân làm hơn 191km đường giao thông nông thôn; tu sửa 8km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng 1 nhà văn hóa... Đặc biệt, hằng năm thực hiện chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, tặng quà và tiền trị giá trên 4 tỷ đồng cho Nhân dân ở khu vực biên giới.

Những việc làm thiết thực của BĐBP Hà Giang đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo vùng DTTS Hà Giang, góp phần nâng cao đời sống của bà con, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.