Xây dựng kỹ năng thích ứng nhanh với công việc

GD&TĐ - Cơ khí là một trong những ngành đang cần nhiều nhân lực chất lượng cao.

Thầy và trò sinh viên Khoa Cơ khí - Cơ Điện tử, Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NT
Thầy và trò sinh viên Khoa Cơ khí - Cơ Điện tử, Trường ĐH Phenikaa. Ảnh: NT

Bởi vậy, sinh viên học ngành này ngoài khối lượng kiến thức chuyên ngành thì điều không kém phần quan trọng là cần trang bị thêm cho mình trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, khả năng thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc tại doanh nghiệp.

Học đi đôi với hành

Đam mê ngành cơ khí từ nhỏ, Đậu Trung Kiên – sinh viên năm thứ ba Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) đã quyết định lựa chọn theo học ngành Kỹ thuật cơ khí. Kiên chia sẻ:

“Nước ta đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, vì vậy cơ khí là khối ngành liên quan đến việc ứng dụng các nguyên lý vật lý, kỹ thuật và khoa học vào quá trình thiết kế, bảo trì, chế tạo, bảo dưỡng, điều khiển, tự động hóa những loại máy móc, dây chuyền sản xuất nằm trong hệ thống cơ khí phục vụ cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Chuyên ngành được đào tạo liên quan đến nhiều lĩnh vực nên sinh viên theo học ngành này khi tốt nghiệp có khá nhiều cơ hội việc làm”.

Tuy nhiên, lĩnh vực cơ khí đòi hỏi người học và làm việc phải có sự tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận. Do đó để hiểu lý thuyết, Kiên đã cố gắng dành nhiều thời gian đến phòng thực hành, xưởng máy để nghiên cứu. Đặc biệt, cậu còn chủ động xin tham gia vào nhóm nghiên cứu khoa học của khoa để thực hành kiến thức lý thuyết tránh cho bản thân bị động.

“Sau hai năm học, em cảm nhận thấy cái khó của sinh viên ngành cơ khí là phải dung nạp một khối lượng kiến thức lý thuyết khá trừu tượng, nếu người học không chịu khó đến các phòng máy, xưởng thực hành để học hỏi thì khó nắm được kiến thức cơ bản”, Kiên chia sẻ.

Từ những kinh nghiệm tích lũy được qua thực tế giảng dạy, TS Ngô Văn Lực - Phó Trưởng khoa, Khoa Cơ khí - Cơ Điện tử, Trường ĐH Phenikaa cho hay: “Ngành cơ khí không đòi hỏi người học phải thông minh tuyệt đỉnh, song điều quan trọng nhất là phải chịu khó, cẩn thận, bởi quá trình học hay làm việc yêu cầu tính an toàn lao động rất cao”.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Liên kết để đánh giá và tuyển dụng

Song song với đó, nhiều trường đại học, cao đẳng cũng tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu và kết hợp tổ chức những hoạt động tham quan trải nghiệm cho sinh viên tại doanh nghiệp. Bước đầu được cọ xát với môi trường thực tế, sinh viên nắm bắt được xu thế, cơ hội việc làm, những hành trang phải chuẩn bị để hoàn thiện bản thân. Cùng với đó, các trường kết nối với cựu sinh viên mời họ về tham dự hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm thực tế và cơ hội việc làm với lớp đàn em.

Để chương trình đào tạo sát với yêu cầu công việc, Khoa Cơ khí - Cơ Điện tử, Trường ĐH Phenikaa đã xây dựng Ban cố vấn doanh nghiệp và mời 20 đến 30 doanh nghiệp tham gia. Hàng năm, Ban cố vấn này sẽ tổ chức họp trao đổi chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng sinh viên khi thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp.

Qua đó, nhà trường biết được chương trình dạy đang hạn chế ở đâu, cần điều chỉnh, bổ sung nội dung gì để khắc phục và đáp ứng được các yêu cầu về công việc mà nhà tuyển dụng đưa ra. “Đồng thời, chúng tôi lắng nghe những yêu cầu, góp ý thêm từ doanh nghiệp đối tác để có kế hoạch đào tạo sát với thực tế hơn”, TS Ngô Văn Lực, cho biết.

Tương tự, TS Đoàn Yên Thế, Trưởng khoa Cơ khí, Trường ĐH Thủy lợi cho hay: “Từ năm thứ nhất, chúng tôi đã tổ chức các hội thảo hướng nghiệp. Sinh viên được đi tham quan tại các nhà máy, doanh nghiệp để có cái nhìn tổng quan về ngành mình đang theo học, hiểu hơn về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Ngoài ra, khoa sẽ phân các giảng viên làm cố vấn học tập cho sinh viên. Đây là giải pháp hỗ trợ các em xây dựng định hướng học tập trong thời gian học tại trường cũng như kế hoạch ba năm sau khi tốt nghiệp”.

Bên cạnh đó, Khoa Cơ khí còn xây dựng chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của nhiều doanh nghiệp, chương trình đào tạo kỹ sư làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc… cùng với đó tạo ra sân chơi khoa học công nghệ thu hút sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, kích thích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Một hoạt động khác không kém phần lôi cuốn là nhà trường tổ chức các khóa học chuyên môn như thiết kế 3D mô phỏng; nâng cao kỹ năng mềm… nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sinh viên ngành cơ khí đã phối hợp với nhà trường đào tạo cho sinh viên ngay từ khi các bạn còn học trong trường. “Như vậy, nhà tuyển dụng sẽ giảm bớt được thời gian đào tạo các kỹ năng họ mong muốn sinh viên cần có trước khi tốt nghiệp. Đối với sinh viên, các bạn sẽ có cơ hội việc làm ngay từ khi chưa tốt nghiệp”, TS Đoàn Yên Thế cho biết.

Vị trưởng khoa này lưu ý thêm, ngành cơ khí hiện nay có nhu cầu tuyển dụng rất lớn không chỉ trong nước, mà cả nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… Theo đó ngoài trình độ chuyên môn, sinh viên cần sử dụng thành thạo các phần mềm kỹ thuật thiết kế mô phỏng, trang bị cho mình vốn ngoại ngữ, các kỹ năng để thích ứng nhanh, phù hợp với văn hóa làm việc trong doanh nghiệp. Đồng thời trong suốt quá trình học hành, sinh viên sẽ nắm được sự chủ động khi đã xây dựng mục tiêu học tập, trang bị cho mình kiến thức chuyên môn ngay từ năm thứ nhất.

Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, giai đoạn 2022 - 2026, ngành cơ khí là một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Thành phố có nhu cầu sử dụng khoảng 15.200 – 17.400 người mỗi năm, trong đó, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo khoảng 75,35%. Các chuyên ngành được ưu tiên phát triển là cơ khí khuôn mẫu, máy móc thiết bị điện, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông - lâm - thủy sản và công nghiệp chế biến, sản xuất dụng cụ gia đình, máy công cụ, máy động lực, dụng cụ y tế, quang học, đồng hồ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ