Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An thành 1 cực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

GD&TĐ - Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An đến năm 2030.  

Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An thành 1 cực phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Theo đó, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An thành một cực phát triển kinh tế về công nghiệp, thương mại, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Khu kinh tế cửa khẩu Long An, tỉnh Long An (Khu kinh tế) có tổng diện tích tự nhiên là 13.080 ha, gồm 1 cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp và 1 cửa khẩu phụ Long Khốt.

Phạm vi lập quy hoạch Khu kinh tế (theo quyết định thành lập số 07/2010/QĐ-TTg ngày 25/1/2010 của Thủ tướng Chính phủ), gồm địa phận 7 xã và 1 thị trấn: Thị trấn Mộc Hóa (nay là phường 1 và phường 2 thuộc thị xã Kiến Tường), xã Bình Hiệp, xã Bình Tân, ấp 1 thuộc xã Thạnh Trị, các ấp Bình Tây 1 và Bình Tây 2 thuộc xã Hòa Bình Tây (huyện Mộc Hóa), ấp Bình Châu và ấp Rạch Mây thuộc xã Tuyên Bình, xã Thái Bình Trung, ấp 1 và ấp 2 thuộc xã Vĩnh Bình (huyện Vĩnh Hưng).

Đến năm 2020, quy mô dân số khoảng 58.000 người; dân số đô thị khoảng 30.200 người; tỷ lệ đô thị hóa là 52%. Đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 105.000 người, trong đó dân số đô thị khoảng 70.000 người; tỷ lệ đô thị hóa là 66%.

Cấu trúc không gian Khu kinh tế, được hình thành theo mô hình đô thị trung tâm Kiến Tường và hai hành lang đô thị (hành lang Kiến Tường - Bình Hiệp và hành lang Bình Hiệp - Vĩnh Bình) gắn với hai cửa khẩu dựa trên các tuyến quốc lộ 62, quốc lộ N1 (tỉnh lộ 831) và tỉnh lộ 831C.

Các khu công nghiệp có tổng diện tích 425 ha

Về định hướng phát triển không gian cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, Quyết định nêu rõ, các khu công nghiệp có tổng diện tích 425 ha, bao gồm: Khu công nghiệp - dịch vụ - thương mại tổng hợp, quy mô khoảng 279 ha được bố trí tại xã Bình Hiệp phía Đông sông Vàm Rồ, hai bên trục quốc lộ N1 với 4 loại hình công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, bao gồm: Công nghiệp chế biến hàng nông sản, bánh kẹo, bột gạo và các sản phẩm từ ngũ cốc, kho nông sản; công nghiệp sản xuất dụng cụ, thiết bị chế biến nông sản, lắp ráp hàng điện tử, cơ khí nông nghiệp; công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và kho trung chuyển, sửa chữa lắp ráp ô tô, lắp ráp xe nông dụng đa chức năng, các loại xe và máy móc nông nghiệp, sản xuất nhôm định hình. 

Cho phép thực hiện các dự án kiểm soát được khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, quy mô khoảng 146 ha được bố trí tại phía Đông trung tâm thị xã Kiến Tường, sát sông Vàm Cỏ Tây, có 3 loại hình công nghiệp chính, bao gồm: Công nghiệp sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ phụ phẩm nông nghiệp và các mặt hàng khác; công nghiệp hàng tiêu dùng, may mặc, giầy da, bao bì và tiểu thủ công nghiệp: Đan lát, đồ thủ công mỹ nghệ. Yêu cầu các dự án kiểm soát được khả năng gây ô nhiễm môi trường.

Các cụm công nghiệp có tổng diện tích 54 ha, bao gồm các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp địa phương: Tại xã Tuyên Bình quy mô khoảng 24 ha; tại xã Vĩnh Bình quy mô khoảng 27,6 ha, tại xã Thái Bình Trung quy mô khoảng 2,4 ha.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ