Xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường: Còn nhiều khó khăn

GD&TĐ - Kế hoạch giáo dục nhà trường là nhiệm vụ bắt buộc của mỗi cơ sở giáo dục khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông.

Giờ học tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ. Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, xây dựng được kế hoạch bảo đảm yêu cầu mới và phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường, năng lực tự chủ, sáng tạo, giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn.

Còn chung chung

Cô Trần Thị Bích Hạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết: Kế hoạch giáo dục nhà trường là kế hoạch tổng thể được nhà trường xây dựng cho cả năm học, bao gồm các mặt, lĩnh vực hoạt động trong nhà trường; trong đó có đánh giá kết quả đạt được của năm học trước và đề ra phương hướng, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện cho năm học sau.

Kế hoạch này phải thể hiện được tính đặc trưng, phù hợp với từng nhà trường. Tuy nhiên, hiện việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường còn mang tính chung chung, chưa cụ thể. Hạn chế của năm học trước đôi khi chưa khắc phục được ở năm học sau. Giáo viên chưa mạnh dạn phản ánh tâm tư, nguyện vọng; thiếu thẳng thắn đánh giá những ưu điểm, hạn chế của chương trình và SGK. Việc xây dựng kế hoạch môn học cho phù hợp với thực tiễn từng trường chưa thể hiện rõ nét; đa số lớp trong khối của các trường trên cùng địa bàn giống nhau.

Nhà trường cũng có khó khăn trong xác định các nguồn lực về tài chính để đảm bảo thực hiện kế hoạch một cách khả thi. Phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc học tập của con em; chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục. Kế hoạch giáo dục đòi hỏi tính linh hoạt và khả năng điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, nhưng một số cán bộ quản lý, giáo viên còn lúng túng trong việc này.

Một khó khăn khác, theo cô Trần Thị Bích Hạnh, Chương trình GDPT 2018 đề cao nội dung giáo dục tích hợp; trong đó có tích hợp môn học với giáo dục địa phương, giảng dạy cho học sinh tìm hiểu về đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý... địa phương. Tuy nhiên, tài liệu, giáo trình liên quan không được cung cấp thống nhất. Giáo viên phải tự tìm hiểu để lên kế hoạch giảng dạy nên thiếu tính đồng bộ, nhất quán.

Bên cạnh đó, một số giáo viên còn lúng túng trong xây dựng kế hoạch bài dạy và thực hiện giảng dạy trên lớp. Mỗi tuần có nhiều kế hoạch bài dạy, bao gồm phần Word, giáo án PowerPoint, đòi hỏi giáo viên phải thông thạo tin học văn phòng, kết nối mạng ổn định, mỗi phòng học có màn chiếu hoặc tivi thì việc thực hiện kế hoạch giảng dạy mới thực sự hiệu quả. Một số thầy cô còn lúng túng trong xây dựng mục tiêu bài học, không cụ thể hóa được yêu cầu cần đạt của bài, chưa biết phân loại người học để xây dựng mục tiêu cần đạt hợp lý hơn.

Thầy Phạm Quang Doanh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) thì nêu khó khăn trong xây dựng, triển khai kế hoạch giáo dục nhà trường vì đồ dùng thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Một số nội dung lồng ghép, tích hợp vào chương trình giáo dục nhưng chưa đề cập cụ thể trong chương trình. Hai môn tích hợp là Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên thay đổi số lượng các phần nhiều lần trong năm học gây khó khăn theo dõi thời khóa biểu đối với giáo viên, học sinh. Ra đề kiểm tra, chấm bài môn Khoa học tự nhiên còn là khó khăn của nhiều thầy cô…

xay-dung-ke-hoach-gd-nha-truong3-3259.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Cần phù hợp yêu cầu đổi mới và điều kiện nhà trường

Ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang nhấn mạnh một số nguyên tắc khi xây dựng kế hoạch giáo dục. Theo đó, kế hoạch giáo dục nhà trường cần xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế theo khung thời gian 35 tuần thực học (học kỳ I: 18 tuần, học kỳ II: 17 tuần), đảm bảo thời gian năm học thống nhất cả tỉnh. Giao quyền tự chủ cho các đơn vị xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh phù hợp với tình hình thực tế nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học trò.

Kế hoạch giáo dục thể hiện đầy đủ các hoạt động giáo dục trong năm học, tận dụng đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có của nhà trường và xây dựng lồng ghép kế hoạch thực hiện giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật. Kế hoạch giáo dục được tất cả thành viên trong Hội đồng sư phạm của đơn vị góp ý.

Với kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn, giáo viên phải liên thông với kế hoạch giáo dục nhà trường đã được phê duyệt và chương trình môn học, thống nhất các nội dung trong kế hoạch giáo dục trước khi trình cấp trên phê duyệt.

Lưu ý xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, ông Võ Văn Bé Hai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre nhấn mạnh việc phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường; đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre đồng thời cho rằng, kế hoạch giáo dục của nhà trường cần thể hiện việc huy động đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có của nhà trường trong kế hoạch giáo dục các môn học, hoạt động giáo dục. Lưu ý việc xây dựng phân phối chương trình các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với tình hình thực tế để phát huy hiệu quả năng lực đội ngũ giáo viên của nhà trường.

Đối với các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn cấp THPT, cần tăng cường xếp các lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, linh hoạt bố trí sĩ số học sinh theo từng lớp học để đáp ứng tối đa nguyện vọng học sinh. Phân công giáo viên và xây dựng thời khóa biểu giữa các lớp học bảo đảm tính khoa học; tổ chức tốt việc tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các môn học, chuyên đề học tập lựa chọn bảo đảm công khai, minh bạch.

Chia sẻ giải pháp của Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa, cô Trần Thị Bích Hạnh cho biết, nhà trường nghiên cứu kỹ kế hoạch giáo dục của năm học trước, rút ra ưu điểm, hạn chế để xây dựng kế hoạch năm sau. Việc phân công chuyên môn hợp lý, phát huy được năng lực sở trường mỗi cá nhân được chú trọng, điều chỉnh kế hoạch kịp thời khi có sự thay đổi. Đồng thời, xác định nguồn lực cụ thể để thực hiện hiệu quả kế hoạch đã xây dựng. Nhà trường tập trung đánh giá, phân loại học sinh từ đầu năm học, cấp học để có biện pháp điều chỉnh kế hoạch môn học, bài học phù hợp, mang dấu ấn từng lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao phần thưởng cho tập thể tham gia tích cực nhất trong Cuộc thi trình bày và sáng tác poster chủ đề "Trẻ em gái làm chủ tương lai".

Trẻ em gái làm chủ tương lai

GD&TĐ - Ngày 12/10, hơn 300 CBQL, giáo viên, học sinh, đại diện cơ quan của Liên Hợp Quốc tham gia sự kiện truyền thông “Trẻ em gái làm chủ tương lai”.