(GD&TĐ)-Ngày 25/6, Ngày hội Gia đình Việt Nam 2011 đã được khai mạc trọng thể tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Hà Nội.
Bữa cơm gia đình-niềm hạnh phúc giản dị (ảnh MH) |
Ngày hội Gia đình Việt Nam 2011 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND Thành phố Hà Nội đồng phối hợp chỉ đạo tổ chức, diễn ra từ ngày 25 đến hết ngày 28/6.
Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam; giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa..
Ngày hội Gia đình Việt Nam 2011 diễn ra nhiều hoạt động như: Chương trình nghệ thuật chào mừng của thiếu nhi thủ đô, lễ phát động xây dựng tủ sách gia đình, đồng diễn thể dục dưỡng sinh của câu lạc bộ người cao tuổi... Đặc biệt, màn biểu diễn trống hội của câu lạc bộ người cao tuổi Hưng Yên đã mở màn cho chương trình “Ngày hội gia đình Việt Nam 2011”.
Với chủ đề “Gia đình Việt Nam với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, Triển lãm giới thiệu những hình ảnh, hiện vật khẳng định các mục tiêu đạt được về củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; thực hiện chính sách pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới...
Nhân dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động phong trào xây dựng tủ sách gia đình. Triển lãm giới thiệu mô hình tủ sách gia đình tiêu biểu của GS-TS Phạm Đức Dương (Hà Nội) với tổng số đầu sách tới 10.398 cuốn; tủ sách của gia đình ông Bùi Đình Thăng (Hưng Yên) với 9.014 đầu sách được tổ chức.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Ban tổ chức “Ngày hội Gia đình Việt Nam” đã phối hợp với Báo An ninh Thủ đô, Báo Gia đình & Xã hội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi “Nói không với bạo lực gia đình”. Đây là cuộc thi do Báo An ninh Thủ đô và Báo Gia đình & Xã hội phát động từ ngày 1-2 đến ngày 15-3-2011 dành cho các em thiếu nhi tại Cung Thiếu nhi Hà Nội và các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội. Cuộc triển lãm diễn ra tại “Ngày hội Gia đình đình Việt Nam” đã trưng bày 60 bức tranh của thiếu nhi Hà Nội được chọn lọc từ hơn 1.000 tác phẩm của 35 trường học trên địa bàn Thủ đô vẽ về nạn bạo hành trong gia đình.
Đánh giá về cuộc thi, Đại tá Đào Lê Bình - Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô cho biết: “Cuộc thi hướng đến các em thiếu nhi, những đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc trong gia đình. Qua những góc nhìn hồn nhiên, chân thật này, người lớn có thể thấy được những suy nghĩ, tình cảm, nhận thức của các em về hiện trạng bạo lực gia đình và những khát khao, mong muốn được sống trong môi trường gia đình êm ấm, hạnh phúc”.
Đồng chí Đại tá Đào Lê Bình - Tổng biên tập Báo ANTĐ trao thưởng cho |
Ban Giám khảo của cuộc thi gồm các nhà chuyên môn do họa sỹ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Mỹ thuật Cung Thiếu nhi Hà Nội làm Trưởng ban đã lựa chọn được 4 giải A, 6 giải B, 10 giải C để trao giải. Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và Gia đình - Tổng biên tập Báo Gia đình & Xã hội nhận định: “Thành công của cuộc thi là hoạt động thiết thực góp phần nâng cao ý thức của toàn xã hội không chấp nhận bạo lực gia đình, vì cuộc sống bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Cuộc thi vừa là sân chơi bổ ích, cơ hội để các em thể hiện sức sáng tạo và ý thức đấu tranh với bạo lực gia đình, đồng thời là dịp khuyến khích tài năng nghệ thuật cho các em hướng tới những giá trị chân thiện mỹ”.
Những bức tranh được treo tại triển lãm lần này đã thể hiện sự sống động, sáng tạo trong tư duy của các em với bố cục và hình tượng độc đáo, nét vẽ hồn nhiên, màu sắc tươi sáng, trong đó nhiều bức tranh đã thực sự gây xúc động cho người xem như: Nỗi sợ của mèo con, Xin mẹ đừng đánh con, Bố đừng đánh mẹ con, Bố ơi con xin bố…
Triển lãm cũng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ với chủ đề “Nối nghiệp cha ông”; giới thiệu 12 gương mặt nghệ nhân tiêu biểu với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cha truyền con nối trên các lĩnh vực mây tre đan, đúc đồng, thêu ren, gốm sứ, mỹ nghệ kim hoàn...
Ngày hội gia đình 2011 cũng là hoạt động kỷ niệm 10 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2011) và nhằm tiếp tục đẩy mạnh, triển khai chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030.
Phương Nguyên