Xây dựng được một lý thuyết hoàn chỉnh về triết lý giáo dục

GD&TĐ - Sáng nay 5/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Hội đồng khoa học cấp nhà nước (Bộ GD&ĐT) đã họp đánh giá kết quả thực hiện Đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại”.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại phiên họp.

Đề tài “Triết lý giáo dục Việt Nam - từ truyền thống đến hiện đại” thuộc Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, được giao chủ trì thực hiện, do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm làm chủ nhiệm. Đến nay, Đề tài đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu theo đăng ký tại Thuyết minh đã được phê duyệt. Kết quả nghiên cứu của Đề tài được công bố ở các bài báo khoa học chuyên ngành có uy tín. Đề tài đã đào tạo thành công 4 thạc sĩ và hỗ trợ đào tạo 1 nghiên cứu sinh.

Theo đánh giá chung, Đề tài đã có những đóng góp khoa học, lần đầu tiên xây dựng được một lý thuyết hoàn chỉnh về triết lý giáo dục, bao gồm bộ máy khái niệm, bộ tiêu chí nhận diện cùng các đặc trưng phổ quát và đặc thù của triết lý giáo dục, phân loại triết lý giáo dục, cấu trúc bên ngoài và bên trong của triết lý giáo dục, đề xuất mô hình vận động tổng hợp đa chiều kích của triết lý giáo dục, xác định phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu triết lý giáo dục.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ nhiệm đề tài trình bày tại phiên họp.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Chủ nhiệm đề tài trình bày tại phiên họp.

Đề tài vận dụng lý thuyết đã xây dựng để nghiên cứu và so sánh triết lý giáo dục ở hai khu vực phương Tây (thuộc loại hình văn hóa thiên về dương tính) và Đông Bắc Á (thuộc loại hình văn hóa trung gian) về quá trình phát triển tư tưởng triết lý giáo dục, đối chiếu triết lý giáo dục kỳ vọng với triết lý giáo dục thực tế, xác định và lý giải những thành công và hạn chế.

Đồng thời nghiên cứu triết lý giáo dục Việt Nam trong truyền thống và giai đoạn hiện đại. So sánh triết lý giáo dục Việt Nam (thuộc khu vực Đông Nam Á và loại hình văn hóa thiên về âm tính) với triết lý giáo dục ở hai khu vực phương Tây và Đông Bắc Á để lý giải những thành công và hạn chế của triết lý giáo dục Việt Nam và hiệu quả của nó qua các giai đoạn; đánh giá tác động của nó đối với xã hội và hoạt động giáo dục - đào tạo;

Đề tài đã đưa những đề xuất xây dựng hệ thống triết lý giáo dục Việt Nam mới, bao gồm triết lý giáo dục tổng thể và các triết lý giáo dục thành phần. Đề xuất hệ thống các giải pháp về chính sách giáo dục, tổ chức giáo dục, văn hóa giáo dục, hạ tầng giáo dục tạo môi trường hiện thực hóa triết lý giáo dục, làm thay đổi nhận thức và hành động trong hoạt động giáo dục, quản lý và phát triển giáo dục.

Các nhà khoa học góp ý kiến phản biện.
Các nhà khoa học góp ý kiến phản biện.

Những kết quả nghiên cứu đã giúp lãnh đạo ngành có cơ sở lý luận giải đáp những vấn đề mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân đặt ra liên quan đến giáo dục và triết lý giáo dục; đưa vào áp dụng trong việc thực hiện Nghị quyết 29-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, làm nền tảng cho việc hoạch định chính sách giáo dục, xây dựng chương trình, sách giáo khoa, và hoàn thiện phương pháp giáo dục.

Cung cấp một cơ sở khoa học khá toàn diện về triết lý giáo dục để căn cứ vào đó, các cơ sở GD-ĐT có thể vận dụng để xây dựng những triết lý giáo dục bộ phận phù hợp với điều kiện và nhu cầu giáo dục cụ thể của đơn vị, địa phương mình; Mở ra những hướng đi mới trong việc nghiên cứu triết lý và triết học giáo dục, góp phần xây dựng một nền triết học giáo dục Việt Nam và đóng góp cho nghiên cứu triết học giáo dục thế giới.

Một số sản phẩm của Đề tài đã được Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Đại học Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh tiếp nhận, sử dụng (có xác nhận bằng văn bản về việc ứng dụng kết quả nghiên cứu).

Ý kiến phản biện từ các nhà khoa học độc lập đều đánh giá tính thực tiễn của đề tài, đây là đề tài quốc gia, làm trong một thời gian ngắn, việc thực hiện, hoàn thiện các hạng mục đều đạt được, chỉ có một chút chưa hoàn hảo. Đó là các bài báo quốc tế, nhưng với đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn là điều khó. Kết quả đạt được của đề tài thật đáng trân trọng. Đề tài đã thể hiện tính nghiêm túc, chuyên nghiệp và khoa học, cái khó của đề tài là lĩnh vực khoa học xã hội có những yếu tố chủ quan, có những vấn đề gây tranh cãi. 

Đồng quan điểm với các chuyên gia phản biện, Thứ trường Nguyễn Văn Phúc cũng đề nghị nhóm nghiên cứu làm rõ khái niệm và một số từ ngữ chuẩn hơn, liên quan đến khung tham chiều đã đủ và khoa học chưa, đặc biệt là việc gắn với cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 tác động thế nào. Phân loại nhóm sao cho hợp lý đối với Việt Nam, trong đó có việc chia các giai đoạn lịch sử. Nếu chúng ta chưa đủ bằng chứng khoa học thì kiến nghị là chủ quan. Cần phải có đủ lý luận khoa học. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.