Xây dựng đề kiểm tra đáp ứng yêu cầu đổi mới

GD&TĐ - Đầu năm học 2022 - 2023, việc xây dựng đề kiểm tra giúp người học phát triển năng lực, phẩm chất được các nhà trường quan tâm, triển khai.

Cô trò Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại
Cô trò Trường THCS Thăng Long (quận Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Thực hiện nghiêm túc quy trình

Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tới đội ngũ về xây dựng đề kiểm tra. Chia sẻ của cô Nguyễn Ngọc Thuý, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, các tổ chuyên môn chủ động đề xuất hình thức ra đề, xây dựng phương án kiểm tra, chủ động trong việc lựa chọn nội dung đề bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình; đánh giá khách quan, toàn diện năng lực, phẩm chất của HS; hướng tới xây dựng ngân hàng đề kiểm tra.

Với môn Ngữ văn, cô Nguyễn Ngọc Thúy cho biết: Để đáp ứng mục tiêu đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, trước hết cần nắm vững yêu cầu cần đạt của chương trình để xây dựng ma trận, bản đặc tả khi kiểm tra, đánh giá. Nên xác định rõ các kỹ năng cần kiểm tra trong đánh giá thường xuyên và định kỳ.

Cụ thể, trong đánh giá thường xuyên, cần kiểm tra cả bốn kỹ năng đọc, viết, nói và nghe; qua đó kịp thời nắm bắt năng lực học sinh, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy nếu cần thiết. Em yếu kỹ năng nào, giáo viên bồi dưỡng thêm. Khi kiểm tra có thể linh động về thời gian (15, 20, 30 phút…), hình thức (tự luận, trắc nghiệm), địa điểm kiểm tra (trên lớp, ở nhà)…

Trong đánh giá định kỳ, ra đề tập trung đánh giá hai kỹ năng đọc và viết. Để đánh giá học sinh theo tiếp cận năng lực, tránh văn mẫu, giáo viên cần sử dụng các ngữ liệu ngoài SGK (ngữ liệu này cần tương đương về thể loại, dung lượng, độ khó với các văn bản mà học sinh đã học); kết hợp linh hoạt các hình thức kiểm tra tự luận, trắc nghiệm; có thể kết hợp kênh chữ và kênh hình. Đồng thời, chú trọng khâu trả bài kiểm tra.

Cũng chú trọng công tác ra đề, cô Trương Thị Cẩm Thuý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ), thông tin: Nhà trường giao các tổ, nhóm chuyên môn dự kiến nội dung, số lượng câu hỏi, hình thức và thời lượng làm bài khi thực hiện kiểm tra.

Với đánh giá bằng điểm số thông qua bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, đề kiểm tra phải được thực hiện theo đúng quy trình gồm: Xây dựng ma trận; đặc tả câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan hoặc trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận biên soạn theo mức độ cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục; viết câu hỏi theo ma trận; biên soạn đề, đáp án, hướng dẫn chấm; tổ chức phản biện; biên soạn đề chính thức; phê duyệt của tổ chuyên môn.

Với kiểm tra, đánh giá bằng bài thực hành, thuyết trình hoặc dự án học tập: Yêu cầu cần đạt phải được hướng dẫn cụ thể bằng bảng điểm phù hợp với 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Xây dựng tiêu chí chấm điểm, đánh giá cụ thể.

Cô trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) trong giờ học.

Cô trò Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) trong giờ học.

Xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề

Tại Bắc Giang, ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Sở GD&ĐT đã yêu cầu các nhà trường chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn xây dựng ma trận, đặc tả ma trận đề kiểm tra chung cho toàn trường (bài kiểm tra định kỳ của các môn học ở từng khối/lớp). Nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Sở GD&ĐT cũng lưu ý thực hiện đánh giá thường xuyên trực tiếp hoặc trực tuyến với nhiều hình thức: Hỏi - đáp, viết; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở ghi hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc HS báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, chủ đề, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập...

Tổ chức kiểm tra định kỳ được thực hiện thông qua: Bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) hoặc bài thực hành, dự án học tập. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra các môn học phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Với Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến, Giám đốc Sở GD&ĐT, nhấn mạnh việc khuyến khích nhà trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề kiểm tra. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện kiểm tra định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù.

“Nhà trường xây dựng đề kiểm tra chú trọng đến đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh. Không kiểm tra đánh giá vượt quá yêu cầu cần đạt hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Tổ chức kiểm tra với nhiều hình thức như trên giấy gồm tự luận và trắc nghiệm, bài thuyết trình, bài thực hành hoặc dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh. Xây dựng phương án kiểm tra trực tuyến (dự phòng) trên trang tracnghiemonline.vn” - cô Trương Thị Cẩm Thuý cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.