Xây dựng chương trình Lịch sử theo định hướng phát triển năng lực

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ GD&ĐT nên xây dựng chương trình đào tạo đối với bộ môn Lịch sử theo hướng mới, kích thích học sinh học tập và phải nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về lịch sử dân tộc, cử tri cho rằng tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 và điểm thi đối với môn Lịch sử là rất thấp.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Về môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết số 51/2017/QH14 ngày 21/11/2017 của Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình, sách giáo khoa mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.

Trong đó, nội dung giáo dục lịch sử theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh, tập trung vào những nội dung lịch sử cơ bản, cốt lõi của lịch sử dân tộc, thế giới qua đó giáo dục học sinh lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống.

Về điểm thi môn Lịch sử trong Kỳ thi THPT quốc gia, theo Bộ GD&ĐT, do xu thế hiện nay các môn Khoa học xã hội trong đó có môn Lịch sử ít được học sinh lựa chọn để thi vào các ngành/trường đại học. Để khắc phục tình trạng trên, trong năm học 2018 - 2019, Bộ chỉ đạo tăng cường việc dạy học và việc ra đề thi đảm bảo những yêu cầu cơ bản của chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo sự phân hóa đúng mức các đối tượng học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ