Xấu hổ vì sở thích “chém gió” của chồng

GD&TĐ -Vừa chân ướt chân ráo đi làm đã vội cưới, chúng tôi phải ở chung với bố mẹ. Chồng tôi chẳng dễ chịu chút nào với việc này, anh thường xuyên cho rằng ở rể như “chó chui gầm chạn” nên hễ mở miệng là đòi ra ở riêng. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không biết bao nhiêu lần tôi giải thích với anh rằng điều kiện kinh tế hai vợ chồng không cho phép, thu nhập của anh mỗi tháng chỉ 3-4 triệu, của tôi nhỉnh hơn chút ít, nhưng nếu ra ngoài thuê nhà, tháng mất 2 triệu, lại còn ăn uống chi tiêu, xăng xe đi lại thì chẳng còn dư đồng nào, thậm chí còn thiếu, tôi khuyên anh ở lại nhà tôi cho đỡ phải thuê, ăn uống cùng ông bà cũng đỡ tốn kém.

Bản thân tôi chưa từng coi thường chồng khi mà bạn bè tôi ai cũng có gia đình sang trọng, chồng giàu có, tài giỏi. Chỉ là, tôi buồn khi thấy chồng mình không có tiền nhưng lại không có chí và vô cùng sĩ diện, anh chỉ giỏi vẽ ra trước mắt một thế giới trong mơ, nhưng chẳng bao giờ lên kế hoạch để thực hiện nó. Trong khi đó, tôi cố gắng từng ngày, đi làm, cặm cụi vun vén mọi việc. Hoàn thành công việc chính, tôi lại lăn xả buôn bán để kiếm thêm, lúc nào cũng mong gia đình mình có thêm thu nhập, sau này còn tính toán những chuyện to tát hơn.

Được nương tựa bố mẹ nhưng mỗi tháng hai vợ chồng phải chi trả rất nhiều khoản. Từ tiền ăn, tiền điện, tiền nước, rồi đến những khoản lặt vặt khác. Nhiều khi tôi đau đầu vì không biết lúc có con rồi, cuộc sống của vợ chồng tôi sẽ ra sao. Nhiều đêm tôi trằn trọc, hoang mang vô cùng, tôi gầy rộc vì thiếu ngủ và stress. Còn anh, ngày nào cũng ăn vận bảnh bao, đầu tóc bóng mượt, 2 tay đút túi quần, anh cứ thế nhởn nha với cuộc sống có vẻ rất “sang chảnh” của mình.

Anh cũng chưa bao giờ nhìn nhận thẳng thắn về thực lực của mình, lúc nào cũng tỏ ra mình là người giỏi giang không thua kém gì ai. Lương ba cọc ba đồng nhưng đi ra ngoài, gặp bạn bè của tôi hay bạn bè của anh, anh đều nói rằng, anh đi làm ở một công ty lớn, lương tháng vài ngàn đô. Nghe anh nói mà tôi phát ngượng. Trước khi cưới, tôi  không hề hay biết anh sĩ diện đến mức ấy. 

Có hôm tôi hỏi anh: “Anh nổ quá trời như thế để làm gì?”. Anh hồn nhiên cười, bảo: “Có mất gì đâu mà không nói vậy. Nói vậy, người ta nghĩ mình giàu, có công việc tốt, người ta sẽ cho mình những cơ hội tốt”. Cơ hội tốt chưa thấy đâu, tôi chỉ biết chưa ít lần anh làm tôi muốn tìm lỗ nẻ để chui cho đỡ xấu hổ.

Tôi nhớ có lần, anh và tôi cùng đi chơi với bạn bè, hôm đó là sinh nhật một cô bạn học cùng cấp 3 với tôi. Nhìn anh sáng láng nhất bữa tiệc, ai cũng xúm vào hỏi anh làm gì, anh nói làm ở công ty nước ngoài, rồi lương cao khủng, có nhiều mối quan hệ. Chẳng biết anh lôi ở đâu ra cả tá những người có tiếng, rồi nói là anh quen biết này nọ, rồi chém gió cho họ tin “sái cổ”. Có lúc anh lại khoe nhà mình rộng, to cả 100 mét vuông, rồi trong nhà nội thất sang trọng này nọ. Anh còn nói mình có xe hơi nhưng thật ra, vợ chồng tôi, đến cái xe tử tế cũng không có.

Có hôm đi chơi với anh em ở cơ quan, vì lỡ miệng “nổ” rằng mình có xe hơi nên anh lóe ra ý tưởng thuê xe tự lái rồi nói là xe nhà mình. Ngồi nghe anh chém, mặt tôi đỏ như gấc nhưng cũng không thể làm anh xấu hổ trước mặt bạn bè. 

Khi về nhà, tôi cố gắng nói cho anh hiểu rằng không nên như thế, sau này mọi người biết sẽ nghĩ vợ chồng mình thế nào, thậm chí có thể họ sẽ nghĩ tôi là người tiếp tay cho anh… Nhưng anh bỏ ngoài tai những lời tôi nói: “Kệ, chả sao cả, cứ nói mình có nhà cửa rộng rãi, còn hơn là nói mình đang ở rể, người ta cười cho thối mũi”. Anh còn trách tôi không thức thời. 

Tôi chán nản và mệt mỏi vì không hiểu cái tính sĩ diện hão của anh manh nha từ khi nào mà bây giờ ngày càng nặng. Giá như anh sĩ diện nhưng anh tu chí thì lại là một nhẽ. Nhưng đằng này, anh chỉ giỏi chém gió. Tôi vất vả, nai lưng, tiền lương một mình tôi chi tiêu bao nhiêu thứ, còn tiền của anh, anh chỉ giữ cho bản thân, bảo để lo chuyện quan hệ làm ăn.

Kể cả những lần về quê anh, tôi buồn và thất vọng vô cùng khi chứng kiến anh nói dối và chém gió với cả bố mẹ đẻ của mình, thậm chí là anh chị em ruột trong nhà. Tôi thật sự không còn lời nào để nói về anh. Nhiều lúc nghĩ đến cảnh tôi sinh nở mà không đủ tiền mua sữa, bỉm, áo quần… cho con, tôi căng thẳng tột độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.