Xác ướp thiền sư còn nguyên răng trên dãy Himalaya

Spiti, một khu vực hẻo lánh trên dãy Himalaya, là nơi lưu giữ xác ướp 500 năm tuổi của một thiền sư. Ông có thể đã thực hiện quá trình nhịn ăn và nhai thực phẩm độc để tự ướp xác.

Xác ướp của thiền sư Sangha Tenzin còn nguyên vẹn đến ngày nay.
Xác ướp của thiền sư Sangha Tenzin còn nguyên vẹn đến ngày nay.

Trong ngôi làng nhỏ Gue cách biên giới Tây Tạng 9 km, xác ướp của thiền sư Sangha Tenzin sống ở thế kỷ 15 vẫn còn nguyên vẹn trong tư thế ngồi bó gối sau lớp kính mỏng. Xác ướp được phát hiện vào năm 1975 khi tháp chứa hài cốt vị sư bị sụp trong một trận động đất.

Kể từ sau đó, cơ thể thiền sư hầu như không có dấu hiệu bị hủy hoại dù tiếp xúc với nhiều chất trong không khí và không có sự can thiệp của con người.

Giáo sư Victor H Mair đến từ Bảo tàng khảo cổ và nhân chủng học thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ, đã so sánh giữa Sangha Tenzin và các nhà sư Yamagata ở miền bắc Nhật Bản, để tập hợp các dẫn chứng về một quá trình được đặt tên là thuật tự ướp xác. 

Đây là nghi thức diễn ra giữa thế kỷ 11 và 19 do những cao tăng có đạo hạnh và đức tin cao ở Yamagata thực hiện. Theo đó, họ sẽ nhịn đói đến khi chết từ từ nhằm đạt tới cảnh giới cao nhất.

Các nhà sư Yamagata tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn chay, chỉ bao gồm rễ cây, các loại hạt và thảo mộc nhằm loại bỏ hoàn toàn nguồn dự trữ chất béo trong cơ thể. 

Quá trình này có thể kéo dài từ vài tháng đến 10 năm. Trong thời gian đó, các nhà sư cũng nhai hạt mè độc và nhựa cây sơn, có tác dụng thúc đẩy nôn mửa, khiến độ ẩm bốc hơi khỏi cơ thể và ngăn chặn những loài côn trùng ăn xác thối. 

Trước khi nhà sư chết, cơ thể đã trở nên trống rỗng và các cơ quan nội tạng thu nhỏ tới mức phần xác khô sẽ không bị mục rữa, giúp giữ nguyên hình dáng bên ngoài và hoàn thiện quá trình ướp xác tự nhiên.

Tenzin đã áp dụng một quy trình tương tự như các cao tăng Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu của Mair đã phát hiện lượng nitơ còn lưu lại ở nồng độ cao trong cơ thể ông – bằng chứng chỉ ra việc nhịn đói trong thời gian dài. 

Hoạt động ngồi thiền cũng đóng vai trò quan trọng bởi có dấu vết một vòng dây đai bao quanh cổ và đùi Tenzin, giúp cơ thể duy trì tư thế trước lúc chết.

Ngoài xác ướp của thiền sư Tenzin, các nhà khoa học còn tìm thấy hai xác ướp khác ở tu viện Thiksey thuộc vùng Ladakh, Ấn Độ và xác ướp tự nhiên còn nguyên vẹn của một nhà sư sống cách đây 200 năm ở Mông Cổ.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ