Họ đòi phía Nhật phải bồi thường vì kế hoạch đổ nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển.
Theo hãng tin Yonhap, Liên đoàn Quốc gia các hợp tác xã ngư dân đảo Jeju và hiệp hội chủ tàu đã đòi Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện Tokyo phải bồi thường 10 triệu won (8.800 USD) mỗi ngày. Việc xả nước thải từ Fukushima chưa diễn ra, song phía ngư dân Hàn Quốc cho rằng, họ đã bắt đầu gánh chịu các thiệt hại.
Từ tháng Tư, Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ sẽ đổ hơn 1 triệu tấn nước từ nhà máy Fukushima ra biển. Nhà máy bị phá hủy trong trận động đất và sóng thần kinh hoàng năm 2011.
Công ty Điện Tokyo đã thu gom hơn 1 triệu tấn nước ô nhiễm ở nhà máy Fukushima, chứa trong những két nước lớn ở ngay nhà máy và cho biết, họ sẽ hết chỗ chứa vào năm 2022, vì vậy họ sẽ xử lý hầu hết chất phóng xạ trong nước và xả nước ra biển, bắt đầu trong 2 năm tới.
Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga nói việc xả nước là không thể tránh khỏi trong tiến trình lâu dài nhằm tháo dỡ nhà máy Fukushima. Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA đã phê duyệt việc xả nước và cho rằng nó giống như việc xả nước ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Mặc dù Nhật cam kết nước xả an toàn và IAEA đã phê chuẩn, song kế hoạch của Nhật khiến các nước láng giềng cực kỳ lo ngại, mà động thái mạnh mẽ nhất là từ phía Hàn Quốc.
Ngay sau đó, Hàn Quốc triệu tập Đại sứ Nhật Bản Koichi Aiboshi để thể hiện sự phản đối. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra lệnh cho các quan chức xem xét khả năng đưa vụ này ra Tòa án quốc tế Luật Biển.
Một làn sóng bất bình mạnh mẽ đã dấy lên ở Hàn Quốc. Các chính trị gia, quan chức các địa phương, ngư dân và các tổ chức môi trường Hàn Quốc đã tiến hành hàng loạt cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul và các Tổng lãnh sự quán Nhật ở thành phố cảng Busan và đảo Jeju.
Liên minh gồm 25 tổ chức ngư dân Hàn Quốc gửi thư phản đối đến sứ quán Nhật yêu cầu bãi bỏ quyết định xả nước, và thúc giục Chính phủ Hàn Quốc cấm nhập hải sản từ Nhật. Họ nói rằng công nghiệp đánh cá Hàn Quốc “chịu thiệt hại nghiêm trọng, do mọi người lo ngại khả năng hải sản nhiễm phóng xạ”.
Đảng Công lý – một đảng đối lập nhỏ ở Hàn Quốc cùng khoảng 30 tổ chức môi trường và chống hạt nhân đã gọi hành động của Nhật Bản là “khủng bố hạt nhân”, và gửi đến Đại sứ quán Nhật Bản một danh sách chữ ký của hơn 64.000 người từ 86 nước được thu thập từ tháng Hai để phản đối.
Hàn Quốc cũng bày tỏ với Mỹ sự lo ngại của mình sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng quyết định của Nhật Bản là “minh bạch” và phù hợp các tiêu chuẩn toàn cầu. Trong điện đàm với các quan chức Trung Quốc về các vấn đề biển sau đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng thể hiện sự lo ngại về kế hoạch xả nước từ nhà máy Fukushima ra biển.
Phía Trung Quốc hồi cuối tháng Tư vừa qua đã gọi kế hoạch xả nước của Nhật là “rất vô trách nhiệm, có thể tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và an toàn của công chúng quốc tế, cũng như lợi ích quan trọng của người dân các nước láng giềng”. Trung Quốc cho rằng, Nhật đã không đếm xỉa đến sự nghi ngờ và phản đối trong cũng như ngoài nước.
Việc phản đối của Hàn Quốc, Trung Quốc ở đây không chỉ mang tính chính trị do những bất đồng âm ỉ về lịch sử, lãnh thổ giữa các nước láng giềng này với Nhật Bản. Vấn đề hạt nhân luôn nhạy cảm với những quan ngại về môi trường trên khắp thế giới.
Nhật Bản, nước có tiêu chuẩn cao và công nghệ cao về hạt nhân, cũng bị động không thể xử lý hết mọi vấn đề sau thiên tai kinh hoàng năm 2017, vì thế không thể nói những lo ngại của Hàn Quốc hay Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia ven biển nào ở Thái Bình Dương là không có cơ sở.
Nhật Bản đã từng gánh chịu thảm họa bom hạt nhân trong lịch sử vào năm 1945, vì vậy họ càng phải tính đến những bài học quá khứ để hành xử có trách nhiệm với vấn đề hạt nhân trong hiện tại.
Ngay cả ngư dân Nhật cũng phản đối kế hoạch của chính phủ do lo ngại rằng, việc xả nước từ nhà máy Fukushima sẽ làm tổn hại những nỗ lực suốt nhiều năm qua để khôi phục tiếng tăm của hải sản Nhật sau thảm họa Fukushima, cũng như việc xuất khẩu hàng hóa của Nhật.