Nhiều kết quả quan trọng
Ngày 18/6, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012 - 2020” (Đề án). Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị.
“Sau 8 năm triển khai, Đề án đạt được nhiều kết quả quan trọng”. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định điều này và cho biết: Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT có chuyển biến tích cực. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tăng cường. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên tiếp tục được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân.
Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, trực tuyến, trên truyền hình và từng bước xây dựng các khóa học trực tuyến mở đại chúng. Các thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia cung ứng chương trình học tập suốt đời (HTSĐ) và tổ chức chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình. Việc triển khai mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng tăng hàng năm. Trong 4 mục tiêu chính, Đề án đã đạt được 2 mục tiêu lớn là “Xoá mù chữ và phổ cập giáo dục”, “Học tập để hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn”…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng cũng cho biết: Quá trình thực hiện Đề án còn một số hạn chế. Trong đó, nhận thức và trách nhiệm đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở một số địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị… còn chưa đồng bộ, đúng mức. Công tác đào tạo, bồi dưỡng ở một số nơi chưa gắn với yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chức danh mà cán bộ, công chức đảm nhiệm.
Các hoạt động HTSĐ ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục ĐH trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT còn hạn chế...
Dù còn những điểm cần khắc phục nhưng các đại biểu dự Hội nghị đều thống nhất kết quả đạt được từ 8 năm triển khai Đề án rất lớn. Bày tỏ ấn tượng với kết quả đạt được của Đề án 89, ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo - Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Chúng ta đã thành công trong thực hiện xoá mù chữ và phổ cập giáo dục. Còn theo ông Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thành công cơ bản của Đề án là tạo nên mô hình XHHT ở cấp cơ sở. Việc hình thành được mô hình XHHT ở cấp xã là bước đi chiến lược chỉ có ở Việt Nam.
Tận dụng tối đa công nghệ số
Với những thành quả đạt được, để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quan điểm chỉ đạo, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT, việc có một đề án mới trong giai đoạn tới là vô cùng cần thiết. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin: Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì xây dựng và đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021 - 2030”.
Mục tiêu là đến năm 2030, mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục suốt đời có chất lượng; góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng cuộc cách mạng 4.0.
Đưa kiến nghị chung liên quan đến thực hiện Đề án quốc gia về xây dựng XHHT trong thời gian tới, ông Toshiyuki Matsumoto, Trưởng chương trình giáo dục, Văn phòng UNESCO Hà Nội cho rằng: Các sáng kiến về xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ sẽ đóng vai trò quan trọng với sự phát triển công bằng và bền vững của Việt Nam trong tương lai.
Để tăng cường hơn nữa thành công của các sáng kiến hiện có, Việt Nam có thể xem xét đưa khái niệm “biết chữ chức năng” vào các chương trình liên quan của mình; cũng như thu thập dữ liệu cần thiết, bao gồm tỷ lệ đi học, hoàn thành lớp học xóa mù chữ, chất lượng đầu vào và quy trình, chi phí của các chương trình và thước đo kết quả học tập hướng tới một hệ thống quản lý hiệu quả hơn.
Ông Toshiyuki Matsumoto cũng nhìn nhận vai trò quan trọng của việc các đối tác của khu vực tư nhân phải tham gia vào chương trình nghị sự về HTSĐ của Việt Nam. Cùng với đó, Chính phủ ở cấp Trung ương là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc hình thành chiến lược xây dựng XHHT; nhưng để thay đổi lâu dài đòi hỏi sự cam kết của cấp địa phương.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo - Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh: Chuẩn bị cho Đề án 10 năm tiếp theo, cần thay đổi tư duy; mạnh dạn và bắt đầu đầu tư xây dựng nền tảng số. Huy động các nhà khoa học, nhà công nghệ, chuyên gia, lao động giỏi và những người có khả năng đóng góp nguồn lực để xây dựng kho tư liệu phong phú.
“Giờ ta phải xoá mù chức năng chứ không phải xoá mù chữ nữa, vì xoá mù chữ đã cơ bản thực hiện được. Chỉ có thể sử dụng công nghệ mới đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn mới. Tại hội nghị này, chúng ta bắt đầu đổi mới tư duy, đổi mới cách làm; trên cơ sở tận dụng tối đa công nghệ số và huy động mọi nguồn lực đóng góp vào kho tàng tri thức trên không gian mạng” - ông Nguyễn Đắc Hưng nhấn mạnh.