Xã hội hóa thể thao: Cứ đi rồi sẽ thành đường

GD&TĐ - Xã hội hóa thể thao được xác định là giải pháp, hướng đi rất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ cho vận động viên.

Xã hội hóa thể thao được xác định là giải pháp, hướng đi rất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, chế độ cho vận động viên, bởi muốn phát triển thể thao, nhất là thành tích cao thì không chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước.

Từ chuyện nữ cơ thủ “kêu khổ”

Ngày 15/9, nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi đã đăng tải những “góc khuất” về tài chính lên trang Facebook cá nhân. Theo đó, cô đề cập đến việc phải đóng 500 nghìn đồng để được trở thành thành viên của Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam.

Bên cạnh đó, mỗi người còn phải đóng thêm 200 nghìn đồng để làm thẻ thành viên, tổng số tiền là 700 nghìn đồng. Ngoài ra khi thi đấu các giải do Liên đoàn này tổ chức, Yến Nhi cũng phải đóng lệ phí tham dự.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ Nguyễn Hoàng Yến Nhi sau khi nữ cơ thủ này lên tiếng về việc bỏ tiền túi dự giải thế giới tại Pháp. Ảnh chụp Facebook nhân vật.

Chuyện không chỉ có thế. Tháng 8/2024, Yến Nhi và Phùng Kiện Tường nhận thông tin được tham dự Giải billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới tại Pháp. Tuy nhiên, Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam thông báo sẽ không cung cấp kinh phí cho 2 vận động viên này. Thay vào đó, đơn vị chủ quản của họ sẽ phải chi trả.

Nhưng với lý do giải đấu này không nằm trong kế hoạch từ đầu năm, nên đơn vị chủ quản của Yến Nhi (Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng) và Kiện Tường (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) không có tiền hỗ trợ. Vì vậy, 2 cơ thủ phải bỏ tiền túi với chi phí là 55 triệu đồng/người tham dự giải đấu tại Pháp.

Yến Nhi cho biết thêm, đây là lần thứ 3 cô có mặt tranh tài tại Giải vô địch thế giới, nhưng là lần đầu tiên phải tự lo kinh phí.

“Những lần trước, tôi luôn được đơn vị chủ quản chi trả kinh phí. Nhưng từ khi Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam được thành lập (năm 2022, PV), việc thi đấu quốc tế phụ thuộc vào Liên đoàn. Năm nay, để có suất dự giải thế giới thì chúng tôi phải thi đấu ở giải quốc gia trước, diễn ra vào tháng 8.

Sau khi có thành tích tốt ở giải này, tôi mới biết mình được tham dự Giải vô địch thế giới. Điều tôi bức xúc là vì sao Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam đã thu tiền thành viên nhưng lại không hỗ trợ được bất kỳ phần nào cho chúng tôi đi thi đấu”, nữ cơ thủ chia sẻ.

Đáng chú ý, tuy Yến Nhi đem về kỳ tích là tấm Huy chương Đồng billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới, song cô lại không có… tiền thưởng.

Đại diện Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam thông tin, nếu là nguồn thưởng từ Cục TDTT (Bộ VH,TT&DL) phải hội đủ 3 điều kiện: Thứ nhất các đội thể thao khi thi đấu quốc tế phải có quyết định tập huấn, thứ hai phải có quyết định cử đi thi đấu quốc tế của Cục TDTT, thứ ba phải có thành tích, rồi mới được xem xét thưởng.

Với trường hợp của Yến Nhi, do Liên đoàn Billiards thế giới thông báo quyết định mời vận động viên Việt Nam tham dự khoảng 2 - 3 tháng trước khi giải thế giới khởi tranh, nên Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam không đủ thời gian làm văn bản gửi Cục TDTT để xin quyết định tập huấn và thi đấu nước ngoài theo đúng quy định.

Khoản thưởng dành cho Yến Nhi từ ngân sách không có, bởi vướng mắc vì thủ tục hành chính. Vậy Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam có thưởng cho thành viên giành giải thế giới không? Thưởng “nóng” như một số hiệp hội, liên đoàn khác không? Đại diện Liên đoàn này cho biết, họ chỉ có thể thưởng cho vận động viên nếu kêu gọi được tài trợ.

Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn và từ trước đến nay, Liên đoàn không có quy định về việc hỗ trợ cho vận động viên tham dự các giải quốc tế. Việc có hỗ trợ được hay không, phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính của họ ở từng thời điểm khác nhau.

xa-hoi-hoa-the-thao-cu-di-roi-se-thanh-duong-4966.jpg
Nguyễn Hoàng Yến Nhi (thứ 2 từ phải qua) giành Huy chương Đồng Giải billiards carom 3 băng nữ vô địch thế giới 2024. Ảnh: Facebook nhân vật.

Đến chuyện của ngành Thể thao

Bên cạnh cách hành xử còn gây tranh cãi, mà theo như đại diện Liên đoàn Billiards & Snooker Việt Nam nêu quan điểm rằng, lẽ ra trước khi đưa sự việc lên mạng xã hội, các kênh truyền thông không chính thống, vận động viên (Yến Nhi, PV) nếu có điều chưa hài lòng, hãy trao đổi trực tiếp với Liên đoàn để tháo gỡ và các bên hiểu nhau hơn, thì bản chất của vấn đề chính là câu chuyện nguồn thu của nhiều liên đoàn, hiệp hội thể thao hiện đang rất khó khăn. Và đây cũng là vấn đề mang tính chiến lược chưa có lời giải của ngành Thể thao.

Đầu năm nay, câu chuyện Cục TDTT bị siết các khoản chi ngân sách không dừng lại ở… tin đồn nữa. Bộ VH,TT&DL đã thể hiện điều đó bằng văn bản. Cụ thể, trong báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Bộ VH,TT&DL, mục chi sự nghiệp thể dục thể thao ở mức 826,7 tỷ đồng.

Con số này thấp hơn nhiều so với dự toán năm 2023 (893 tỷ đồng) và quyết toán năm 2022 (1.242 tỷ đồng). Xét về mặt cơ học, năm nay thể thao Việt Nam chỉ có một đấu trường lớn là Olympic, số lượng vận động viên tham gia ít, thành tích là con số 0. Điều đó theo tính toán truyền thống, ngành Thể thao không phải chi nhiều như 2 năm 2022 - 2023, thời điểm diễn ra SEA Games và ASIAD.

Nhưng sâu xa hơn, Bộ VH,TT&DL muốn “nhắc nhở” lãnh đạo ngành Thể thao cần sử dụng nguồn ngân sách hiệu quả, tránh đầu tư tràn lan và đặc biệt, bằng nhiều cách cần phải huy động các nguồn xã hội hóa.

Nhiều môn thể thao của Việt Nam có thể huy động nguồn xã hội hóa theo hướng tổ chức giải đấu, kêu gọi tài trợ và các hoạt động xã hội khác. Việc này được thực hiện qua các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.

Ngoài bóng đá với lợi thế “trời cho”, thì nhiều môn thể thao khác đã có được thành công ở những mức độ khác nhau khi huy động nguồn lực bên ngoài, như Golf, bóng chuyền, bóng rổ, võ tổng hợp (MMA)…

Bắn súng cũng giành thành quả nhất định từ hoạt động xã hội hóa. Ở giải vô địch bắn súng châu Á 2024, nơi Lê Thị Mộng Tuyền giành vé tham dự Olympic, đội tuyển bắn súng Việt Nam có mặt trước giải 2 tuần. Toàn bộ kinh phí của đội trong khoảng thời gian này do một doanh nghiệp tài trợ.

Mới đây, thông qua nhà tài trợ, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng treo mức thưởng cụ thể cho các loại huy chương giành được tại Olympic 2024 gồm: 500 triệu đồng cho Huy chương Vàng, 300 triệu đồng cho Huy chương Bạc và 200 triệu đồng cho Huy chương Đồng. Ngoài ra, còn rất nhiều hiện vật giá trị, đơn cử như nếu xạ thủ giành Huy chương Vàng sẽ nhận 1 tivi TCL 115 Inch X955 trị giá khoảng 700 triệu đồng.

Mặc dù vậy, xã hội hóa thể thao vẫn luôn là vấn đề nan giải với ngành Thể thao. Trong các môn thể thao thành tích cao, điền kinh đã được yêu cầu xây dựng Chiến lược phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Tuy vậy, với những trở lực từ thức tế, vấn đề tầm chiến lược chuyển hướng thành Đề án phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Như vậy, về tên gọi và quy mô, khi điền kinh không còn được xây dựng kế hoạch tầm Chiến lược thì đồng nghĩa mức độ đã giảm hơn. Bởi Chiến lược sẽ cần sự đồng bộ của nhiều đơn vị liên quan cùng thảo luận chung đưa ra quyết sách để ban hành chứ không đơn thuần do ngành Thể thao quyết định (nếu là Đề án).

Vấn đề ở chỗ, điền kinh nằm trong danh sách nhóm môn được thực hiện trong Đề án “tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” (thực hiện từ tháng 2/2019). Mục tiêu cao nhất của 16 môn nằm trong Đề án này là tìm nguồn nhân lực tài năng.

Nhưng đến lúc này, qua nhiều giai đoạn rà soát và kiểm tra, công tác vẫn chưa tiến triển nhiều do hạn chế kinh phí thực hiện. Một trong những vấn đề mà điền kinh Việt Nam tập trung hướng tới là tìm thêm nguồn lực xã hội hóa đã không mang lại kết quả như mong đợi.

Điền kinh là môn thu hút đông đảo các đơn vị trong cả nước đầu tư đào tạo về thành tích cao, chuyên nghiệp. Đội tuyển điền kinh Việt Nam đoạt 16 Huy chương Vàng ở SEA Games 30 năm 2019, xếp nhất toàn đoàn, và đến năm 2022, các tuyển thủ đã tạo mốc son chói lọi khi lần đầu tiên trong lịch sử giành được 22 Huy chương Vàng tại một kỳ SEA Games, để tiếp tục thống trị ngôi số 1 Đông Nam Á.

Tại ASIAD 18 năm 2018, Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Đồng, và là quốc gia Đông Nam Á đứng đầu tại môn thể thao này.

xa-hoi-hoa-the-thao-cu-di-roi-se-thanh-duong-4643.jpeg
Nữ tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh đạt thông số không như kỳ vọng tại ASIAD 19. Ảnh minh họa: INT.

Tuy vậy, các giải điền kinh trong nước đang rất khó tìm được nhà tài trợ, đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng chưa có được đầu tư xứng tầm. Hệ quả, năm ngoái, lực lượng hao hụt, điền kinh Việt Nam với 12 Huy chương Vàng về nhì ở SEA Games 32, sau Thái Lan với 16 Huy chương Vàng và tháng 9 cùng năm, điền kinh Việt Nam trắng tay tại ASIAD 19.

Với những người có trách nhiệm với điền kinh Việt Nam, xây dựng dự toán con số kinh phí đầu tư cho Đề án phát triển điền kinh Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 không quá khó, song nguồn nào cho thực hiện điều này thì còn rất mông lung. Có quá nhiều “điểm nghẽn” cần một cơ chế đủ mạnh, những quyết định mang tính đột phá mới mong khơi thông dòng chảy.

Đơn cử, Liên đoàn Điền kinh Việt Nam từng đề xuất về một cơ chế để có sân bãi tập luyện tốt nhất cho vận động viên điền kinh Việt Nam (trong đó có sân tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình), từng bước hình thành Trung tâm đào tạo vận động viên điền kinh Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó chưa thể thực hiện.

Tại Olympic Tokyo 2020, thể thao Việt Nam tranh tài ở 11 môn thể thao, trong đó 10 môn đã thành lập liên đoàn, hiệp hội. Tới Olympic Paris 2024 này, thể thao Việt Nam tiếp tục góp mặt ở 11 môn thể thao với 16 tuyển thủ, cả 11 môn thể thao này đều có liên đoàn, hiệp hội. Về hành lang pháp lý, các môn đã có liên đoàn, hiệp hội thể thao hoàn toàn đủ cơ hội kêu gọi nguồn lực xã hội hóa chung tay đầu tư vào đào tạo, huấn luyện và cử tập huấn thi đấu.

Nhưng rất ít liên đoàn, hiệp hội xây dựng được nguồn lực tài chính mạnh để từ đó đủ lực làm về chuyên môn. Số đông các môn thể thao thành tích cao của nhóm ASIAD, Olympic không nhận được sự đầu tư nhiều từ liên đoàn, hiệp hội thể thao của mình. Nguồn kinh phí dành cho tuyển thủ vẫn từ ngân sách Nhà nước.

Vậy nên, ngành Thể thao, đặc biệt là hơn 40 liên đoàn, hiệp hội các môn thể thao đã được thành lập cần phải xác định đúng vai trò của xã hội hóa. Giờ đây, câu chuyện tìm kiếm đầu tư, nguồn thu ngoài ngân sách Nhà nước không nên đặt ở vấn đề “khó” hay “dễ”, mà cần mạnh mẽ theo hướng phải “làm gì”, “làm như thế nào”.

Muốn thay đổi, ngành Thể thao cũng cần tạo cơ chế thông thoáng, để các liên đoàn, hiệp hội hoạt động độc lập đúng với vai trò của một tổ chức, xã hội nghề nghiệp, dám làm và chịu trách nhiệm. Thời kỳ trông cả vào ngân sách có lẽ đã qua!

Trong “Quy hoạch Phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển TDTT, trong đó chú trọng đầu tư phát triển TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Tăng cường phát triển kinh tế thể thao, xác định rõ các lĩnh vực hoạt động kinh doanh TDTT, thúc đẩy hoạt động kinh doanh thể thao chuyên nghiệp; khuyến khích các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác giữa Nhà nước, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trong phát triển kinh doanh TDTT ở trong và ngoài nước, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ