Bên trong tổng hành dinh của CIA
Trang WikiLeaks của nhà lập trình máy tính người Australia Julian Paul Assange vừa tiếp tục tung ra một “quả bom gây sốc” khi tiết lộ ít nhất 6 bí mật gián điệp do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tiến hành, theo The Independent.
Đáng chú ý, những thông tin được WikiLeaks tung ra lại xuất hiện trong một bối cảnh chính trị quốc tế diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là khi quan hệ Nga - Mỹ đang đứng trước những nguy cơ tiếp tục đổ vỡ dù Donald Trump, người được cho là Tổng thống Mỹ có thiện cảm với Nga đã chính thức làm chủ chiếc ghế ở Nhà Trắng.
Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng vẫn đang vướng vào lùm xùm xuất phát từ những báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ, trong đó, CIA cũng liên quan khi họ đưa ra cáo buộc cho rằng, các cộng sự của ông Trump đã có những mối quan hệ và tiếp xúc đặc biệt với tình báo Nga.
Bên cạnh đó, tại Đức và Pháp lại đang diễn ra các cuộc đua bầu cử lãnh đạo mới khi cũng có các cáo buộc từ Mỹ nói rằng, Nga đang cố gắng tác động đến các cuộc bầu cử này theo cách giống như những gì họ đã làm ở Mỹ trong mùa bầu cử năm ngoái và WikiLeaks được xem là công cụ của Moscow.
Khi được báo chí Mỹ đề nghị cho biết phản ứng, một phát ngôn viên của CIA có tên Jonathan Liu hôm 8/3 đã trả lời rằng, “cơ quan này không bình luận về tính xác thực của các tài liệu tình báo được WikiLeaks tung ra một cách có chủ ý”.
Từ khoảng hơn 8.000 trang tài liệu mà WikiLeaks vừa công bố, báo The Independent đã tóm lược được 6 bí mật gián điệp được cho là của “tác giả CIA” gồm:
CIA có thể bẻ khóa điện thoại thông minh
Tài liệu mật do WikiLeaks phát tán nói rằng, CIA có công cụ thể thực hiện các vụ xâm nhập vào thiết bị điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android, iPhone cũng như bất cứ loại máy tính hiện đại nào khác. WikiLeaks nói: CIA đã và đang nỗ lực tạo ra các phần mềm máy tính độc hại dạng malware để xâm nhập và đọc trộm dữ liệu của tất cả các loại diện thoại thông minh, máy tính mà hầu hết mọi người đang sử dụng hàng ngày.
Khi các phần mềm độc hại được CIA phát tán, chúng có thể phá vỡ hệ thống an ninh trên các mẫu điện thoại dùng hệ điều hành iPhones, Android và kể cả các máy tính cài Windows, macOS hay Linux.
Theo mô tả của WikiLeaks, các phần mềm gián điệp của CIA thuộc loại cực kỳ nguy hiểm, khó bị phát hiện và gỡ bỏ. Chúng có thể được kích hoạt ngay cả khi người dùng làm thao tác tắt hay bật các thiết bị điện tử. Một khi đã xâm nhập vào các thiết bị, chúng sẽ đọc trộm hoặc copy các dữ liệu có trong máy và gửi về các trung tâm do nhân viên của CIA đang trực sẵn. Nguy hiểm hơn, chúng có thể điều khiển các chương trình ghi âm, chụp hình từ các thiết bị này.
Signal, Telegram và WhatsApp đều không an toàn
Tổ chức chống tiêu cực hoạt động trên mạng WikiLeaks cho rằng, các ứng dụng gửi, nhận tin nhắn như: Signal, Telegram và WhatsApp đều không an toàn đối với người sử dụng bởi chúng rất dễ dàng bị tấn công, nội dung tin nhắn có thể được xem trộm trước khi chúng được mã hóa và được người dùng gửi đi cho người nhận thân thuộc.
Có thể điều khiển TV ghi âm các cuộc hội thoại
Theo WikiLeaks, một trong những chương trình nguy hiểm nhất là “Weeping Angel”, ứng dụng cho phép các cơ quan tình báo của Mỹ có thể cài đặt phần mềm đặc biệt qua đó có thể ra lệnh cho các thiết bị TV thông minh (Smart TV) thực hiện các vụ ghi âm, nghe trộm những cuộc hội thoại diễn ra xung quanh chiếc TV.
Những tài liệu được công bố chỉ ra rằng, các phần mềm điều khiển TV thông minh bí mật này do Embedded Devices Branch, một chi nhánh đặc biệt của CIA chỉ đạo lập trình.
Có thể chiếm quyền kiểm soát ô tô, tạo ám sát
Các tài liệu do WikiLeaks đăng tải tiết lộ rằng, CIA có nhiều phần mềm, công cụ bí mật mà người bình thường chưa bao giờ nghe nói đến.Trong những công cụ này có những malware ẩn được hacker CIA cài cắm, có thể xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe hơi.
Một khi đã chiếm được quyền kiểm soát đối với ô tô, hacker dễ dàng gây tai nạn để thực hiện các vụ ám sát vốn sẽ không bao giờ điều tra ra. Tuy nhiên, về khả năng này, WikiLeaks chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào để chứng minh.
Nắm nhiều bí mật của nước khác
WikiLeaks tuyên bố rằng, các nguồn tin cung cấp những tài liệu bí mật của CIA cho họ với mong muốn sẽ tạo ra một cuộc tranh luận về quyền lực của các cơ quan tình báo Mỹ và cách thức tổ chức tình báo lớn nhất thế giới CIA thu thập, sử dụng thông tin mà họ có được.
WikiLeaks cho rằng, CIA thu thập những thông tin tình báo, bí mật riêng tư sau đó khai thác chúng thay vì chuyển cho giới hữu trách để xử lý vấn đề như họ đã từng hứa hẹn với người dân Mỹ. Theo WikiLeaks, nơi nào càng tiêu thụ nhiều các sản phẩm điện tử, viễn thông thì nơi đó càng dễ bị tấn công, thu thập trộm thông tin.
Ngoài ra, ngay cả công ty sản xuất ra các thiết bị điện tử, ứng dụng hiện đại như: Apple, Google, Microsoft cũng là những tập đoàn bị ảnh hưởng vì khi CIA nắm giữ được những lỗ hổng bảo mật, họ không cung cấp để các công ty sửa chữa chúng vì nếu làm như vậy CIA sẽ không thu thập được thông tin gì nữa nếu sản phẩm được bảo mật tốt hơn.
Bên cạnh đó, CIA được cho là cũng nắm giữ nhiều thông tin bí mật của một số chính phủ, quốc gia khác. Bản thân những dữ liệu này cũng có nguy cơ bị các hacker không phải của CIA đánh cắp và sử dụng chúng với những mục đích, ý đồ nguy hiểm, thậm chí là tống tiền, khủng bố...
WikiLeaks cảnh báo rằng, việc CIA khai thác các thông tin họ thu thập được đồng thời không loại trừ bất cứ ai, các đối tượng CIA nhắm tới có cả các quan chức ở Nhà Trắng, Quốc hội, các giám đốc điều hành những tập đoàn lớn và các sỹ quan an ninh...
Bí mật “mở” thứ 6
Báo The Independent cho hay, bí mật thứ 6 mà WikiLeaks đã loan báo chính là những tài liệu mà chính họ còn chưa đánh giá được hết.
Tuy nhiên, theo WikiLeaks, các tài liệu được công bố trong đợt này chủ yếu có liên quan đến các hoạt động cụ thể của CIA trong chương trình xâm nhập máy tính với quy mô lớn và vô cùng tinh vi mà tình báo Mỹ đã và vẫn đang thực hiện.