Tiến sỹ Keiji Fukuda, trợ lý Tổng Giám đốc WHO, cho rằng tình trạng kháng thuốc đang là thách thức lớn nhất trong điều trị các bệnh truyền nhiễm hiện nay.
Rất nhiều các loại vi khuẩn, virus và ký sinh trùng, đang trở nên kháng thuốc.
Mối lo ngại đặc biệt cấp bách là sự phát triển của các vi khuẩn mà các loại thuốc kháng sinh có sẵn "bất lực."
Điều này đang xảy ra ở mọi nơi trên thế giới, vì vậy tất cả các quốc gia cần có trách nhiệm để giải quyết mối đe dọa toàn cầu này.
Kháng thuốc là do lạm dụng và sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh, kích thích vi khuẩn phát triển các chủng mới để vô hiệu hóa tác dụng của thuốc.
Kháng thuốc kháng sinh có khả năng ảnh hưởng đến bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi và bất cứ quốc gia nào.
WHO kêu gọi cần nỗ lực hơn nữa để tránh mất đi khả năng điều trị bằng thuốc đối với những căn bệnh phổ biến và nghiêm trọng.
Các nhà khoa học, các nhân viên y tế và các tổ chức khác, bao gồm cả WHO, đã được cảnh báo về thảm họa tiềm tàng nếu phớt lờ tình trạng kháng kháng sinh.
Theo WHO, giám sát là chìa khóa để kiểm soát kháng kháng sinh, nhưng hoạt động này lại không được diễn ra thường xuyên.
Ở nhiều quốc gia, năng lực phòng thí nghiệm còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng và quản lý dữ liệu làm hạn chế hiệu quả giám sát.
Chỉ có 34 trong tổng số 133 quốc gia tham gia khảo sát có kế hoạch quốc gia toàn diện để chống lại khả năng kháng thuốc kháng sinh và các loại thuốc khác.
Việc bán thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sỹ vẫn còn phổ biến rộng rãi, nhiều quốc gia thiếu hướng dẫn điều trị chuẩn, khiến gia tăng khả năng lạm dụng thuốc kháng sinh.
Nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này còn thấp, với nhiều người vẫn tin rằng kháng sinh có hiệu quả chống lại virus.
WHO, các nước và các đối tác đã phát triển một dự thảo Kế hoạch Hành động Toàn cầu để chống lại tình trạng kháng thuốc, bao gồm cả kháng thuốc kháng sinh, để trình lên phiên họp Đại Hội đồng Tổ chức Y tế Thế giới lần thứ 68 dự kiến diễn ra vào tháng Năm tới./.