Theo quy định tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi vứt khẩu trang bừa bãi ra vỉa hè, đường phố,… có thể sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 7 triệu đồng.
Dù luật đã quy định như vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng vứt khẩu trang y tế phòng chống dịch COVID-19 (nCoV) ra nơi công cộng vẫn xuất hiện ở nhiều tuyến đường nội thành Hà Nội. Thực trạng này khiến không ít người lo lắng.
Nỗi lo “khẩu trang vỉa hè”
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng đang trở nên khó lường, vừa qua, Bộ Y tế đã có khuyến cáo việc sử dụng khẩu trang, đặc biệt là các khẩu trang y tế là giải pháp cần thiết để ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh.
Cũng bởi thế, khẩu trang đã trở thành mặt hàng “hót,” thậm chí nhiều nơi lâm vào tình cảnh khan hiếm, nhiều cửa hàng còn "đầu cơ," thu mua và bán lại khẩu trang với giá cắt cổ. Song, cũng có không ít nơi đã xuất hiện những hình ảnh đẹp qua việc phát khẩu trang miễn phí cho người đi đường.
Không thể phủ nhận việc đeo khẩu trang là giải pháp vô cùng cần thiết, thậm chí là "bắt buộc" để bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng, nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thế nhưng, vấn đề đáng quan tâm là không ít những chiếc khẩu trang y tế sau khi đã qua sử dụng, người ta lại vứt ra nơi công cộng. Điều này phần nào khiến công tác thu gom và xử lý khẩu trang để phòng chống dịch càng trở nên khó khăn hơn, khiến nhiều người lo ngại.
Thực tế những ngày qua cho thấy hình ảnh những chiếc khẩu trang y tế bị vứt bừa bãi ở nhiều nơi công công như mặt đường, vỉa hè, công viên... Hành vi vứt khẩu trang này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh tật cho con người.
Chứng kiến cảnh khẩu trang vứt la liệt trên vỉa hè cũng như dưới mặt đường trong khi dịch bệnh đang diễn biến khó lường, bà Nguyễn Thị Trà, một người bán trà đá ở trên đường Mỹ Đình thở dài nói: “Sao người ta lại thiếu ý thức, vô trách nhiệm đến thế? Nếu người bị ốm, nhiễm dịch mà vứt khẩu trang thì nguy cơ phát tán virus là rất đáng lo. Chưa kể, nó còn bẩn thỉu và mất vệ sinh môi trường.”
Trước thực trạng trên, bà Trà cho rằng việc kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp vứt khẩu trang ra vỉa hè, đường phố có đông người qua lại là vô cùng cần thiết.
“Tuy nhiên, việc này cô thấy cũng khó vì không biết ai vứt ra để mà xử phạt. Bởi lẽ, trong việc này, một là người ta cố tình vứt ra, cũng có thể là do họ đút vào túi quần, áo rồi rơi xuống nên cô thấy cũng khó mà bắt giữ và xử phạt lắm,” bà Trà băn khoăn.
Trong khi những lo ngại về việc khẩu trang vương vãi nơi công cộng còn chưa được xử lý, thì theo dự báo của Bộ Y tế, với kịch bản dịch bùng phát và lan rộng ở cấp độ 4, nhu cầu khẩu trang cho 5-10% dân số là 2 chiếc/ngày/người thì nhu cầu sẽ lên tới 9,7-19,4 triệu khẩu trang/ngày. Trước mắt, với 5% dân số thì nhu cầu sử dụng sẽ là khoảng 9,7 triệu khẩu trang/ngày.
Sẽ bị xử phạt hành chính
Theo quy định của pháp luật, hành vi vứt rác thải sinh hoạt sinh, khẩu trang y tế bừa bãi ở nơi công cộng, không đúng nơi quy định có thể sẽ bị xử phat hành chính.
Cụ thể, tại Điều 20, Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, quy định phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng.
Trường hợp vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị, hay hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị, mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng đối với mỗi hành vi.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên VietnamPlus mới đây, đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường khẳng định hành vi vứt thải rác sinh hoặt, trong đó có khẩu trang, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Đối với vấn đề rác thải y tế, vị này cho biết hiện nay tất cả những trường hợp có nguy cơ nhiễm dịch đều đã được cách ly, đó cũng là những trường hợp bắt buộc phải đeo khẩu trang y tế, để chống việc lây lan dịch. Theo đó, khẩu trang y tế sẽ được xử lý theo quy định về chất thải y tế, do Bộ Y tế quản lý.
“Còn người không có bệnh thì có thể dùng khẩu trang vải thông thường, sau khi sử dụng thì đem giặt sạch, phơi khô và tiếp tục sử dụng.Với khẩu trang bình thường mà người khỏe mạnh đeo thì xử lý như chất thải bình thường,” vị này nói thêm.
Vị đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường cũng khuyến nghị người dân đeo khẩu trang sau khi đã qua sử dụng thì nên thải bỏ vào thùng rác đúng nơi quy định.
Chia sẻ với người viết, một số chuyên gia môi trường cũng cho rằng việc vứt khẩu trang y tế ra nơi công cộng là hành vi cần phải ngăn chặn, xử lý "mạnh tay," bởi nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, mà còn là mối nguy đối với sức khỏe con người.
Thay vào đó, người dân có thể thay thế việc dùng khẩu trang y tế bằng khẩu trang vải sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, cơ quan truyền thông cần tích cực tuyên truyền người dân sử dụng khẩu trang đúng cách và vứt bỏ đúng nơi quy định./.
Dưới đây là một số hình ảnh khẩu trang y tế nhếch nhác ở nơi công cộng: