Vượt qua trở ngại

GD&TĐ - Thực hiện chương trình mới lớp 1, địa phương, nhà trường được tạo điều kiện, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Giáo viên trường THCS đến dự giờ lớp tiểu học ở TP Cần Thơ để tham khảo chương trình mới.
Giáo viên trường THCS đến dự giờ lớp tiểu học ở TP Cần Thơ để tham khảo chương trình mới.

Sau 1 năm triển khai, những kết quả và bài học kinh nghiệm có được sẽ giúp việc triển khai chương trình mới thêm vững vàng, hiệu quả trong năm học tới.    

Xác định trở ngại để tìm giải pháp

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, thực hiện Chương trình, SGK với lớp 1 đã nhận được đồng thuận, nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của đội ngũ trong toàn ngành. Công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 1 được ngành tập trung chỉ đạo từ năm học 2016 – 2017 trên tinh thần chuyên sâu và quyết liệt.

Tuy vậy, bên cạnh thuận lợi, tỉnh Vĩnh Long cũng xác định một số khó khăn như: Một số cán bộ quản lý chưa cập nhật, chưa bắt nhịp với đổi mới giáo dục của cấp học; chưa mạnh dạn triển khai thực hiện những chủ trương đổi mới của ngành. Vẫn còn cán bộ quản lý chưa tạo động cơ, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo cho giáo viên. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều, việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học còn chậm. Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa chủ động trong công tác bồi dưỡng cũng như nghiên cứu sâu Chương trình GDPT 2018, các bộ SGK.

Một số thiết bị dạy học được trang cấp từ năm 2001 đã quá cũ, hư hỏng, thị trường không có để mua sắm bổ sung, thay thế. Thiết bị tối thiểu ở các cấp học, thiết bị dạy học ngoại ngữ và tin học còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều trường học chưa có phòng máy vi tính ở điểm lẻ, một số máy tính được trang bị trước đây đã quá hạn sử dụng, hư hỏng. Tỷ lệ phòng học/lớp chưa theo quy định 1 phòng/lớp. Hiện nay, tỷ lệ phòng học cả tỉnh đạt 0,93 phòng/lớp. Trong đó tỷ lệ phòng học/lớp đối với lớp 1 đạt 0,99 phòng/lớp.

Một số trường thiếu giáo viên tiếng Anh nên chưa thực hiện dạy tiếng Anh tự chọn ở lớp 1. Một số trường thiếu giáo viên các khối lớp 2, 3, 4, 5 nên hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách dạy lớp, từ đó ảnh hưởng đến công tác tổ chức và quản lý nhà trường.

Năm đầu tiên triển khai chương trình mới lớp 1 và thực hiện đánh giá học sinh lớp 1 theo Thông tư 27, ngành Giáo dục quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) cũng gặp những khó khăn nhất định. “Một số giáo viên còn lúng túng trong tổ chức các hoạt động dạy học, quy trình dạy học và quá trình nhận xét, đánh giá về năng lực, phẩm chất học sinh. Các trường tuy được đầu tư, nâng cấp nhưng chưa đồng bộ về bàn ghế. Trang thiết bị dạy học phục vụ cho các phòng chức năng còn thiếu, nhất là máy tính cho phòng tin học, thiết bị cho phòng ngoại ngữ”, bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho biết.

Sau 1 năm nhìn lại, những kết quả và bài học kinh nghiệm có được sẽ giúp việc triển khai chương trình mới thêm vững vàng, hiệu quả.
Sau 1 năm nhìn lại, những kết quả và bài học kinh nghiệm có được sẽ giúp việc triển khai chương trình mới thêm vững vàng, hiệu quả.

Những kinh nghiệm quý

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở triển khai chương trình mới lớp 1, sở tiếp tục rà soát, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất. Trang cấp thiết bị dạy học, hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đặc biệt là thiết bị dạy học thực hiện chương trình mới.

Tỉnh Vĩnh Long tiến hành rà soát, có kế hoạch bảo đảm đội ngũ thực hiện chương trình mới về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, ngành GD tập trung công tác bồi dưỡng đội ngũ thực hiện chương trình, sử dụng SGK lớp 2; Nâng cao chất lượng công tác chuyên môn, chất lượng hoạt động dạy học, giáo dục trong nhà trường; Hoàn chỉnh tài liệu giáo dục địa phương; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý; Đổi mới công tác quản trị nhà trường.

Sở GD&ĐT Vĩnh Long kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành Thông tư quy định danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, 4, 5 (có thể kèm theo giá dự kiến của các loại thiết bị để thuận tiện cho việc tổ chức mua sắm, trang cấp cho cơ sở giáo dục). Bộ quan tâm nhiều hơn công tác bồi dưỡng sử dụng SGK; giám sát công tác bồi dưỡng của các nhà xuất bản có SGK được phê duyệt bảo đảm hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, thời lượng cần nhiều hơn so với quy định hiện tại của Bộ là 2 ngày/tỉnh nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho giáo viên trong việc thực hiện chương trình mới. UBND tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí cho việc tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ đổi mới giáo dục phổ thông…

Theo bà Nguyễn Thúy Hà, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, cùng với các bước chuẩn bị thực hiện SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022, hiện các trường hình thành đội ngũ kỹ thuật tiếp cận và nắm bắt các vấn đề liên quan đến các nội dung và việc triển khai, thực hiện SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Qua đó, tiếp thu và có ý kiến đóng góp khi chương trình được thực hiện tại đơn vị trường để cơ quan quản lý kịp thời báo cáo và điều chỉnh cho phù hợp. Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT tổ chức các hoạt động khảo sát và có lộ trình đầu tư, hoàn chỉnh các trang, thiết bị phục vụ cho nhu cầu dạy và học đối với chương trình mới.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chương trình mới trong năm học qua, thầy Võ Hữu Tâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ) cho biết: Trong năm học 2020 - 2021, nhà trường thiếu giáo viên nên chỉ bố trí 4 giáo viên lớp 1 theo đúng số lượng lớp học mà không bố trí giáo viên dự phòng, nên gặp khó khăn khi cần người dạy bù, dạy thay. Năm nay, nhà trường bố trí 5 giáo viên cho 4 lớp 2, để hỗ trợ nhau khi cần thiết. 

Đội ngũ cán bộ giáo viên đóng vai trò quan trọng trong triển khai chương trình mới. Lãnh đạo, thủ trưởng các đơn vị phải là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, đồng thời là người phát huy được vai trò của tập thể. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình mới phải tiếp cận, nắm vững chương trình để có nhiều sáng tạo, đổi mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. - Bà Nguyễn Kiều Phương
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ