Vượt qua nỗi ám ảnh mụn ngoài da: Đối phó với mụn nước

GD&TĐ - Nổi mụn trên da là vấn đề mà hầu hết mọi người gặp phải.

Chăm sóc da đúng cách có thể giúp hạn chế mụn hình thành. Ảnh minh họa: ITN
Chăm sóc da đúng cách có thể giúp hạn chế mụn hình thành. Ảnh minh họa: ITN

Nổi mụn trên da là vấn đề mà hầu hết mọi người gặp phải. Không ít trường hợp nổi mụn nhiều trong thời gian dài, người bệnh dù áp dụng nhiều cách chữa trị nhưng không đạt hiệu quả tốt, trong đó có mụn nước.

Nguyên nhân dễ gây bệnh

Theo chuyên gia, mụn nước thường xuất hiện ở các vị trí như kẽ tay chân, cánh tay, quanh bọng mắt, lưng, ngực, cổ… Những mụn này có thể sinh sôi do một dị ứng thông thường nhưng đôi khi lại là dấu hiệu của một số căn bệnh không đơn giản. Ngoài ra, mụn nước là những cấu trúc nổi gồ trên bề mặt da, bên trong chứa dịch trong hoặc là mủ nếu bị bội nhiễm vi khuẩn.

Mụn xuất hiện trên da với nhiều nguyên nhân như chế độ sinh hoạt, tuổi dậy thì, bệnh lý, dị ứng hoặc có thể từ các bệnh hiếm, và khiến người bệnh cảm thấy ngứa, khó chịu, ảnh hưởng tâm lý khi lo ngại về ngoại hình.

Khi cấu trúc này có kích thước lớn hơn sẽ được gọi là bóng nước. Các mụn hay bóng nước kèm theo các triệu chứng như ngứa, nóng rát, sốt, uể oải, đau nhức cơ… Nốt mụn nước khi bị vỡ có thể để lại sẹo hoặc gây nhiễm trùng nếu không xử lý đúng cách.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Duyên - Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, nguyên nhân gây mụn nước thường do dị ứng khi tiếp xúc với các hóa chất mỹ phẩm công nghiệp, lông động vật, phấn hoa, thực phẩm, thời tiết, môi trường sống độc hại, bụi bẩn, ô nhiễm, ẩm ướt; chàm eczema; bệnh zona; thủy đậu; rôm sảy; tay chân miệng; ghẻ nước; gan thận suy yếu; ăn uống không khoa học, lạm dụng thuốc tây…

Bên cạnh đó, nhiều bệnh dưới đây có thể mọc mụn nước trên da khi mắc phải.

Chàm da: Đây là một dạng tổn thương da nông, mãn tính, dai dẳng và hay tái phát. Bệnh đặc trưng bởi triệu chứng ngứa ngáy kéo dài, từ âm ỉ đến dữ dội tùy thể bệnh và giai đoạn tiến triển. Trong đó tổn thương điển hình nhất là tình trạng da đỏ, ngứa, dày sừng, bong vảy và nứt nẻ.

Tùy tình trạng bệnh, lượng mụn sẽ xuất hiện nhiều hoặc ít. Sau một thời gian, mụn nước bắt đầu bong, làn da trở nên khô cứng, đóng vảy trông rất mất thẩm mỹ. Hiện nay, do chưa xác định được chính xác nguyên nhân cụ thể gây bệnh chàm nên quá trình điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Mục đích chính trong điều trị là kiểm soát tiến triển bệnh, làm giảm thương tổn da, cải thiện ngứa ngáy và ngăn ngừa biến chứng.

Zona thần kinh: Khi có tiền sử bị thuỷ đậu, những siêu vi này có thể bùng lên trở lại gây triệu chứng. Bệnh thường có biểu hiện là phát ban và nổi các mụn nước thành từng dải, kèm theo triệu chứng đau, nóng rát và khó chịu, sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ và chán ăn uể oải.

Thuỷ đậu: Bệnh lý do nhiễm virus gây ra. Triệu chứng ban đầu có thể biểu hiện đặc điểm chung của nhiễm siêu vi như đau đầu, đau cơ; chán ăn; sốt, đau họng; mệt mỏi, uể oải. Sau đó xuất hiện các mụn nước rải rác khắp cơ thể, tập trung nổi bật nhiều ở vùng lưng, cánh cẳng tay, bẹn đùi, mặt và có thể quanh các lỗ tự nhiên.

Các mụn bóng nước to dần, thường hoại tử tạo chấm đen ở giữa. Khi bị bội nhiễm vi khuẩn thì sẽ thành mụn mủ. Bệnh gây cảm giác rất ngứa, làm loét miệng và đau họng, khiến việc ăn uống sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, bệnh có thuốc đặc trị và hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Rôm sảy: Thường gặp ở trẻ em khi thời tiết giao mùa, nóng bức. Lúc này, mồ hôi trẻ tiết ra nhiều nhưng các ống tuyến mồ hôi chưa phát triển hoàn chỉnh, bị ứ đọng lại. Mặt khác, ống bài tiết dễ bít kín do bụi hoặc ghét bẩn khiến làn da nổi lên nhiều sẩn nhỏ lấm tấm màu hồng. Tình trạng này thường xảy ra khi thời tiết nóng nhưng đôi khi cũng do trẻ được mặc quá nhiều quần áo.

Triệu chứng của rôm sảy là những nốt nổi mẩn đỏ to như đầu kim, hình tròn hoặc lấm tấm, đầu rôm có một chút nước, đỏ xung quanh, xuất hiện ở đầu, cổ, ngực, lưng… Chỗ rôm mọc dày thường có màu đỏ, ngứa và có cảm giác nóng rát. Vì vậy, khi trẻ bị rôm sảy thường gãi ngứa dễ làm da bị lở do viêm nhiễm.

Ghẻ nước: Khi xuất hiện, ghẻ nước có thể gây ra một số dấu hiệu ngoài da như: Ngứa, da nổi nhiều mụn nước, xuất hiện các rãnh ghẻ…

Tay chân miệng: Bệnh này có những dấu hiệu nhận biết khác nhau tùy vào từng giai đoạn. Giai đoạn ủ bệnh 3 – 6 ngày. Giai đoạn khởi phát bắt đầu với các triệu chứng dễ nhận thấy gồm sốt, mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc bị sốt cao kèm đau họng, đau rát răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, biếng ăn, có thể tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng điển hình như: Phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục. Chúng có thể mọc lồi hoặc ẩn dưới da, sờ có cảm giác cộm, không đau, không ngứa.

Bệnh bóng nước tự miễn: Nổi mụn nước, bóng nước là một trong những dấu hiệu không nên chủ quan. Nguyên nhân có thể do phản ứng dị ứng hay chàm da cho đến những vấn đề khác nghiêm trọng hơn như thuỷ đậu hoặc bóng nước tự miễn. Do đó, người bệnh cần theo dõi kỹ lưỡng các triệu chứng của bệnh và thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Mụn nước ở tay thường gây ngứa ngáy, khó chịu. Ảnh: INT

Mụn nước ở tay thường gây ngứa ngáy, khó chịu. Ảnh: INT

Chăm sóc đúng cách

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà mụn nước có các biến chứng khác nhau. Tuy nhiên với đa số mụn nước khi vỡ ra có thể tạo điều kiện cho các vi sinh vật xâm nhập vào cơ thể gây ra các nhiễm trùng da hay viêm mô tế bào.

Theo đó, da xuất hiện tình trạng sưng tấy đỏ, vùng da căng, nóng, có thể xuất hiện những vết loét khó lành. Nếu nặng hơn, vi khuẩn xâm nhập vào những lớp sâu hơn của da khiến khó khăn trong điều trị.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Duyên, mụn nước trên da đa số là do các nguyên nhân không nguy hiểm gây ra. Cho nên, mụn nước thường sẽ tự khỏi với những biện pháp chăm sóc đúng cách. Nếu mụn nước do một số nguyên nhân như viêm da tiếp xúc, chàm bội nhiễm, côn trùng nguy hiểm, ghẻ cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế để được điều trị đúng phác đồ.

Người bệnh cần giữ cho mụn sạch sẽ và khô. Có thể sử dụng một miếng đệm hoặc băng dính hình tròn để giữ cho không bị vỡ ra. Có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm hay thảo dược như lô hội, dầu dừa... giúp vùng da mụn nước không bị đau rát, giảm nguy cơ vỡ mụn nước.

“Nếu không ảnh hưởng tới sinh hoạt thì cố gắng không nên làm vỡ mụn nước. Nhưng nếu mụn quá lớn hoặc gây đau đớn đến mức không thể đi lại và làm việc được thì hãy tới gặp bác sĩ, khi đó chuyên gia có thể quyết định chọc thủng bằng kim vô trùng để chất dịch chảy ra ngoài.

Sau khi vết thương bị bong ra hãy nhẹ nhàng rửa khu vực này bằng xà phòng và nước, cần phải bôi thuốc mỡ kháng sinh. Băng vết lại bằng băng để giữ sạch vào ban ngày, nhưng hãy tháo băng vào ban đêm để cho vết thương được khô”, bác sĩ Duyên lưu ý.

Ngoài ra, bác sĩ Duyên cũng khuyên người bệnh nên rửa vị trí có mụn nước bằng nước muối ấm, vừa giúp giảm sưng vừa loại bỏ một số yếu tố gây hại trên da như vi khuẩn, nấm. Trang bị các dụng cụ bảo hộ an toàn như găng tay, ủng đi chân trong trường hợp cần tiếp xúc với các yếu tố gây kích ứng.

Giúp bảo vệ làn da tránh khỏi các tác động gây hại của tác nhân này khi tiếp xúc trực tiếp. Chế độ ăn nên giảm các loại thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và tăng cường rau xanh, trái cây giúp bổ sung lượng dưỡng chất cần thiết cho cơ thể từ đó giúp hệ miễn dịch được tăng cường, tránh các tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó, nếu người bệnh phát hiện bị nổi mụn nước và xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng như nổi đỏ, sưng to, phồng rộp, chảy mủ gây mùi hôi khó chịu kèm theo các triệu chứng sốt, mệt mỏi, buồn nôn; tình trạng mụn nước kéo dài mà không có sự cải thiện; mụn nước lan rộng ra khắp cơ thể hoặc xuất hiện nhiều hơn; nổi mụn nước do tiếp xúc với chất gây dị ứng, hóa chất độc hại,… thì cần đi khám bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.