Vượt qua cú sốc

GD&TĐ - Nga đang phải đối mặt với cùng lúc nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới, khi bị phương Tây áp hàng loạt lệnh cấm vận do chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Nhưng hôm 19/5, Moscow tuyên bố đã vượt qua cú sốc kinh tế đầu tiên và sẽ không phá sản.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thừa nhận rằng, việc phải đối mặt cùng lúc với hàng nghìn lệnh trừng phạt về mọi mặt từ bên ngoài là không dễ để đối phó. Nhưng ông khẳng định, với chính sách tài khóa và ngân sách thận trọng được chuẩn bị từ trước đã giúp Nga chống chọi với cú sốc kinh tế đầu tiên này và duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

Người đứng đầu ngành tài chính Nga cũng không quên nhắc đây mới chỉ là bước đầu vì Mỹ và các đồng minh phương Tây còn đang chuẩn bị tung ra các gói trừng phạt khác được dự báo là khắc nghiệt hơn với nền kinh tế Nga. Ban đầu, Moscow đã tung ra các biện pháp phản ứng khẩn cấp để ổn định hệ thống tài chính đất nước trước các đòn trừng phạt từ bên ngoài.

Tuy nhiên, các biện pháp này của Nga được dự đoán có thể sẽ không thể duy trì hiệu quả trước các gói trừng phạt mới, khi Mỹ và các đồng minh đang tính toán các biện pháp sao cho gây tổn thương nhất có thể đối với nền kinh tế Nga, qua đó buộc nước này phải chấm dứt các chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Đây chính là lý do khiến các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ của Nga trong thời gian tới vẫn còn nguyên. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Siluanov khẳng định nước này sẽ vẫn có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ nước ngoài vì một lý do đơn giản là: “Nước Nga có tiền”.

Khi quá nửa kho dự trữ ngoại tệ đã bị đóng băng, Nga vẫn có thể tính đến phương án cuối cùng là trả các khoản nợ nước ngoài bằng đồng Rúp nội tệ nếu phương Tây đóng mọi cánh cửa đối với hạ tầng tài chính của Nga.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tính toán và xem xét các biện pháp để ngăn chặn khả năng Nga có thể thanh toán nợ nước ngoài bằng cách không gia hạn một “giấy phép tạm thời đặc biệt” vốn sẽ hết hạn vào ngày 25/5 tới.

Đây là loại giấy phép đặc biệt được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cấp ngày 2/3/2022, không lâu sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Giấy phép trên của chính quyền Mỹ đã cho phép Nga vẫn có thể tiếp tục thanh toán cho các nhà đầu tư và tránh vỡ nợ chính phủ, đồng thời cho phép các nhà đầu tư Mỹ nhận tiền từ Nga bằng phiếu thanh toán.

Với việc một nửa kho dự trữ ngoại hối của Nga tương đương khoảng 300 tỷ USD vẫn đang bị đóng băng, các chuyên gia cho rằng động thái không tiếp tục gia hạn giấy phép trên của Washington sau ngày 25/5 có thể đẩy Moscow tiến gần hơn tới bờ vực vỡ nợ.

Kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine hồi cuối tháng 2, nhờ giấy phép trên của Mỹ nên Nga vẫn có thể hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu quốc tế, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Do đó thời điểm ngày 6/4 vừa qua, Bộ Tài chính Nga từng thông báo nước này đã “lội ngược dòng” khi thực hiện thành công một số khoản thanh toán quá hạn và tránh được khả năng vỡ nợ.

Tuy nhiên, Nga hiện vẫn đang phải đối mặt với 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế và các khoản nợ khác đến kỳ phải thanh toán. Việc Mỹ có khả năng chặn nốt các khả năng thanh toán ít ỏi còn lại của Nga sau ngày 25/5 có thể đặt ra cho nền kinh tế nước này một cú sốc còn khốc liệt hơn trước và việc vượt qua sẽ càng thách thức hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...