Vượt lằn ranh an toàn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nếu tuổi trẻ mà không có hoài bão và ước mơ, thì xã hội có phát triển được hay không? Chắc chắn là không!

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Bởi vì, tuổi trẻ được đào tạo bài bản, được tiếp thu và nắm bắt nền tri thức tiên tiến của nhân loại; được kế thừa kinh nghiệm của lớp cha anh... Và, điều quan trọng hơn cả là, trong quãng đường dài phía trước, nếu sai lầm, vấp ngã, thì tuổi trẻ có đủ thời gian để đứng dậy bước tiếp, tự hoàn thiện mình. Đôi khi, sự thất bại trong quãng đường đầu đời lại là sự từng trải để tạo hành trang cần thiết bước tới thành công sau này.

Khẩu hiệu hành động của thanh niên hiện nay là “Dấn thân lập nghiệp”. Dấn thân, là chấp nhận đương đầu với khó khăn, thách thức, thậm chí là nguy hiểm để đạt được mục tiêu của bản thân mình. Dấn thân để lập nghiệp hay khởi nghiệp, suy cho cùng cũng nhằm tạo lập tương lai cuộc sống cho chính mình, gia đình mình, thông qua đó, gián tiếp đóng góp về kinh tế - xã hội cho đất nước.

Thanh niên dám lao vào thử thách để dấn thân lập nghiệp, khởi nghiệp đều rất đáng ngưỡng mộ. Nhất là những bạn trẻ gác lại tương lai phía trước, dâng hiến tuổi hai mươi đầy nhiệt huyết của mình, dấn thân lên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước để “cõng chữ lên non”, giúp dân làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, hay hăng hái hoạt động thiện nguyện...

Lúc này, họ dấn thân đâu phải vì tương lai của họ, mà vì cộng đồng, vì đồng bào mình. Họ không toan tính, vụ lợi, họ làm theo sự mách bảo của con tim. Hãy gọi họ là những “người hùng” và xã hội luôn cần rất nhiều những “người hùng” như thế để cuộc sống này thêm ý nghĩa, xã hội thêm nhân văn, con người trao gửi yêu thương cho nhau...

Đến bây giờ, tôi vẫn khâm phục quyết định của cầu thủ Quang Hải, ngay cả, quyết định của bạn ấy, có thể với nhiều người là sai lầm. Tại sao vậy? Tại vì, cầu thủ này đã quyết định dấn thân vào một môi trường bóng đá mới mẻ, đầy rủi ro chờ đợi ở phía trước. Trong khi Quang Hải tại Việt Nam đang là ngôi sao hàng đầu, được trọng vọng và được trả lương hậu hĩnh. Bạn ấy chấp nhận dấn thân sang một môi trường bóng đá mà biết chắc chắn là khắc nghiệt và rủi ro, song vẫn quyết định đi để thử sức, để biết bản thân mình đang đứng ở đâu và để vượt qua chính giới hạn của bản thân mình.

Đã dấn thân thì làm sao biết chắc chắn được thành công hay thất bại! Nếu sợ thất bại, Quang Hải đã an phận với chính mình. Tại sao một bộ phận trong chúng ta lại tự cho mình được quyền phê phán quyết định của cầu thủ này ngay từ thời điểm bạn ấy chuẩn bị rời Việt Nam? Tại sao chúng ta lại áp đặt suy nghĩ của mình thay cho Quang Hải, khi bạn ấy mới là người quyết định tương lai của chính bạn ấy?

Bây giờ, Quang Hải có thể không thành công, nhưng bạn ấy còn có đủ thời gian để làm lại, để điều chỉnh mục tiêu, để thử sức ở những môi trường phù hợp hơn. Điều tôi muốn nói thông qua câu chuyện của Quang Hải là chúng ta hãy để cho người trẻ suy nghĩ bằng tư duy của mình, hãy khuyến khích các em dám thử sức vượt qua giới hạn an toàn của chính bản thân để biết mình đang đứng ở đâu, thông qua đó, cũng là cách để biết được nền bóng đá của chúng ta đang đứng ở đâu. Không có những người dám dấn thân như Quang Hải, thì chúng ta, một là sẽ sống trong sự huyễn hoặc, hai là sẽ luôn luôn mất tự tin với khả năng của chính mình.

Câu chuyện của Quang Hải chỉ là một ví dụ và chắc chắn không phải là mẫu số chung để đưa ra phán xét: Những cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài đều không thể thành công! Minh chứng từ nữ cầu thủ Huỳnh Như đã phủ nhận những suy nghĩ thiếu tích cực ấy.

Huỳnh Như cũng có thân hình nhỏ bé như Quang Hải, tài năng như Quang Hải, nhưng bạn ấy đã thành công, hội nhập được với môi trường bóng đá tiên tiến, nơi toàn những cầu thủ có thể hình to cao. Vậy thì đừng tự ti với thể hình của con người Việt Nam, nếu chúng ta cứ mang mặc cảm như thế, luôn nhận sự kém cỏi về mình từ trong suy nghĩ thì sẽ không bao giờ có thể vươn tầm lên được!

Đó là câu chuyện của thể thao. Còn với những lĩnh vực khác, tuổi trẻ Việt Nam không thua kém bất cứ người trẻ nào trên thế giới này. Các bạn trẻ đã tự tin hội nhập, hòa nhập và tự khẳng định mình ở khắp nơi trên hành tinh này, nhất là trong lĩnh vực khoa học - công nghệ để vừa làm rạng danh cho đất nước, vừa có những đóng góp với quê hương.

Các bạn trẻ nhìn chung luôn có sẵn bầu nhiệt huyết, có sức trẻ để đương đầu với thách thức và dám tìm tòi, khám phá cái mới. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thì tuổi trẻ cũng có những hạn chế, như thiếu kinh nghiệm sống, đôi khi bốc đồng, hiếu thắng...

Vì vậy, để ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ được hiện thực hóa thì không phải cứ dấn thân một cách liều lĩnh mà cần phải học nữa, học mãi để có tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học, tư duy nhạy bén. Cũng cần phải biết kế thừa, tiếp thu những kinh nghiệm của lớp người đi trước. Đặc biệt, bên cạnh quyết tâm dấn thân cũng phải có nghị lực biết đứng lên sau thất bại, vì thất bại bao giờ cũng là “mẹ của thành công”!

Chúng ta hãy tạo cơ hội và truyền sự tự tin cho các bạn trẻ! Nếu họ không thành công trong bước đường lập nghiệp hay khởi nghiệp ban đầu, thì hãy động viên, hỗ trợ để người trẻ có thêm nghị lực vượt qua thách thức. Đừng để người trẻ nhụt chí và không dám vượt qua lằn ranh an toàn, bởi nếu tuổi trẻ mà không dám ước mơ, không dám bứt phá, không dám vượt qua giới hạn của chính mình để thực hiện ước mơ, thì tương lai sẽ trở thành người trì trệ và nguồn lực của đất nước sẽ khó bắt kịp sự phát triển của nhân loại.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.