Vượt 'bão giông' tìm lại nụ cười

GD&TĐ - Đi qua những ngày tháng tuyệt vọng từ khi biết mình nhiễm HIV, cô giáo Đỗ Thị Thu Hà (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã không gục ngã.

Sự động viên của người thân và đồng nghiệp giúp cô giáo Hà vượt qua bệnh tật, tiếp tục công tác.
Sự động viên của người thân và đồng nghiệp giúp cô giáo Hà vượt qua bệnh tật, tiếp tục công tác.

Được người thân, đồng nghiệp động viên, cô giáo trẻ đã vượt qua bóng tối và trở thành chỗ dựa cho những người chung cảnh ngộ.

Đi qua ngày giông bão

6 giờ 30 phút hàng ngày, sau khi dọn dẹp vệ sinh trường lớp xong, cô Hà cùng với đồng nghiệp bắt đầu đón trẻ mầm non lớp 4 tuổi B (Trường Mầm non Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đến học. Nhìn cô trò quấn quýt nhau, ít ai biết được đã có lúc cô từng viết đơn xin nghỉ dạy vì mặc cảm khi mang trong mình căn bệnh HIV.

Trải lòng về quãng thời gian đã qua, cô Hà luôn cảm ơn những người đã ở bên cạnh mình. Cô kể: “Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh (nay là Đại học Hà Tĩnh), tôi được phân công làm giáo viên tại Trường Mầm non Sơn Kim 1”. Cũng trong năm đó, cô giáo Hà lên xe hoa với anh N.T.T. Cứ ngỡ niềm vui sẽ trọn vẹn khi gia đình đón thêm bé gái đầu lòng là cháu N.T.C.L. vào năm 2002.

Thế nhưng, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, năm 2005, anh T. bị tai nạn giao thông, khi đưa vào bệnh viện chị bàng hoàng khi bác sĩ thông báo chồng bị HIV giai đoạn cuối. Lấy hết can đảm, 2 mẹ con đưa nhau đi xét nghiệm. Cầm kết quả dương tính với HIV từ tay bác sĩ, chị như chết lặng, niềm an ủi cho chị khi con gái cho kết quả âm tính. Đến lúc này, anh T. mới thú nhận do lái xe đường dài căng thẳng nên thường xuyên sử dụng ma túy. Khi biết tin, chồng chị đã chìm sâu trong con đường nghiện ngập. Sau đó ít lâu, chồng qua đời, cô giáo trẻ đội tang chồng khi con gái mới được gần 4 tuổi.

“Kể từ khi biết mình mang H (HIV), cuộc đời của tôi như chết đi một lần. Năm 2005, thời điểm ấy thông tin về HIV trên vùng núi Hương Sơn còn quá ít. Người mang H như treo án tử trên đầu, sống trong sự kỳ thị, dè bỉu của mọi người. Đến giờ, tôi vẫn nhớ cảm giác bản thân mình đi đến đâu người ta tránh tới đó. Đau đớn nhất là con mình không có bạn chơi, dù bản thân cháu hoàn toàn bình thường. Cháu cũng không hiểu tại sao mình bị xa lánh cứ về hỏi mẹ. Những câu hỏi ngây thơ của con như dao cứa vào tim tôi”, chị Hà nhớ lại.

Lên lớp, biết cô Hà bị HIV, nhiều phụ huynh rất ái ngại, có người không cho con học lớp cô dạy. Thời gian này, từ lớp học hơn 20 học sinh, lác đác chỉ còn vài ba học sinh. Mang trong mình mặc cảm vì căn bệnh thế kỷ, bản thân lại là giáo viên đứng lớp, trước những áp lực tinh thần, nữ nhà giáo làm đơn xin Ban giám hiệu nhà trường nghỉ dạy.

Cô Đỗ Thị Thu Hà, giáo viên Trường Mầm non Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Cô Đỗ Thị Thu Hà, giáo viên Trường Mầm non Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Vươn lên từ dấu “-”

Gần 20 năm trôi qua nhưng cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Kim 1, vẫn nhớ như in buổi trò chuyện khi cô Hà biết tin mình nhiễm HIV từ chồng.

Đó là vào khoảng 9 giờ tối của một ngày cuối tháng Giêng, cô Hà và chị gái đội mưa tầm tã đến nhà cô Hoa. Lúc này, giọng cô Hà khóc nghẹn không nói nên lời. Chị gái cũng mãi mới kể được đầu đuôi câu chuyện và cho biết cô Hà có nguyện vọng xin nghỉ dạy. Qua phút bàng hoàng, cô giáo Hoa đã động viên, thuyết phục cô Hà tiếp tục ở lại trường.

“Hôm sau, Ban giám hiệu nhà trường mời cô Hà lên trò chuyện. Chúng tôi nói giờ em nghỉ dạy thì lấy tiền đâu nuôi con. Chưa ai cấm một cô giáo bị HIV dạy học cả. Ai trong cuộc đời mà không gặp phải khó khăn; cái khác giữa người này và người khác là chọn cách vượt qua. Em cần quay lại dạy và biết cách phòng tránh, ngăn ngừa lây nhiễm bệnh cho người khác thì ai cũng chia sẻ, cảm thông. Còn phụ huynh, giáo viên, phía nhà trường sẽ có phương pháp tuyên truyền” - cô Hoa kể lại.

Chỉ vài tuần sau buổi trò chuyện với Ban giám hiệu nhà trường, cô Hà quay trở lại lớp học. Biết chuyện của đồng nghiệp, các giáo viên trong trường càng thêm đồng cảm và luôn chia sẻ. Ngoài tinh thần, các cô cũng thay nhau cáng đáng thêm công việc những lúc cô Hà ốm đau vì trái gió trở trời. Sự đồng hành đó không chỉ ngày một ngày hai mà bền bỉ suốt thời gian nữ nhà giáo chống chọi với căn bệnh HIV.

“Trong cơn hoạn nạn, tôi thấy mình thật may mắn khi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp luôn đồng hành và động viên tôi vươn lên trong cuộc sống. Nếu không có điều này, chắc chắn bản thân không vượt qua được nghịch cảnh”, cô Hà bùi ngùi tâm sự.

Nhiều phụ huynh dần tin tưởng và yên tâm gửi gắm con để cô Hà chăm sóc.

Nhiều phụ huynh dần tin tưởng và yên tâm gửi gắm con để cô Hà chăm sóc.

Xác định chung sống lâu dài với bệnh tật, trước khi trở lại trường, cô Hà đã đọc tất cả tài liệu về căn bệnh HIV và nhờ bác sĩ tư vấn cách phòng tránh lây nhiễm. Trong quá trình làm việc, cô luôn ý thức trách nhiệm của mình để gìn giữ sức khỏe cho trẻ cũng như người xung quanh.

“Những ngày đầu quay lại trường, nhìn lớp học chỉ vài ba học sinh, tôi buồn lắm, dẫu biết rằng phụ huynh lo cũng đúng. Khi đó, tôi chỉ muốn nghỉ làm để trốn tránh cuộc sống thực tại. Nhưng nghĩ đến hoàn cảnh mẹ góa con côi, tôi lấy con làm động lực để quyết tâm “sống một lần nữa”. Có thể nói, người ta bắt đầu sự nghiệp bằng con số không còn tôi phải bắt đầu từ số âm”, nữ nhà giáo Hà bộc bạch.

Hàng ngày, cô giáo trẻ đều đặn, tỉ mẩn với công việc của mình. Ngoài phòng ngừa lây bệnh cho người khác, Hà rất quý trẻ, dồn sức chăm sóc, xem đó là động lực vượt qua bệnh tật. Nhìn con em ngày càng bụ bẫm, khỏe mạnh, dần dần phụ huynh hiểu và có cái nhìn thiện cảm hơn. Từ lớp học lác đác vài em, những năm học sau, lớp cô luôn giữ vững sĩ số từ 24 - 29 cháu. Nhiều phụ huynh có 2 - 3 con đều tin tưởng gửi vào lớp cô Hà chăm sóc.

Nhắc đến cô giáo Đỗ Thị Thu Hà, chị Trần Thị Sương (phụ huynh lớp 4 tuổi B) không khỏi tấm tắc: “2 con tôi đều là học sinh của cô Hà. Trong lớp cháu nào cũng yêu quý cô. Ngoài rèn luyện kỹ năng, cô còn tận tụy, chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ. Nhiều phụ huynh trước đây còn nghi ngại về căn bệnh của cô, nhưng vài năm sau, tiếng cô Hà chăm cháu khéo, lại nhiệt tình ai cũng biết. Hơn nữa, thông tin về HIV phổ biến rộng rãi, phụ huynh cũng biết nhiều hơn nên chẳng còn ai dị nghị”.

Cô Hà nhiều năm liền là thành viên tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại huyện Hương Sơn.

Cô Hà nhiều năm liền là thành viên tích cực trong công tác tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại huyện Hương Sơn.

Dấu “+” duyên dáng

Bên cạnh công việc dạy học, cô Đỗ Thị Thu Hà còn làm cầu nối giúp đỡ, động viên những người bị HIV hòa nhập cộng đồng. Năm 2007, cô thành lập Câu lạc bộ Sông Lam Xanh, sau này đổi thành “Câu lạc bộ tình thương” tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Câu lạc bộ ra đời nhằm giúp đỡ người bị HIV, nghiện ma túy sớm hòa nhập cuộc sống.

“Qua tiếp xúc, tôi thấy những người bị HIV thường mặc cảm và tìm cách che giấu bản thân. Chính vì vậy, họ không dám đến các trung tâm để điều trị, lấy thuốc thường xuyên khiến bệnh càng thêm nặng. Không chỉ vậy, không có người chia sẻ, họ càng sống trong lo âu, bi quan. Từ thực tế đó, tôi nghĩ mình cần làm điều gì đó để động viên những người có hoàn cảnh giống mình”, cô Hà cho hay.

Thời gian đầu, câu lạc bộ chỉ có vài ba người, sau đó tăng lên hơn 20 thành viên. Tại câu lạc bộ, nữ nhà giáo đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cùng tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức cho người bệnh trong chăm sóc và phòng ngừa lây nhiễm cho người thân. Nhiều người nghiện ma túy, được cô Hà động viên đã quyết tâm cai nghiện lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.

Như trường hợp gia đình anh N.V.C. và chị N.T.H. (trú tại xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn). Cả hai vợ chồng đều nhiễm HIV, anh C. là người nghiện ma túy. Sau khi biết nhiễm HIV, chị H. đã mang con bỏ đi. Lấy kinh nghiệm từ cuộc đời mình, cô Hà đã động viên anh C. đi cai nghiện và từ bỏ ma túy. Hiện, vợ chồng anh C. đã đoàn tụ.

Ngoài ra, cô Hà cũng thường xuyên phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn để trò chuyện, trở thành người giải mã điều khó nói cho học trò như: Sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, tình bạn khác giới... Hiện nay, dù không còn hoạt động trong câu lạc bộ, nhưng mỗi khi có người cần tư vấn, cô vẫn nhiệt tình giúp đỡ. “Tương lai ở phía trước nhưng mình phải biết nắm bắt nó, HIV giờ không còn đáng sợ, người mắc HIV có thể tự tin bước ra “ ánh sáng”, để làm việc, sống và cống hiến cho xã hội”, cô giáo Hà tâm niệm.

Với mong muốn gửi thông điệp đó đến những người cùng cảnh ngộ, năm 2010, cô mạnh dạn ghi tên mình vào cuộc thi “Dấu cộng duyên dáng”. Đây là cuộc thi sắc đẹp dành cho những phụ nữ không may nhiễm HIV. Cô Đỗ Thị Thu Hà đã vượt qua hơn 300 người để lọt vào top 15 người đoạt giải cao của cuộc thi này.

Cũng sau cuộc thi, lần đầu tiên cô kể về căn bệnh cho con gái nghe. “Thời điểm này, cháu đang học lớp 3, tôi nghĩ đã đến lúc để con biết sự thật. Nghe xong, con khóc rất nhiều vì sợ mẹ sẽ rời bỏ cháu. Tôi chỉ biết ôm con cố không khóc, nói với cháu rằng mẹ sẽ sống thật tích cực và khỏe mạnh, kéo dài thời gian bên con. Đổi lại, mẹ mong con hãy thật bản lĩnh, chăm ngoan học giỏi để động viên mẹ”, giọng cô giáo Hà nghẹn lại.

Thực hiện lời hứa với mẹ, suốt 12 năm đi học, em N.T.C.L. luôn chăm ngoan, là học sinh giỏi toàn diện. Ba năm học THPT, C.L. luôn là học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Đặc biệt, năm lớp 11, C.L. xuất sắc giành 2 giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở môn Lịch sử và môn Toán. Hiện, em là du học sinh năm 3 tại Trường ĐH Ngoại ngữ Thái Lan. Đó cũng là liều thuốc tinh thần quý giá giúp cô giáo Đỗ Thị Thu Hà vượt qua bệnh tật và vươn lên trong cuộc sống.

“Cô Đỗ Thị Thu Hà giàu nghị lực sống. Suốt những năm qua, tuy phải chống chọi với bệnh tật nhưng cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được phụ huynh và học sinh tin yêu”, cô Nguyễn Thị Tuyết Hoa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Kim 1 chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ