Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế-Trưởng vùng thi đua III đã đánh giá điều kiện hoạt động mang tính đặc thù của các tỉnh, thành trên địa bàn Bắc Trung bộ: Các đợt lũ lụt liên tiếp trong các tháng 10 và tháng 11 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của ngành. Nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần tương thân tương ái và sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và đồng bào trong, ngoài nước, cán bộ, GV và HS 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã vượt lên những khó khăn, mất mát, nhanh chóng đưa hoạt động nhà trường trở lại bình thường và phát triển đồng đều trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Trong quá trình chỉ đạo nhiệm vụ năm học, ngành GD-ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã quán triệt và triển khai đồng bộ các hoạt động GD, luôn bám sát thực tiễn của địa phương, lựa chọn những vấn đề then chốt và đề ra những giải pháp cụ thể. Hầu hết các tỉnh quy mô trường lớp đều tăng. Từ tình hình thực tế của mỗi tỉnh, 6 tỉnh Bắc Trung bộ, trong quá trình chỉ đạo đã có nhiều sáng tạo và đưa ra nhiều điểm mới mang tính đột phá trong CTQL và nâng cao chất lượng GD.
Điểm chung nhất trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ là:Tập trung chỉ đạo công tác tập huấn, bồi dưỡng CBQL theo chương trình liên kết với Singapore, SREM; Đẩy mạnh đổi mới PP dạy học và nâng cao chất lượng GD toàn diện; Phát huy và đẩy mạnh công tác phát hiện HS giỏi, HS năng khiếu trong tất cả các trường phổ thông; Triển khai đánh giá chất lượng các trường ; Thực hiện kiểm định chất lượng đối với GV; Đổi mới CTQL chỉ đạo, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục chỉ đạo có chất lượng phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; Triển khai thực hiện Thông tư 11 về chuyển đổi loại hình trường, lớp; thực hiện Đề án phổ cập mầm non 5 tuổi; Đề án phát triển trường chuyên; Đề án nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.
Trên tình hình thực tế, bên cạnh những điểm chung, một số tỉnh còn nhấn mạnh các điểm như: Quảng Bình tổ chức thẩm định các chỉ tiêu cơ bản về thực hiện nhiệm vụ năm học của các đơn vị GD về việc xây dựng kế hoạch năm học theo mô hình VANPRO. Quảng Trị: Sở chọn điểm “Nhấn” trong năm học là: Đề cao trách nhiệm của người thầy trong kiểm tra và chấm điểm. CBQL trường học phải thực hiện đăng ký việc làm mới gắn với công việc được giao. Hà Tĩnh: Tập trung chỉ đạo điểm về đổi mới PP dạy và học, nâng cao chất lượng GD toàn diện tại 10 trường phổ thông, trong đó 4 trường TH; 4 trường THCS và 2 trường THPT. Chỉ đạo triệt để thực hiện “ 3 công khai” tại các trường học và các cơ sở GD trong toàn tỉnh. Thừa Thiên Huế: Tham mưu Tỉnh uỷ đưa “Chương trình phát triển GD và đào tạo nguồn nhân lực” là một trong 8 chương trình trọng điểm của tỉnh được đưa vào Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2010-2015. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội thảo về công tác chủ nhiệm lớp, nhằm góp phần nâng cao chất lượng và đẩy mạnh đổi mới PP dạy học.
Đặc biệt, báo cáo của Trưởng vùng thi đua III đã đưa ra những con số thống kê cụ thể về tình hình HS bỏ học có so sánh với những năm học trước. Sau đợt lũ lụt trong tháng 10/2010, nhìn chung đời sống kinh tế của người dân ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các tỉnh nằm trong khu vực bị lũ chồng lên lũ, đã làm ảnh hưởng không nhỏ việc đến trường của HS.
Trước tình hình đó các Sở GD&ĐT trong vùng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị giáo dục và tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền phối hợp với các tổ chức xã hội, hội cha mẹ HS…để có kế hoạch giúp đỡ các em HS thuộc đối tượng khó khăn có nguy cơ bỏ học về vật chất lẫn tinh thần để các em tiếp tục đến trường. Vì thế mà tình hình học sinh bỏ học trong hè và đầu năm học ở 6 tỉnh Bắc Trung bộ nhìn chung giảm so với năm học trước.
Từ việc nêu lên những nguyên nhân, 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm tỷ lệ HS bỏ học ở mức thấp nhất. Các giải pháp chung nhất là chỉ đạo các đơn vị giáo dục tập trung rà soát các đối tượng bỏ học, phân tích nguyên nhân để có biện pháp giúp đỡ; phân loại HS yếu kém để có chương trình bồi dưỡng thích hợp; xây dựng môi trường học tập thân thiện để các em có học lực yếu không bị mặc cảm; phối hợp với các ban ngành các tổ chức đoàn thể tổ chức vận động hỗ trợ, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn, cấp học bổng hỗ trợ HS nghèo, thực hiện yêu cầu “3 đủ” đối với học sinh; phân công trách nhiệm cho từng CB, GV để vận động HS trở lại trường; mở các lớp bổ túc văn hoá cho HS không đủ điều kiện theo học chương trình phổ thông. Nhiều tỉnh đã phát động phong trào “Vì học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều” nhằm quyên góp sự ủng hộ về vật chất của GV, HS, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm cho HS nghèo, tạo điều kiện để các em yên tâm học tập.
Một số vấn đề trọng tâm khác được đề cập như Tình hình thực hiện “3 công khai” và thu chi đầu năm học mới; Tình hình và các giải pháp dạy thêm, học thêm; Tình hình đội ngũ và việc triển khai các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý; Tình hình đội ngũ; Việc triển khai các chế độ chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý...
Lãnh đạo Bộ chứng kiên đại diện các sở vùng III ký kết giao ước thi đua. |
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ năm học 2010-2011, từ nay đến hết học kỳ I của ngành GD-ĐT 6 tỉnh Bắc Trung bộ cũng trên cơ sở của kết quả đã đạt được và những mặt còn tồn đọng thời gian qua, như : Tổ chức tốt các phong trào thi đua để chào mừng kỷ niệm lần thứ 81 năm Ngày thành lập Đảng (03/2/1930-03/2/2011) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; Tham gia tốt kỳ thi HS giỏi quốc gia do Bộ tổ chức. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt chương trình kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ GV, đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ. Đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; hoạt động ngoại khoá; Phối hợp cùng cấp uỷ chính quyền các địa phương và các hội đoàn thể, tăng cường sự quan tâm giúp đỡ HS ở các vùng khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần để ngăn chặn tình trạng HS bỏ học và động viên các em khắc phục khó khăn trong lũ lụt, vươn lên trong học tập.
Có đến 16 ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Sở nêu lên tại Hội nghị, khá thẳng thắn và tập trung, phần lớn xoay quanh bất cập trong công tác phân cấp quản lý, chuyển đổi loại hình trường lớp, đề nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện cho cơ sở tháo gỡ khó khăn của thông tư 35, tiếp tục quan tâm đến chế độ ưu đãi cho CBQL đang công tác ở các Sở, Phòng; chú ý nâng cao chất lượng, hiệu quả ở các lớp tập huấn các chương trình; dự án, nên sớm có kế hoạch để cơ sở chủ động.
Tất cả những ý kiến thắc mắc nêu trên đều được Thứ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa giải đáp. Thứ trưởng đề nghị 6 tỉnh Bắc Trung bộ Tiếp tục khắc phục tình hình thiệt hại do thiên tai, lũ lụt; sớm hoàn thành Đề án phổ cập Mầm non 5 tuổi; rà soát lại một số phòng học chưa được xây dựng lại của chương trình kiên cố hóa để sớm cấp kinh phí cho cả giai đoạn 2008-2012; quan tâm hơn nữa đến ngăn chặn tệ nạn game online và bạo lực học đường; Bộ GD-ĐT sẽ giúp cho các tỉnh, thành có thêm thông tin về chuyển đổi loại hình trường, lớp để các tỉnh nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Riêng những bức xúc về vấn đề phân cấp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa sẽ trao đổi lại...
Kết thúc, Hội nghị giao ban, 6 tỉnh Bắc Trung bộ đã ký kết giao ước thi đua với quyết tâm cao, nhằm hướng đến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học :” Tiếp tục đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
Thanh Huế