Vùng khó mong thầy và trò được quan tâm nhiều hơn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để giữ chân học sinh, giáo viên ở những vùng sâu, vùng xa không quản đường sá xa xôi đi vận động các em ra lớp. Thế nhưng hành trình tuyên truyền không chỉ ngày một, ngày hai nên thầy, cô mong rằng sẽ có chính sách hỗ trợ để động viên, khích lệ giáo viên.

Giáo viên vùng khó luôn cố gắng tuyên truyền, vận động học sinh đi học đủ đầy.
Giáo viên vùng khó luôn cố gắng tuyên truyền, vận động học sinh đi học đủ đầy.

Hết lòng vì học trò

Những ngày cận kề năm học mới, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lang (xã Sơn Lang, huyện Kbang, Gia Lai) lại cùng nhau rong ruổi vào làng để tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp.

Cô Huỳnh Thị Bích Liên (giáo viên lớp 5) cho hay, năm học vừa qua toàn trường có 253 học sinh, nhưng có đến 133 em là người dân tộc thiểu số Ba Na. Những năm trước, đa số học sinh của trường được hưởng hỗ trợ của khu vực 3. Thế nhưng, từ năm 2020 khi xã đạt chuẩn Nông thôn mới thì các em không còn được hưởng chế độ bán trú nữa. Sau đó, học sinh về học tại 2 điểm trường ở làng Đăk Asên và Srắt, cách trường chính khoảng 8km. Nhưng khi về làng học sinh nghỉ học nhiều để theo bố mẹ lên nương rẫy.

Lo các em thất học nên giáo viên thường xuyên đến nhà, lên nương rẫy vận động học sinh ra lớp. Nhiều em khi thấy giáo viên đến nhà thì leo lên cây hoặc trốn vào bụi rậm. Thế nhưng giáo viên luôn kiên trì trên hành trình vận động học sinh ra lớp với hy vọng các em sẽ có tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

“Lo học sinh sẽ bỏ học vì mất chế độ nên Phòng GD&ĐT đã kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ của dự án “Nuôi em” từ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Từ đó, 140 em học sinh ở làng Đăk Asên, Srắt và Hà Nừng nhận được hỗ trợ 17.000 đồng/em/ngày. Nhờ sự hỗ trợ này nhà trường mới dần vực dậy được sĩ số và nâng cao chất lượng dạy học. Thế nhưng, những năm sau nếu không duy trì được lớp học bán trú thì khó giữ chân học trò”, cô Liên chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang.
Học sinh Trường Tiểu học Sơn Lang.

Theo cô Liên, khi xã lên Nông thôn mới, học sinh mất chế độ cũng đồng nghĩa giáo viên bị cắt, giảm nhiều chế độ. Tuy nhiên, giáo viên luôn cố gắng, nỗ lực để dạy chữ cho các em.

“Tôi mong muốn học sinh có thể nhận được các chế độ hỗ trợ, bán trú để duy trì tỉ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng dạy học. Bên cạnh đó, nếu được, tôi cũng mong rằng giáo viên vùng sâu, vùng xa sẽ được hỗ trợ thêm chi phí xăng xe. Bởi, đa phần giáo viên phải lặn lội quãng đường khá xa để đi dạy hoặc thường xuyên vào thôn, làng để vận động và đưa học sinh ra lớp”, cô Liên bộc bạch.

Ngoài ra, cô Liên cũng mong rằng sẽ có nhiều mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ cho học sinh áo ấm, dép, chăn... Bởi những ngày đông, mưa kèm theo gió khiến tiết trời nơi đây lạnh buốt, học sinh khó khăn nên chẳng đủ điều kiện mua đồ ấm mặc đến trường.

Khích lệ tinh thần giáo viên

Giáo viên trường Tiểu học xã Đăk Hà đến nhà vận động học sinh ra lớp.
Giáo viên trường Tiểu học xã Đăk Hà đến nhà vận động học sinh ra lớp.

Cũng giống như những giáo viên khác, thời gian tới cô Nguyễn Thị Mỹ Liên, giáo viên trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) sẽ học thêm chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) để có thể áp dụng vào dạy học và giao tiếp với học sinh.

Theo cô Mỹ Liên việc học tiếng DTTS cũng rất quan trọng và cần thiết, giúp giáo viên thuận lợi khi giao tiếp, giáo dục học sinh. Qua đó, giáo viên sẽ thấu hiểu học sinh hơn và dễ dàng chia sẻ với các em. Tuy nhiên, cô Liên cũng có chút lo lắng khi đồng lương giáo viên không quá cao nên việc tham gia bồi dưỡng tiếng DTTS cũng tốn một phần chi phí.

Còn cô Nguyễn Thị Thêu, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Ngọc Linh (xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho biết, học sinh trên địa bàn đa số là người dân tộc thiểu số Xê Đăng. Do đó để tiếp cận, gần gũi hơn với các em, khoảng 60% giáo viên trong trường đã chủ động học thêm ngôn ngữ thứ 3, sau Tiếng Việt và Tiếng Anh. Những giáo viên còn lại thời gian tới cũng sẽ tìm hiểu và bồi dưỡng tiếng DTTS nhằm hỗ trợ trong công tác dạy học.

Tuy nhiên, do tiếng Xê Đăng không có chữ viết nên giáo viên trường Tiểu học xã Ngọc Linh tham gia bồi dưỡng, lấy chứng chỉ tiếng Giẻ Triêng. Ngoài ra, giáo viên tự học thêm tiếng Xê Đăng trong quá trình giao tiếp với người địa phương và học sinh.

“Những năm qua, trên địa bàn huyện mở các lớp dạy tiếng Giẻ Triêng nên nhiều giáo viên đăng kí tham gia nhằm tăng vốn kiến thức và phục vụ nhu cầu dạy học sau này”, cô Thêu chia sẻ.

Cô Thêu cũng mong rằng sẽ có một cơ chế đặc thù hoặc một phần hỗ trợ chi phí cho giáo viên vùng sâu, vùng xa khi tham gia bồi dưỡng tiếng DTTS. Từ đó, khích lệ, động viên tinh thần giáo viên để cố gắng nỗ lực, vượt khó dạy chữ cho trò nghèo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ