Có một truyền thuyết lan truyền trong nhiều thiên niên kỷ về một thành phố huyền ảo ẩn mình trong dãy núi Himalaya từ lâu được cho là không ai có thể tiếp cận.
Thiên đường nơi hạ giới
Những câu chuyện về vương quốc huyền bí ở dãy núi Himalaya có tên là Shambhala xuất hiện từ rất lâu và gần đây đã quay trở lại gợi hiếu kỳ nơi các nhà thám hiểm tâm linh. “Shambhala” bắt nguồn từ tiếng Phạn, có nghĩa là “nơi yên bình” hoặc “nơi tĩnh lặng”. Ngoài ra, nó còn được gọi với nhiều tên khác như “vùng đất cấm”, “vùng nước trắng”, “vùng thuần khiết”, “vùng đất của các linh hồn tỏa sáng”, “vùng đất của kỳ quan”.
Từ hàng nghìn năm qua, Shambhala là một phần trong truyền thuyết của vùng núi hoang vu Tây Tạng, tồn tại ở đâu đó trong dãy núi Himalaya và sa mạc Gobi, được mô tả như Thiên đường nơi hạ giới, đầy ắp tình yêu thương và hạnh phúc vĩnh cửu.
Mọi người đều trẻ trung và khỏe mạnh, sống trong trạng thái phúc lạc hoàn toàn. Thành phố được cho là nằm ở một nơi bí ẩn được gọi là “Thung lũng của Mặt trăng xanh”.
Quyển sách ra đời năm 1933 của James Hilton, mang tên Lost Horizon (Chân trời đã mất), mô tả thung lũng này như sau: Thung lũng là một thiên đường khép kín, đất đai màu mỡ tuyệt vời.
Các loại cây trồng có sự đa dạng khác thường, phát triển trong phạm vi rộng lớn và liền kề, không có một tấc đất nào bị bỏ hoang. Toàn bộ khu vực canh tác kéo dài hàng chục dặm, chiều rộng thay đổi từ một đến năm dặm, đón được ánh sáng Mặt trời vào thời điểm nóng nhất trong ngày.
Bầu không khí ấm áp dễ chịu ngay cả khi không có Mặt trời, những con suối nhỏ chảy qua vùng đất lạnh giá làm đầy các hồ chứa dành tưới tiêu cho các cánh đồng và trang trại...
Nhiều văn bản cổ viết về Shambhala, đề cập nó như là nơi mà một ngày nào đó sẽ diễn ra trận chiến cuối cùng giữa bóng tối và ánh sáng. Lúc đó, ánh sáng sẽ chiếm ưu thế, mở ra một thời kỳ hoàng kim của lòng nhân từ và sự giác ngộ trên khắp thế giới.
Một phiên bản khác của câu chuyện này cho rằng, vào một lúc nào đó, thế giới sẽ bị hủy diệt bởi trận đại hồng thủy và bạo lực khủng khiếp, chỉ Shambhala còn tồn tại. Sau đó, tại đây sẽ xuất hiện một vị vua khai sáng thế giới một lần nữa.
Edwin Bernbaum, học giả chuyên khảo cứu Shambhala vào những năm 1920, đã nói về điều này: Trong nhiều thế kỷ, người dân Tây Tạng và Mông Cổ luôn tin vào sự tồn tại của Shambhala, nơi có các vị vua giác ngộ bảo vệ trí tuệ cao cấp trong thời kỳ mà tất cả các giá trị tinh thần trên thế giới sẽ bị mất trong chiến tranh và sự hủy diệt. Sau đó, theo lời tiên tri, một vị vua vĩ đại sẽ bước ra từ thánh địa này để đánh bại thế lực của cái ác và thiết lập một thời kỳ hoàng kim.
Shambhala ở đâu?
Theo truyền thuyết, người phàm trần không thể tiếp cận thung lũng và thành phố huyền bí bằng bất kỳ phương tiện vật chất nào hiện có. Mặc dù vậy, vẫn có không ít người tìm cách đi vào vùng bình yên này.
Nhà nhân chủng học Helen Valborg, trong quyển sách Symbols of the Eternal Doctrine: From Shamballa to Paradise (Các biểu hiện của Học thuyết vĩnh cửu: Từ Shamballa đến Thiên đường), đã kể về một người thợ săn tình cờ lạc vào “thiên đường”: Lang thang trong một thung lũng bên dưới vách núi Dhaulagiri phủ đầy tuyết, một thợ săn đến từ vùng Dolpo bỗng nghe thấy tiếng tụng kinh của những vị Lạt-ma và tiếng trống vọng lại.
Theo hướng âm thanh này để tìm nơi phát xuất, người đàn ông Tây Tạng đến ngưỡng cửa trong một vách đá lớn. Lách mình vào, ông thấy mình ở trong một thung lũng xinh đẹp, xung quanh là những cánh đồng lúa xanh tươi, nhiều ngôi nhà và một tu viện xinh đẹp.
Cư dân ở đây rất thanh thản và hạnh phúc, họ nồng nhiệt chào đón người thợ săn, khuyến khích anh ta ở lại. Anh rất vui khi thấy sự hạnh phúc và an lạc tràn ngập khắp nơi nhưng nóng lòng muốn trở về, đưa người thân đến để tận hưởng cuộc sống thần tiên này.
Mặc dù, cư dân ở đây cảnh báo, nếu trở ra ông ta sẽ không thể tìm thấy lối trở lại, nhưng ông vẫn quyết tâm ra đi. Khi đi qua cửa vách đá, ông cẩn thận treo khẩu súng và giày của mình bên cạnh lối vào để làm dấu.
Về đến nhà, ông kể mọi chuyện và đưa vợ con đến thung lũng huyền ảo này. Nhưng rồi ông chỉ nhìn thấy khẩu súng và đôi giày treo ở giữa một bức tường đá, còn lối vào thì đã biến mất…
Người phương Tây cũng đã tìm cách đến vùng đất huyền thoại mà họ nghe đồn đoán. Năm 1833, học giả người Hungary, Sándor Korosi Csoma, tuyên bố đã tìm thấy “một quốc gia tuyệt vời ở phía Bắc…”, mà nhiều người cho rằng, ông ám chỉ thành phố đã mất ở dãy Himalaya.
Vào cuối thế kỷ 19, nhà ngoại cảm và đồng sáng lập Hiệp hội Thông thiên học Helena Blavatsky, tuyên bố đã đến nơi này, nghiên cứu các đức tin bí truyền và đạt được những năng lực đáng kinh ngạc.
Vào những năm 1920, nhà thám hiểm Nicolas Roerich đã đi qua Tây Tạng và dãy Himalaya trong một chuyến du hành kéo dài 5 năm, bề ngoài là để nghiên cứu khu vực này, nhưng nhiều người cho rằng đây là một nỗ lực nhằm tìm ra Shambhala. Roerich đi sâu vào lãnh thổ mà chưa một người phương Tây nào từng biết vào thời điểm đó.
Chính tại nơi xa xôi lạnh lẽo này, ông được cho là đã tìm thấy một loạt sách cổ hoặc cuộn giấy được cất giấu trong các tu viện hẻo lánh, chỉ đường đến thành phố huyền bí. Ông cho biết đã tìm thấy núi Belukha, trong dãy Altai, nơi có lối vào Shambhala, nhưng không ai biết liệu ông có thực sự vào được nơi đó hay không.