Vui Tết Hồ Sự Chà nơi ngã ba biên giới

Vui Tết Hồ Sự Chà nơi ngã ba biên giới

Về với bản Tả Kố Khừ

Đến hẹn lại lên, cứ đến cữ cuối tháng 11, đầu tháng 12 dương lịch, nghệ nhân dân gian Pờ Dần Xinh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) lại gọi điện nhắn nhủ mời chúng tôi về vui Tết với bà con dân bản. Ông Xinh bảo, khi công việc đồng áng đã vãn là lúc bà con dân tộc Hà Nhì lại rộn ràng chuẩn bị vui đón Tết cổ truyền Hồ Sự Chà.

Từ Hà Nội, vượt xấp xỉ 800 cây số đường đèo ngoắt ngoéo, quanh co mới đến được với Sín Thầu, nơi tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc. Nơi đây một con gà gáy cả ba nước cùng nghe, có cột mốc không số mà bất cứ người ưa xê dịch nào cũng muốn chinh phục một lần trong đời.

Tháng Chạp ở Mường Nhé, dã quỳ nở vàng rực hai bên đường, trên những triền đồi, ven suối. Thật lạ lùng, giữa cảnh sắc hùng vĩ của núi non, giữa màu xanh ngút ngàn của cây rừng, loài cúc dại mọc tự nhiên bất cứ nơi nào có thể ấy lại đem đến một cảm giác ấm lòng giữa những ngày đông giá rét… Cùng với đó là vẻ hoang sơ, cô liêu ngút ngát của những ruộng lúa, nương ngô đã thu hoạch xong, đang chờ mùa vụ mới.

Tâm trạng uể oải của chuyến hành trình dài, dần được thay thế bằng sự háo hức. Háo hức không chỉ bởi sắp được vui đón Tết mừng năm mới với bà con Hà Nhì, mà còn bởi chính vẻ đẹp hút hồn của phong cảnh suốt dọc tuyến đường lên vùng ngã ba biên giới. Mê mải với cảnh sắc ấy nên dường như ai nấy đều cảm thấy hành trình được rút ngắn hơn…

Chúng tôi đến nhà nghệ nhân Pờ Dần Xinh khi trời sâm sẩm tối. Ở miền núi, màn đêm sập xuống nhanh hơn. Lác đác ánh đèn điện trong những ngôi nhà ở trung tâm của bản Tả Kố Khừ. Gia đình ông Xinh ở trong một căn nhà gỗ khang trang có sân lát gạch sạch sẽ.

Ông Xinh khuôn mặt tròn đầy, dáng người vạm vỡ, bước đi nhanh nhẹn, đón chúng tôi với cái bắt tay chắc nịch. Ông cất tiếng sang sảng: “Các bạn từ Thủ đô lên đây vui đón Tết với đồng bào Hà Nhì là quý lắm! Tất cả mọi người đến với bản chúng tôi vào dịp này đều là thượng khách!”...

Ông Xinh có 5 người con, đều đã dựng vợ, gả chồng, công tác trong xã, ngoài tỉnh. Con cháu trong gia đình đã về từ sáng sớm cùng xắn tay chuẩn bị cỗ tất niên. Từ chiều, ông Xinh đã cho người dựng rạp trên khoảng sân gạch rộng rãi trước nhà.

Bàn ghế cũng được kê dọn sẵn sàng để đón khách. Bữa cơm tất niên, bữa cơm sum họp, giống như người Kinh ở miền xuôi, ông Xinh mổ một con nghé để làm cỗ. Trong nhà, ngoài ngõ tiếng cười nói xôn xao…

Ông Xinh bảo, người Hà Nhì đón Tết Hồ Sự Chà, cũng giống như người Việt đón Tết Nguyên đán. Tết Hồ Sự Chà của người Hà Nhì tổ chức sớm hơn Tết miền xuôi. Thường vào khoảng tháng 12 dương lịch, khi mùa màng đã xong xuôi, người Hà Nhì chọn ngày Thìn (ngày con Rồng), là ngày đẹp nhất trong tháng để làm lễ mừng năm mới, mừng mùa màng bội thu và cầu mong cho một năm mới mọi điều tốt lành, may mắn...

Trong lúc gia chủ sắm sửa bữa cơm tất niên, chúng tôi dạo một vòng quanh bản Tả Kố Khừ. Bản nhỏ nằm ngay vùng ngã ba biên giới mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thanh bình. Từng lũ trẻ nhỏ nô đùa trước hiên nhà, bên nồi bánh đang đượm lửa. Người lớn thì tất bật dọn dẹp nhà cửa, xay bột làm bánh, nhốt gà, lợn chuẩn bị cho lễ cúng năm mới vào sáng hôm sau…

Bánh trôi là vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng mừng năm mới
 Bánh trôi là vật phẩm không thể thiếu trong mâm cúng mừng năm mới

Đón Tết nơi ngã ba biên giới

Gần năm giờ sáng, khi mặt trời còn chưa lên khỏi dãy núi trước nhà, khắp làng trên, xóm dưới bản Tả Kố Khừ đã vang tiếng lợn kêu eng éc. Bà Sừng Khò Nu, vợ ông Pờ Dần Xinh đã dậy nổi lửa đun nước chuẩn bị cho những người đàn ông trong nhà mổ lợn.

Còn bà Nu và hai cô con gái, con dâu bận rộn với nồi bánh trôi. Ngày trước, các công đoạn làm bánh trôi phải chuẩn bị từ khuya hôm tất niên vì gạo nếp phải ngâm kỹ và xay bột nước. Bây giờ hiện đại, xay bột khô bằng máy nên cũng nhàn và nhanh hơn.

Bột nếp được đổ ra một chiếc thau nhôm lớn trộn với tỉ lệ nước nhất định và được nhào kỹ. Từng chiếc bánh trôi tròn tròn, trắng tinh được bỏ vào nồi nước sôi sùng sục. Chiếc nào nổi lên được vớt ngay ra bát, bốc khói nghi ngút... Cả gian nhà ấm sực mùi khói...

Bà Nu bảo, với đồng bào Hà Nhì, bánh trôi là lễ vật đầu tiên để dâng cúng thần linh, xin phép thần linh cho gia đình mổ lợn ăn Tết. Mâm lễ vật để dâng cúng thần linh gồm 2 bát nước trắng có bỏ chút lá trà khô, 2 bát rượu trắng và 2 bát bánh trôi. Lễ vật chuẩn bị xong, bà Nu cẩn thận bê vào phòng ngủ để cúng ở phía đầu giường, nơi thờ thần linh.

Mọi người tặng quà, chúc mừng nhau trong ngày đầu năm mới
 Mọi người tặng quà, chúc mừng nhau trong ngày đầu năm mới

Sau khi cúng bánh trôi, xin phép thần linh, các thanh niên trong nhà đi bắt lợn để mổ, chuẩn bị cho lễ cúng chính. Con lợn được nhốt từ chiều hôm trước, sáng nay bị trói gô cả bốn chân vào một đoạn tre đực để bên chái nhà. Trước khi chọc tiết, bà Nu cũng sắm một lễ nhỏ cúng “ông lợn” gọi là làm lý, để cầu mong năm mới chăn nuôi được thuận lợi.

Ông Xinh cho hay, trong ngày Tết, nhà nào cũng mổ lợn. Bởi giống như người Việt cúng gà, rồi dùng chân gà để “xem” vận hạn trong năm mới, đồng bào Hà Nhì lại mổ lợn và dùng bộ gan lợn để xem điều tốt xấu trong năm. Xem năm nay sức khỏe người trong nhà như thế nào, trâu bò lợn gà có béo tốt không, lúa gạo có được mùa không…

Theo ông Pờ Dần Xinh, người Hà Nhì nhìn vào lá gan lợn, sẽ biết được năm nay gia đình mình tốt hay xấu. Một bộ gan lợn tốt, là khi lấy ngón tay ấn lên phải cứng, có màu hồng, mật lợn phải to… Như vậy thì trong năm gia đình mới may mắn, mạnh khỏe. Nếu gan mềm, mật nhỏ, màu xám, thì là không may mắn… Hai vợ chồng ông Xinh xem lá gan rất kỹ. Đôi lúc thấy ông nhăn trán tỏ vẻ suy nghĩ. Ông Xinh bảo, gan lợn cho thấy mọi việc trong gia đình năm nay đều tốt.

Sau khi xem lá gan, bà Nu lấy ở mỗi bộ phận trên con lợn một phần nhỏ, đem nấu cháo, rồi mang cháo ấy dâng cúng tổ tiên, thần linh, cầu mong mùa màng tốt tươi, trâu bò mạnh khỏe, gia đình gặp nhiều may mắn… Cúng xong, bà gọi cả gia đình vào quỳ trước bàn thờ cùng khấu đầu lạy tạ… Các thành viên trong gia đình làm cơm ăn mừng năm mới sum họp, rồi mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất đi chúc Tết anh em, bà con trong bản.

Lễ cúng quan trọng nhất trong năm hoàn tất, gia đình ông Pờ Dần Xinh sắp mâm, làm cơm mừng năm mới mời du khách và bà con trong bản. Mâm cơm ngày Tết có đủ rượu, thịt bò, thịt lợn, cá, rau… món nào cũng đầy đặn, ngon mắt. Chủ và khách cùng nâng ly rượu, gửi lời chúc mừng năm mới nhiều điều may mắn, tốt đẹp. “Chú mừ chú xá, à kha pi pô”, có nghĩa là “Chúc mừng năm mới, chúc sức khỏe”.

Làm lý trước khi mổ lợn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tuơi
 Làm lý trước khi mổ lợn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tuơi

Ông Pờ Dần Xinh cho biết, lên Tả Kố Khừ, lên Sín Thầu uống rượu, nhất là vào dịp lễ Tết, cứ vào mâm là uống đủ ba chén. Ông Xinh lý giải, ở vùng ngã ba biên giới này, nơi một con gà gáy ba nước cùng nghe, nên khi uống rượu, phải uống đủ ba chén rượu của tình hữu nghị: Chén đầu tiên là chúc sức khỏe người Việt Nam, chén thứ hai là chúc nước bạn Lào và chén thứ ba là chúc cho người Trung Quốc. Sau khi uống đủ ba chén rượu của tình hữu nghị, mọi người trong mâm lại tiếp tục rót rượu, chúc mừng năm mới từng người.

Với tính cách cởi mở, dễ gần và coi trọng tình cảm, nên đồng bào Hà Nhì quan niệm, chén rượu bày tỏ tình hữu nghị, nên khi uống cũng phải “cù li cù la”, nghĩa là “có đi có lại”, bạn mời tôi một chén, tôi mời bạn một chén...

Vào những ngày lễ Tết, trong gia đình người Hà Nhì, không chỉ có anh em, họ hàng, mà có rất nhiều bạn bè ở các nơi được mời về vui Tết và chúc mừng năm mới cùng gia đình, thắt chặt tình đoàn kết, keo sơn, gắn bó với các dân tộc anh em.

Bữa cơm ngày Tết của người Hà Nhì kéo dài từ giữa trưa đến tối muộn, ai mệt thì đi nghỉ, hết mệt lại tiếp tục cuộc vui… Ai đi chúc Tết, ai có việc cần đi đâu thì đi, xong việc lại về uống rượu… Người này đứng lên, người kia ngồi xuống, đồ ăn cứ vơi rồi lại đầy, chai rượu cứ đầy rồi lại vơi…

Ngày đầu tiên của năm mới, khi màn đêm buông xuống, bà con trong bản tập trung lại trước sân nhà văn hóa cùng nắm tay nhau, cùng vui trong điệu xòe của người Hà Nhì. Trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, người người cùng nắm tay nhau, hòa mình trong điệu múa, xoay tròn quanh đống lửa, cuộc vui kéo dài đến khuya…

Ông Pờ Dần Xinh kể, trước đây, Tết của người Hà Nhì kéo dài trong năm ngày, nhưng bây giờ, bà con tổ chức trong ba ngày. Những ngày sau chủ yếu là đi thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, làng xóm, tổ chức giã bánh giầy…, lại múa hát tưng bừng cho đến hết Tết.

Chia tay Tả Kố Khừ, tạm biệt miền biên ải đầy nắng gió, ai nấy đều lâng lâng trong men rượu, men tình của đồng bào Hà Nhì mến khách. “Tết sau lại lên nhé”, nghệ nhân Pờ Dần Xinh nắm tay chúng tôi lắc lắc, ánh nhìn đầy lưu luyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sửa đổi Luật Quy hoạch căn cơ, toàn diện hơn

GD&TĐ - Theo Tờ trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung 33 điều, khoản.