Vua đãi người già

GD&TĐ - Mùa Xuân, người Việt có tục lệ tốt đẹp là tổ chức mừng thọ cho người già. Chính quyền cũng thường xuyên tặng lụa, quà cho những cụ già sống lâu

Vua Minh Mạng. Ảnh ITN.
Vua Minh Mạng. Ảnh ITN.

Thời xưa, các vị vua Việt cũng đã có truyền thống này.

Như vua đầu tiên của triều Lý là Lý Thái Tổ ngay sau khi lên ngôi, năm Thuận Thiên thứ nhất (1010), tháng 2 đã xa giá về thăm quê ở châu Cổ Pháp (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay). “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: “Vua cho bô lão trong hương tiền và lụa theo thứ bậc khác nhau”.

Vua đầu triều Trần là Trần Thái Tông cũng vậy. Lên ngôi năm 1225, thì đến năm 1231, vào tháng 8, nhà vua về quê, ngụ ở hành cung Tức Mặc (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), làm lễ hưởng ở Tiên miếu, rồi ban yến cho các bô lão trong hương, cho lụa theo thứ bậc khác nhau.

Đến đời vua thứ hai triều Trần là Trần Thánh Tông, vào mùa Xuân, tháng 2 năm 1262, Thượng hoàng Trần Thái Tông lại ngự về hành cung Tức Mặc, ban tiệc to cho dân làng rồi cho các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được tước 2 tư (theo quan chế thời xưa, các quan chia làm 18 phẩm, gồm từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi phẩm có chính và tòng mỗi cấp bậc này chia thành 3 - 5 tư, mỗi khi được thưởng mấy tư, đủ số thì thăng một cấp), phụ nữ thì cho hai tấm lụa.

Việc đãi người già thời Trần được thể hiện rõ trước cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai.

Tháng Chạp năm 1284, sứ thần Trần Phủ từ Nguyên trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta. Thượng hoàng Trần Thánh Tông liền cho triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng.

Khi chép sử đến đoạn này, sử thần Ngô Sĩ Liên bình luận rằng: “Giặc Hồ (tức giặc Nguyên) vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”.

Các vị vua Việt khi đi tuần thú các địa phương, cũng thường cho gọi các phụ lão đến để hỏi chuyện.

Như khi vua Gia Long ra Bắc, đến trấn thành Thanh Hóa, đã gọi các phụ lão làng Bố Vệ (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, là quê vua Lê Anh Tông, khởi đầu dòng nhà Lê trung hưng) để hỏi về sự tích thời nhà Lê.

Năm 1814, khi vua Gia Long chuẩn bị sai vét sông An Cựu (tức là sông Lợi Nông ngày nay), nhà vua đã đến xã Thanh Tuyền để xem hình thế, vời các phụ lão đến hỏi về công việc vét sông. Phụ lão thưa rằng: “Đời xưa có ngòi lạch để phòng nắng lụt mà chứa nước lại hay tháo đi. Nay khai sông này, thực lợi cho nông dân lắm”. Nghe vậy, nhà vua tăng thêm quyết tâm, sai các quan đo đạc đường sông mà khai vét.

Việc “trọng thọ” được vua Minh Mạng thực hiện triệt để hơn. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua hạ lệnh cho các địa phương tìm hỏi những dân thọ trăm tuổi và những hiếu tử nghĩa phu mà tâu lên.

Lời dụ của nhà vua viết rằng: “Ta nghe trăm tuổi là kỳ, thật là điềm tốt của nước. Vua trọng người già thì dân không dám thờ ơ với cha mẹ, ấy là dạy dân biết hiếu vậy. Từ xưa kính trọng tuổi tác, ưu đãi bậc già, cất nhắc người hiếu, nêu khen người liêm, đều là để rèn luyện phong hóa cho dân, sáng tỏ trị giáo của nước, để dẫn cuộc đời đến chốn nhân thọ.

Trẫm kính nối nghiệp lớn, mở rộng đạo trị, phàm là trung thần thì phong tước mà thờ cúng, là liệt nữ thì ban biển mà nêu khen, điển lệ có đủ. Nhưng còn những người thọ đến tuổi kỳ (tức trăm tuổi) cùng là hiếu tử nghĩa phu thì được nêu thưởng, cái đạo dạy dân gây tục e còn chưa đủ”.

Vì lý do này, nhà vua yêu cầu các quan cai trị thành dinh trấn đều phải dụng tâm tìm hỏi dân gian, có ai trăm tuổi trở lên, thì đều cho hương lý trình quan sở tại, làm danh sách tâu lên, chuyển qua bộ Lễ đề đạt để chờ ban thưởng.

Cũng năm đó, vua Minh Mạng bắt đầu định lệ nêu thưởng quan thọ và dân thọ. Vua dụ bộ Lễ rằng: “Thượng cổ đều lấy trăm tuổi là kỳ hạn. Song từ trước đến nay thọ đến 70 tuổi đã khen là ít có. Huống chi thọ tới 100 tuổi, được đến tuổi “kỳ dị” như thế thực là điều tốt của người buổi thái bình. Trẫm mong nước và dân trường thọ để được thấm nhuần ơn lớn.

Từ nay các chức quan lớn nhỏ, tuổi 80 trở lên, thì cho đề tâu rõ ràng, đợi chỉ để thưởng cấp tiền lụa theo thứ bậc. Như quan nhất nhị tam phẩm mà thọ đến 100 tuổi thì thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa; từ ngũ lục phẩm thì 80 lạng bạc, 8 tấm lụa; thất bát cửu phẩm thì 60 lạng bạc, 6 tấm lụa. Mệnh phụ thì chiếu phẩm mà giảm 1 phần 3”.

“Thọ quan”, “thọ dân” đều được triều đình cấp cho biển ngạch, dựng đình ở cửa làng để nêu khen. Chữ biển ngạch thọ quan và sĩ lưu thì tới kỳ tâu xin vua sắc cho; chữ biển ngạch của dân, đàn ông thì khắc hai chữ “Thọ dân”, của đàn bà thì khắc hai chữ “Trinh thọ”. Họ còn được gia thêm quan hàm và thưởng thêm ghế, gậy, đồ vặt, gấm, đoạn, vàng, lụa.

Những người dân thọ tới 110 tuổi thì lại thêm 50 lạng bạc, 5 tấm lụa; cứ thêm 10 tuổi thì số tiền lụa lại gấp đôi lên, thưởng cấp hậu thêm. Còn như sĩ lưu, hương trưởng mà thọ 100 tuổi thì thưởng 30 lạng, vải lụa đều 5 tấm, cũng cho biển ngạch và dựng đình treo biển.

Đàn ông thọ 100 tuổi thì thưởng 30 lạng bạc, vải lụa mỗi thứ 3 tấm, đàn bà thọ 100 tuổi thì thưởng 20 lạng bạc, lụa vải đều 2 tấm; đều được cấp biển treo ở chỗ ở. Tuổi cao hơn nữa, cứ thêm 10 tuổi thì thưởng thêm 10 lạng bạc.

Những địa phương có người già thọ như thế thì quan đứng đầu trấn, thành và trưởng quan phủ huyện, đều phải thường xuyên hỏi thăm, đầu năm sai người đến nhà cấp rượu thịt, để tỏ rõ cái chí ưu dưỡng người già của nhà vua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...