Diễn biến và vai trò Đường “Nhuệ” với Công ty TNHH Lâm Quyết
Phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi, trú tại 138 đường Nguyễn Danh Đới, phường Trần Lãm, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) và bà Phạm Thị Quyết (53 tuổi, vợ ông Lẫm) tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” diễn ra tại trụ sở TAND tỉnh Thái Bình.
Theo hồ sơ của cơ quan chức năng năm 2017, ông Nguyễn Văn Lẫm và vợ là bà Phạm Thị Quyết có vay của Đường Nhuệ số tiền 1,7 tỷ đồng.
Đơn tố cáo của ông bà Lẫm Quyết cho rằng, ngày 3/10/2017, khi vợ chồng vắng nhà thì Đường “Nhuệ” cho người đến trụ sở Công ty TNHH Lâm Quyết chiếm đóng, đồng thời liên tục gọi điện đe dọa yêu cầu ông bà Lẫm Quyết phải định giá công ty để bán lại cho Đường.
Ông bà Lẫm Quyết đã gửi đơn tố cáo Đường Nhuệ về các hành vi tổ chức chiếm đoạt, tẩu tán, phá hoại tài sản, đe dọa giết người. Ngày 29/3/2018, Cơ quan CSĐT - Công an TP Thái Bình ra thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự với lý do không có căn cứ chính xác.
Ngày 16/4/2018, ông bà Lẫm Quyết bị Công an TP Thái Bình bắt giữ về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sau khi ông Đỗ Văn Tới là chủ nợ làm đơn tố cáo.
Phiên xử sơ thẩm vào tháng 6/2019, TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Lẫm 14 năm tù và Phạm Thị Quyết 13 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thái Bình có nêu ông Lẫm, bà Quyết gian dối, lại ra lý do Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt Công ty TNHH Lâm Quyết, để chiếm đoạt số tiền 900 triệu đồng của ông Tới.
Ngày 28/4/2020, TAND cấp cao tại Hà Nội đã ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang tại ngoại đối với ông Lẫm và bà Quyết đến khi phiên phúc thẩm kết thúc.
Phiên xét xử phúc thẩm ngày 11/5/2020, các luật sư bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết đề nghị triệu tập thêm ông Cao Giang Nam - từng là Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT - Công an TP Thái Bình, cùng một số điều tra viên phụ trách điều tra vụ án đến tòa để đối chất, làm rõ một số nội dung.
Tại phiên xét xử, các nhân chứng là công nhân Công ty Lâm Quyết khai sau khi nhóm Đường “Nhuệ” chiếm giữ doanh nghiệp, ngày 4/10 công nhân tới làm thì bị các thanh niên xăm trổ ngăn cản. Nhân chứng cho rằng, Đường đã đuổi tất cả người của công ty ra khỏi trụ sở và chiếm giữ công ty tới tận ngày 19/10.
Nguyễn Xuân Đường thừa nhận có gọi điện thoại đe dọa giết, chặt chân, ép chuyển nhượng công ty nhưng lúc đó vì bức xúc nóng giận nên mới nói vậy chứ không phải vậy. Đường “Nhuệ” cũng thừa nhận vào thời điểm chiều 3/10/2017 có dẫn con nuôi là Bùi Mạnh Tiến (Tiến “trắng”) tới Công ty Lâm Quyết. Tại đây Đường thấy có rất nhiều người tập trung định lấy tài sản nên đã không cho ai lấy bất cứ tài sản nào mang đi. Tuy nhiên, Đường không thừa nhận việc chiếm giữ, đập phá, cướp đoạt tài sản của công ty như vợ chồng bị cáo và các nhân chứng đã tố cáo.
Tòa hỏi Nguyễn Xuân Đường đã lấy những tài sản gì của Công ty Lâm Quyết? Đường nói không lấy gì. Tòa hỏi có biết ai đập phá tài sản Công ty Lâm Quyết không? Đường trả lời rằng, người khác đập phá chứ không phải nhóm của Đường thực hiện.
Trước câu hỏi của đại diện VKS, Nguyễn Xuân Đường thừa nhận khi đưa người tới canh giữ, bảo vệ tài sản cho Công ty Lâm Quyết đã không được chủ doanh nghiệp đồng ý, ở lại qua đêm tại công ty không khai báo tạm trú.
Đề nghị hủy án, điều tra lại
HĐXX đã cho 2 bị cáo Nguyễn Văn Lẫm và Phạm Thị Quyết đối chất với người bị hại là vợ chồng ông Đỗ Văn Tới. Hai bị cáo Lẫm, Quyết khẳng định đã trả khoản tiền 900 triệu đồng cho ông Tới và giấy biên nhận đã mất sau khi Nguyễn Xuân Đường chiếm Công ty Lâm Quyết.
Ông Tới khẳng định 2 bị cáo chưa trả tiền cho mình và nói rằng có thể căn cứ vào 42 tin nhắn mà ông Tới nhắn với bị cáo Lẫm cùng hợp đồng vay vốn mà ông Tới còn giữ. Bị cáo Quyết đã phủ nhận việc này vì các tin nhắn không nói rõ số tiền nợ và hợp đồng vay tiền đã hết hạn.
HĐXX hỏi về đơn tố cáo ông Lẫm, bà Quyết về hành vi chiếm đoạt tài sản, ông Tới nói: “Khả năng đơn là do tôi viết tay và chỉ có 1 lá đơn, trong đơn có 2 chữ ký. Đơn ghi là đơn tố cáo và gửi trực tiếp cho Đội điều tra tổng hợp Công an TP Thái Bình”.
HĐXX hỏi bà Lê Thị Tuyết (vợ ông Tới) vì sao không tố cáo vợ chồng ông Quyết còn nợ khoản tiền hơn 1 tỷ đồng mà lại tố cáo khoản 900 triệu đồng? Bà Tuyết trả lời: Tôi tưởng tố cáo hơn 1 tỷ đồng thì mất án phí, và mọi việc đều do chồng tôi thực hiện.
Phần tranh luận, đại diện Viện KSND cho rằng, quá trình điều tra chưa làm rõ được các mâu thuẫn của bị cáo, bị hại; có nhiều nội dung về việc thế chấp xe, giấy tờ xe Toyota Camry chưa được thể hiện trong hồ sơ và tại phiên xét xử.
Viện KSND nêu rõ, tại phiên xử phúc thẩm lời khai của Nguyễn Xuân Đường và các nhân chứng đã thể hiện Đường có hành vi xâm phạm trái phép Công ty Lâm Quyết. Đây là cơ sở để vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết kêu oan khi bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Đại diện Viện KSND tối cao nhận thấy, phiên tòa xét xử phúc thẩm sẽ không khắc phục được những thiếu sót trong quá trình điều tra, những vấn đề đối chất của bị cáo, bị hại và những người liên quan. Đề nghị xem xét lại việc thế chấp chiếc xe Toyota Camry của ông Lẫm, bà Quyết khi vay nợ nhiều lần.
Đại diện Viện KSND tối cao đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại và làm rõ các mâu thuẫn.
Trong vụ án này, Nguyễn Xuân Đường (tức Đường “Nhuệ”, 49 tuổi trú tại TP Thái Bình), được xác định là người làm chứng nhưng từng vắng mặt tại phiên tòa sơ thẩm; Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến “trắng”, 25 tuổi, trú tại huyện Vũ Thư) được triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Hiện, Đường “Nhuệ” đang bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam vì 2 tội danh: Chiếm đoạt tài sản và cố ý gây thương tích trong 3 vụ án. Tại tòa, Đường “Nhuệ” được bố trí ngồi một phòng riêng để trả lời các câu hỏi của tòa qua màn hình tivi.