Vụ vỏ cà phê trộn tạp chất: Cần xử lý hình sự để răn đe

GD&TĐ - Liên quan đến vụ trộn vỏ cà phê trộn tạp chất đang gây bức xúc trong dư luận, nhiều người lên án cho rằng, đây là hành vi không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm để tăng tính răn đe, tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và ngành cà phê uy tín của nước ta.

Vụ vỏ cà phê trộn tạp chất: Cần xử lý hình sự để răn đe

Vụ việc xảy ra vào ngày 15/4, từ tố giác của người dân, công an đến kiểm tra và phát hiện cơ sở của bà Nguyễn Thị Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) sử dụng vỏ cà phê trộn lẫn tạp chất rồi sau đó đem phân phối ra thị trường đang gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận.

Theo lời khai của bà Loan cho biết, cơ sở này hoạt động đã nhiều năm, chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã bán ra hơn 3 tấn cà phê trộn tạp chất. 

Điều mà phần lớn dư luận quan tâm ngay sau khi báo chí đưa tin về sự việc trên, đó là muốn tìm hiểu hành vi nghiêm trọng này vi phạm quy định nào của pháp luật, xử phạt ra sao?

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, các cơ quan chức năng cần thiết phải xử lý hình sự đối với đối tượng về hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Điều 317 BLHS 2015.

Có như vậy mới có thể là hồi chuông cảnh báo, răn đe những đối tượng vì lợi ích mà đã và đang có hành vi ảnh hưởng tới người tiêu dùng qua việc đưa vào lưu thông các sản phẩm gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người đang có xu hướng gia tăng và rất nóng bỏng hiện nay.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, hành vi chế biến, sản xuất các sản phẩm cà phê bằng cách trộn vỏ cà phê với tạp chất là việc lừa dối người tiêu dùng.

Xét hành vi của đối tượng đã xâm hại khách thể bộ luật hình sự điều chỉnh đó là xâm phạm đến chế độ quản lý nhà nước về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của công dân và xâm hại đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng, lừa dối người tiêu dùng.

Về nguyên tắc, khi xem xét hành vi phạm tội, cần định tội danh theo khách thể cao nhất trong vụ việc này đó là chế độ quản lý nhà nước về an toàn toàn thực phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Do đó, hành vi của đối tượng đã có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 317 BLHS 2015. Đây là loại tội phạm có cấu thành vật chất.

Nghĩa là phải có hậu quả thiệt thại về sức khỏe, tính mạng hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên mới có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một điểm mới so với Điều 244 BLHS 1999 (Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm) chỉ có thể xử lý hình sự được khi buộc phải có hậu quả thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Do vậy, trước thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018 thì rất khó để xử lý được được hành vi này mà chủ yếu chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm hành chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ